Nguy cơ bệnh bại liệt hoang dại xâm nhập Việt Nam

GD&TĐ - WHO xếp loại Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm các quốc gia có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã xếp Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền. Ủy ban khuyến cáo cần khẩn trương khôi phục tỉ lệ tiêm chủng vắc xin bại liệt, sởi, rubella.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã phải tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên nên tỉ lệ tiêm chủng nhiều loại vắc xin ở nước ta đạt mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.

Trong đó, tỉ lệ uống vắc xin bOPV (vắc xin phòng bại liệt đường uống) và tiêm IPV của cả năm 2021 chỉ đạt 69,4% và 80,4%; năm 2022 đạt 70,1% và 89,2%. Tỉ lệ tiêm IPV mũi 2 đạt 73%, dẫn đến nhu cầu sử dụng các vắc xin này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn vắc xin IPV hạn sử dụng ngắn tại các tuyến.

Trên thế giới, tỉ lệ tiêm các vắc xin bại liệt cũng đạt thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thế giới đã ghi nhận trường hợp virus bại liệt hoang dại từ các nước lưu hành lây sang quốc gia đã thanh toán bại liệt.

Trong kỳ họp tháng 11/2022, Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã xếp loại Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm các quốc gia có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền.

Ủy ban khuyến cáo Việt Nam cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin bại liệt, sởi, rubella. Đồng thời triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao.

Ngày 27/2 vừa qua, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng đã có thư gửi Chương trình tiêm chủng mở rộng đề nghị tăng cường các hoạt động tiêm bù mũi vắc xin bại liệt cho trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi năm 2021 và 2022, nhằm tạo miễn dịch đầy đủ trước nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã có văn bản đề nghị rà soát và đề xuất đối tượng, nhu cầu vắc xin IPV để triển khai tiêm bổ sung cho trẻ sinh năm 2021 và 2022 chưa tiêm đủ 2 mũi có thành phần bại liệt. Số vắc xin IPV hiện có hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu triển khai của các tỉnh, thành phố.

Nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam phù hợp chiến lược của tổ chức WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và để sử dụng hiệu quả số vắc xin IPV do GAVI viện trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm vắc xin IPV cho trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thành phần bại liệt.

Cụ thể, đối tượng là trẻ em sinh trong năm 2021 và 2022. Thời gian tiêm là quý II/2023.

Nguồn vắc xin do GAVI viện trợ. Vật tư tiêm chủng bao gồm bơm kim tiêm và hộp an toàn đã được phân bổ đến các tỉnh.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để chủ động bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và sử dụng hiệu quả vắc xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện hoạt động tiêm vắc xin IPV cho trẻ em theo kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.