Đặc biệt, không tùy tiện đắp thuốc nam lên vết thương.
Bị thương nặng do chó cắn
Trung tâm Y tế Móng Cái, TP Móng Cái, Quảng Ninh cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 28 tuổi, bị chó becgie 50kg nhà hàng xóm cắn hàng trăm vết ở tay. Trong đó, có nhiều vết thương sâu, chảy nhiều máu. Bệnh nhân được xác định có hàng trăm vết xước, vết cắn sâu, vết thương hở 1 - 3 cm, mất nhiều máu. Các bác sĩ vệ sinh vết thương, điều trị kháng sinh, chống nhiễm trùng.
Đại diện CDC Quảng Ninh cho biết, từ tháng 6 đến nay, phòng tiêm chủng dịch vụ đã tiếp nhận 115 trường hợp đến tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Toàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 6 ổ dịch bệnh dại trên chó.
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cũng cho biết, gần đây, có nhiều trường hợp nhập viện do chó cào, cắn. Cụ thể, bệnh nhi H. P. N., 8 tuổi (ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, vành tai phải bị biến dạng, mất một phần sụn, chảy nhiều máu.
Người nhà bệnh nhi cho biết, vết thương là do bị chó lạ vồ, cào vào tai khi bé vừa ra khỏi nhà. Đó là giống chó Phú Quốc, rất to, cao khoảng 50 cm, đang được thả rông và không đeo rọ mõm. Chó lao vào bé rất nhanh nên người nhà không kịp ngăn cản.
Các bác sĩ đã sơ cứu vết thương rồi hội chẩn với chuyên khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để đánh giá nguy cơ về bệnh dại. Bệnh nhi sau đó được tiêm phòng dại và trở lại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai.
Ngày 21/7, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cũng phải điều trị cho bệnh nhi T.N.T.V. (5 tuổi, Nghệ An) bị thương nặng do chó cắn. Trước đó, chiều 20/7, cháu V. ngồi chơi trước cửa nhà, bất ngờ bị một con chó lạ chạy đến cắn xé vùng mặt, đầu. Gia đình sau đó đưa trẻ đến bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Bé gái nhập viện với tình trạng da vùng trán, quanh mắt trái bị cắn mất một mảng khoảng gần nửa lòng bàn tay người lớn. Phần lông mày bên trái của trẻ bị mất hẳn, vết thương dài tầm 10 cm phía trên đỉnh đầu.
Tiêm phòng càng sớm càng tốt
Chia sẻ về vấn đề này, BSCKI Hồ Ngọc Bảo - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, ngay khi bị chó cắn, cần nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm. Khi không còn mối đe dọa, phải xác định xem con chó đã được tiêm phòng bệnh dại hay chưa. Để xác định, có thể hỏi trực tiếp người chủ và yêu cầu xem các giấy tờ liên quan nhằm xác nhận con chó tiêm phòng chưa.
Nếu con chó không có người đi cùng, hãy hỏi bất kỳ ai chứng kiến liệu họ có quen với chủ nhân con vật không. Ngoài ra, người chủ cũng có nguy cơ bị chính chó của mình cắn. Do đó, cần đảm bảo tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi đầy đủ.
“Nếu bị chó cắn, điều quan trọng là phải xử lý vết thương ngay lập tức để giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn như bệnh dại, nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng. Trong một số trường hợp, người bị cắn có thể tự thực hiện sơ cứu. Trong các trường hợp khác, bệnh nhân sẽ cần đến bệnh viện ngay lập tức”, bác sĩ Bảo khuyến cáo.
Ngoài ra, trong quá trình sơ cứu chó cắn, tuyệt đối không để vết thương trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không tùy tiện đắp thuốc nam lên vết thương. Sau khi sơ cứu, cần đưa nạn nhân đến bệnh viện để bác sĩ khám và có chỉ định điều trị thích hợp.
Bác sĩ Bảo lưu ý, với vết thương không rách da, cần rửa sạch bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ. Quấn băng bằng vải sạch. Sau đó, đến trung tâm y tế gần nhất. Đối với vết thương rách da, cần rửa sạch khu vực bị cắn ngay lập tức bằng nước ấm, sạch và xà phòng dịu nhẹ, không mùi.
Sau đó, nhẹ nhàng tạo một áp lực nhỏ lên khu vực bị cắn giúp loại bỏ tạp khuẩn. Đặt một miếng vải sạch lên vết thương và quấn bằng băng sạch. Đối với vết thương chảy máu, cần rửa sạch khu vực bị cắn ngay lập tức bằng nước ấm, sạch và xà phòng dịu nhẹ, không mùi. Đắp một miếng vải sạch lên vết thương và ấn nhẹ xuống để máu ngừng chảy. Sau đó băng lại.
Tất cả các vết thương do chó cắn, kể cả những vết thương nhỏ, đều phải được theo dõi để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng cho đến khi lành hẳn. Ngoài ra, cần kiểm tra vết cắn thường xuyên nếu xuất hiện các tình trạng như: Sưng đỏ; Bệnh nhân cảm thấy nóng rát ở khu vực bị cắn; Khu vực bị cắn đau khi chạm vào.
Bác sĩ Bảo khuyến cáo: Cần đến bệnh viện ngay nếu bị cắn bởi một con chó lạ, vết cắn sâu, không thể cầm máu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (đỏ, sưng tấy, nóng rát, mủ).
Trong khi đó, BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, việc tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tiêm vắc-xin phòng dại trong 6 giờ được xem là sớm. Việc tiêm sau 6 giờ được gọi là tiêm phòng muộn. Đây cũng chính là khoảng thời gian tối thiểu để tiêm phòng dại.
Phác đồ tiêm dạng huyết thanh kháng dại hay vắc-xin phòng dại sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể dựa trên mức độ tổn thương, vị trí của vết thương và tình trạng sức khỏe người cần tiêm phòng.
Ngoài ra, ngoài thời điểm bị chó dại cắn bao lâu thì liều lượng chích ngừa cũng sẽ có sự khác nhau tùy theo lịch sử tiêm trước đó. Với trường hợp bị chó cắn nhưng trước đó chưa từng tiêm vắc-xin phòng dại, cần chủng ngừa ngay sau khi phơi nhiễm để ngăn ngừa nguy cơ tiến triển bệnh.
Cần tiêm 4 mũi ở cơ vai, mũi đầu tiêm sau khi bị chó dại cắn. Các mũi tiếp theo lần lượt tiêm sau mũi thứ nhất 3, 7 và 14 ngày. Ngoài ra, cũng nên tiêm thêm một mũi globulin miễn dịch bệnh dại.
Với trường hợp bị chó cắn nhưng trước đó đã tiêm vắc-xin phòng dại thì cần chủng ngừa 2 mũi ở cơ vai. Mũi thứ nhất tiêm ngay sau khi bị chó dại cắn, mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất 3 ngày. Riêng với trường hợp này thì không cần phải tiêm globulin miễn dịch bệnh dại. Các trường hợp phụ nữ đang cho con bú và mang thai nếu bị chó dại cắn thì cần hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng.