Phòng hơn chống thông qua hoạt động tuyên truyền
Thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước, mang trong mình trí tuệ, sức khoẻ, và khát vọng cống hiến. Vì thế giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết. Nếu các trường ĐH-CĐ thực hiện tốt hoạt động trên, sẽ dẫn dắt thanh niên đi tới những giá trị tốt đẹp.
Để thực hiện có hiệu quả các chương trình giáo dục, định hướng tư tưởng lối sống cho sinh viên, ngoài các hoạt động mang tính gần gũi như văn hóa nghệ thuật, các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống cách mạng, sân chơi mang tính cộng đồng, các trường ĐH-CĐ đã không ngừng lồng ghép thêm các hoạt động trải nghiệm sinh động thực tế như: về nguồn, chăm sóc gia đình cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng…để sinh viên nhận thức và thấu hiểu hơn các giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Anh Nguyễn Thành Trung- Phó bí thư thường trực Đoàn trường, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: Để công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng lối sống cho sinh viên được hiệu quả, thời gian qua Đoàn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã tiến hành triển khai rất nhiều hoạt động giúp sinh viên có nhiều sân chơi thực tiễn, bám sát những yếu tố về con người, về xã hội.
Các cuộc thi và tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống như: Miss and Mister Áo Dài Việt HIU, “Phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng và Liệt sĩ”, Cuộc thi tìm hiểu về Tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc thi âm nhạc, văn thể mỹ… đều được tổ chức dưới hình thức cho sinh viên tham gia trực tiếp, trải nghiệm.
“Mục tiêu của Đoàn trường, Hội sinh viên Nhà trường là rất rõ ràng: tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn trong các hoạt động cho sinh viên HIU. Ngoài các sân chơi có tính trải nghiệm thực tế để sinh viên tích lũy, học hỏi và đúc kết cho riêng mình các giá trị tốt đẹp, hướng đến sự gần gũi, thân thiện, giảm thiểu nguy cơ bạo lực học đường nảy sinh. Hội sinh viên, Đoàn trường còn luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía sinh viên để cải thiện nhằm nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của sinh viên để các hoạt động được tổ chức phù hợp, phải chất lượng và đặc biệt phải được sự hưởng ứng tốt từ phía sinh viên”- anh Trung chia sẻ.
Chia sẻ về việc tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động thiết thực đến sinh viên để hạn chế nảy sinh bạo lực học đường, ông Nguyễn Thành An- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Với thế mạnh trong công tác đào tạo Luật nên các hoạt động giáo dục, lồng ghép mà Nhà trường hướng đến sinh viên cũng trực quan và thiết thực hơn.
Ngoài sân chơi đậm chất giáo dục và học thuật là “Phiên tòa giả định” với các tình huống án nảy sinh thực tế trong cuộc sống, thì sinh viên Nhà trường còn được Đoàn trường, Hội sinh viên Nhà trường định hướng, xây dựng kỹ năng sống, xử lý tình huống nảy sinh qua từng chuyên đề cụ thể, với sự tham vấn và hướng dẫn trực tiếp của các Trưởng- Phó khoa, giảng viên có nhiều kinh nghiệm…nhằm giúp sinh viên có kỹ năng xử lý các tình huống nảy sinh theo hướng tích cực nhất.
“Quan trọng hơn qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, với nhóm kỹ năng được giảng viên, cán bộ ngành Công an trực tiếp chia sẻ, sinh viên sẽ ý thức và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo theo quy định của pháp luật, để có thể xử lý mọi tình huống một cách bình tĩnh, văn minh nhất, hạn chế tối đa hiện tượng bạo lực học đường. Thực tế, sinh viên Nhà trường rất hiếm khi xảy ra những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.”- ông An chia sẻ.
Giáo dục và xây dựng kỹ năng xử lý vấn đề cho sinh viên
Nhìn nhận công tác giáo dục đạo đức lối sống, phòng chống bạo lực nảy sinh trong cộng đồng sinh viên đối mặt nhiều thách thức. Th.s Đặng Kiên Cường- Trưởng phòng công tác Sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Với một cộng đồng sinh viên lớn, sống xa gia đình thì công tác định hướng, giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống là rất quan trọng. Việc xây dựng ý thức, bản lĩnh cho từng sinh viên trước những cạm bẫy, cám dỗ và cả cách thức, kỹ năng giải tỏa những mâu thuẫn, xích mích thường ngày trong cuộc sống là chuyện mà Đoàn trường, Hội sinh viên phải làm thường xuyên, hàng ngày thông qua các hoạt động lồng ghép linh hoạt.
“Thực tế, nguyên nhân xuất phát tình trạng bạo lực học đường, các tình huống ứng xử của các bạn trẻ nếu có nảy sinh kết quả tốt hay xấu, tiêu cực hay tích cực đều phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng xử lý vấn đề, bản lĩnh đối mặt với vấn đề nảy sinh. Vì vậy, để hạn chế tối đa các tình huống xấu, định hướng và xây dựng cho sinh viên lối sống lành mạnh…
Đoàn trường, Hội sinh viên thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên đề mang tính giáo dục trực tiếp. Đó có thể là chuyên đề xử lý tình huống mâu thuẫn với sự chia sẻ, hướng dẫn của chính cán bộ Công an, làm công tác Đoàn, hay việc “thả” sinh viên tham gia vào các hoạt động có tính định hướng, giáo dục cao như: về nguồn, xây dựng lối sống văn minh, các hoạt động tương trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức…nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.”- Th.s Cường nói.
Đồng quan điểm với việc xây dựng kỹ năng xử lý vấn đề cho sinh viên quan trọng hơn cả việc phòng chống nguy cơ bạo lực nảy sinh, Th.s Phạm Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: Một khi sinh viên được trang bị những kỹ năng ứng xử tốt song song với các hoạt động tuyên truyền tốt thì nguy cơ bạo lực học đường sẽ được kéo giảm xuống mức thấp nhất.
“Các hoạt động tập thể, có tính tương tác cao như văn nghệ, dã ngoại, tham gia hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện… chính là chìa khóa giúp các bạn trẻ thân thiện, kết nối và gần gũi với nhau nhiều hơn. Tính hướng thiện và nhân ái qua từng các hoạt động trải nghiệm thực tế nhờ đó cũng được nuôi dưỡng, lớn dần qua ngày tháng…Và dĩ nhiên, khi các bạn sinh viên có đẩy đủ những kỹ năng ứng xử, giao tiếp và biết kiềm chế cảm xúc của mình thì bạo lực học đường sẽ không thể có đất mà tồn tại.”- Th.s Phạm Thái Sơn chia sẻ