Kỹ năng ứng xử sư phạm tốt giúp giải quyết những mâu thuẫn giữa thầy - trò

GD&TĐ - Nếu giáo viên được trang bị nhiều kỹ năng ứng xử sư phạm sẽ giúp giải quyết được những mâu thuẫn giữa thầy - trò, học sinh - học sinh từ sớm.

Khi giáo viên có kỹ năng ứng xử sư phạm tốt sẽ giúp mối quan hệ giữa thầy - trò ngày càng gắn kết. Ảnh minh họa: ITN.
Khi giáo viên có kỹ năng ứng xử sư phạm tốt sẽ giúp mối quan hệ giữa thầy - trò ngày càng gắn kết. Ảnh minh họa: ITN.

Cần chờ kết luận cuối cùng

Những giờ qua, dư luận không khỏi bức xúc khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một nhóm học sinh lớp 6 ‘quây’ cô giáo kèm theo nhiều câu văng tục. Theo tìm hiểu, sự việc xảy ra tại một lớp học của Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang).

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, những hình ảnh trong clip này cho thấy mối quan hệ về mặt cảm xúc giữa cô giáo với học trò càng ngày càng xa hơn.

Sau đại dịch Covid-19, không ít giáo viên cũng bị tổn thương về mặt sức khỏe tinh thần và bị căng thẳng. Trong khoảnh khắc nào đó, giáo viên có thể không làm chủ được cảm xúc của mình hoặc ứng xử với học trò chưa công bằng dẫn tới những hiểu lầm.

Từ đó, học sinh có hành vi chống đối thể hiện ở nhiều cấp độ như ánh nhìn không thiện cảm, nói xấu sau lưng hoặc thậm chí “động chân động tay” với thầy cô.

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cũng theo vị chuyên gia, người giáo viên có thể chưa có cách xử lý khéo léo để hóa giải những hiểu lầm đó của học sinh. Nếu phân tích đúng, thầy cô sẽ giúp các em hiểu ra vấn đề.

"Tuy nhiên ở đây, những người ngoài cuộc chưa hiểu bản chất sự việc và đang có những bình luận trái chiều theo các góc nhìn riêng. Do đó, chúng ta cần giữ được sự bình tĩnh để chờ góc nhìn của sự thật thông qua quá trình xác minh của cơ quan chức năng, nhà trường" - PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi.

Khâu xử lý khủng hoảng truyền thông trong giáo dục cũng cần được các nhà trường lưu ý. Khi tình huống xảy ra, chúng ta cần giải quyết dứt điểm vấn đề trên cơ sở hài hòa giữa các bên chứ không nên giấu diếm. Nếu xử lý không khéo, câu chuyện sẽ bị đẩy đi quá xa và ảnh hưởng tới uy tín của ngành Giáo dục.

Siết chặt kỷ cương trường học

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: NVCC.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục, hiện nay ngành Giáo dục đang trao cho học sinh nhiều quyền hạn. Trong khi các em chưa nhận thức được quyền của mình là tới mức độ giới hạn như thế nào.

Vị nữ chuyên gia khẳng định, khi học sinh đứng quây quanh xúc phạm mà cô không lấy điện thoại tìm kiếm sự trợ giúp từ bảo vệ nhà trường, hoặc đồng nghiệp, ban giám hiệu mà chỉ cầm điện thoại quay lại học sinh cũng cần phải xem lại.

“Do vậy, chúng ta cần siết chặt kỷ cương trường học để bảo vệ hình ảnh người thầy. Nhà trường cần mời cô giáo, phụ huynh của những học sinh đó đến trường rồi cùng phân tích, giao trách nhiệm để sửa các hành vi sai trái của con em mình. Đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Làm sao để các em tự nhận thức được cái sai của mình, cam kết không tái phạm chứ không nên đình chỉ học. Để làm được điều này cần sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội giám sát sự thay đổi của các em", PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Tăng cường kỹ năng ứng xử sư phạm

NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, năng lực ứng xử các tình huống sư phạm của giáo viên ở mỗi nhà trường là vô cùng quan trọng.

NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: NVCC.

NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: NVCC.

Giáo viên chính là những người gần gũi với học sinh nhất, hiểu được tâm lý các em hơn cả. Do đó, nếu ứng xử khéo léo thì học trò sẽ coi thầy cô như những người bạn, sẵn sàng tâm sự chuyện to chuyện nhỏ.

Trong xã hội ngày nay, công nghệ thông tin phát triển đã đem lại nhiều thời cơ nhưng cũng có những thách thức cho ngành Giáo dục.

Để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, mối quan hệ thầy – trò được phân định rạch ròi thì cần tình yêu thương, sự thấu hiểu và công bằng của người thầy. Nguồn cơn của mọi sự bức xúc đều xuất phát từ những mâu thuẫn, áp lực bị dồn tụ lâu ngày không được giải quyết triệt để.

Trong nhà trường sẽ xuất hiện vô vàn tình huống sư phạm mà giáo viên phải đối mặt. Từ khi học trong trường Sư phạm, các thầy cô đã được dạy về kỹ năng ứng xử sư phạm một cách căn bản. Việc tăng cường giáo dục về kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh ngày càng cấp thiết hơn.

Hình ảnh một cô giáo ở Sơn Dương, Tuyên Quang bị nhóm học sinh xúc phạm ngay tại lớp. Ảnh cắt từ clip.

Hình ảnh một cô giáo ở Sơn Dương, Tuyên Quang bị nhóm học sinh xúc phạm ngay tại lớp. Ảnh cắt từ clip.

Khi các em được học về cách tôn trọng thầy cô, ứng xử chan hòa với bạn bè và thực hành thường xuyên như một thói quen thì đó là biểu hiện rõ nét của trường học hạnh phúc, tô thắm thêm truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

“Theo tôi, người giáo viên cần cố gắng không để xảy ra tình trạng xung đột với học sinh. Nếu học trò có những bức xúc thì cần được thầy cô lắng nghe, giải quyết dứt điểm ngay từ sớm. Khi đó, mối quan hệ thầy trò mới hài hòa, môi trường học đường mới thực sự lành mạnh” – NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi thêm.

Theo đại diện UBND huyện Sơn Dương, ngay sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Trường THCS Văn Phú xem xét, xử lý nghiêm, báo cáo kết quả trước ngày 6/12. Trong khi đó, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Tuyên Quang thông tin, sự việc đã xảy ra cách đây khoảng 2 tháng và đã được chính quyền địa phương vào cuộc xử lý nhưng đến nay, đoạn clip lại xuất hiện trên mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.