Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em

GD&TĐ - Thời gian qua, ngành giáo dục luôn quan tâm, coi trọng công tác giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em nói riêng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại phiên giải trình
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại phiên giải trình

Hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em

Tại phiên giải trình về "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em" do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức sáng 22/2, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em trong ngành giáo dục, đề xuất những nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đối tượng được giáo dục chiếm trên 3/4 là trẻ em trên tổng số khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên, ngành giáo dục luôn quan tâm, coi trọng công tác giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em nói riêng.

Thực hiện Luật trẻ em và Nghị quyết số 121/2020/QH14, Bộ GD&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành một số văn bản và chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt và văn bản chỉ đạo điều hành về công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tràn vào nước ta, trẻ em, học sinh, sinh viên chịu rất nhiều thiệt thòi. Ngay từ đầu các đợt dịch bệnh, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các giải pháp phù hợp để ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo vệ người học an toàn trước đại dịch. Chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc kẹt tại địa phương, nhà trường được học tập và vượt qua đại dịch.

Các địa phương, nhà trường đã chủ động xây dựng, ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tăng cường bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực trẻ em; triển khai các giải pháp để tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực trẻ em, lồng ghép nội dung bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực trẻ em vào chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường.

Các nhà trường đã xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học; xây dựng và công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường; tổ chức thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Đẩy mạnh hoạt động của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh, đặc biệt là các em gặp các vấn đề về tâm lý, về an sinh khi đang bị nhiễm dịch bệnh Covid -19, các em chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập do dịch bệnh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần hỗ trợ, giúp đỡ.

Phối hợp với gia đình học sinh trong việc hướng dẫn học sinh và kết nối, sử dụng, khai thác kho dữ liệu, học liệu số, nền tảng số của Bộ GD&ĐT và các đơn vị cung cấp nhằm phục vụ cho quá trình học tập của học sinh. Hướng dẫn phụ huynh thường xuyên quan tâm, tạo các không gian thoáng, yên tĩnh, sử dụng phần mềm học tập trực tuyến… để giúp việc học tập hiệu quả và bảo đảm an toàn cho học sinh.

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo lực trẻ em

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp trong quá trình học trực tuyến tại gia đình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn đến Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo trong công tác phòng chống bạo lực trẻ em tại gia đình.

Tại các địa phương, nhà trường đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân.

Các nhà trường tăng cường giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;

Tăng cường kết nối, trao đổi giữa các giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học, cán bộ Đoàn, Giáo viên - Tổng phụ trách Đội... để chia sẻ, hỗ trợ liên thông giữa nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh, đặc biệt trong quá trình học sinh học trực tuyến.

Cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có phương tiện tối thiểu đáp ứng việc học tập; đồng thời kiểm tra, rà soát những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phối hợp với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ.

Công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống bạo lực trẻ em đã được Bộ GD&ĐT quan tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý: Tổ chức số hóa công tác phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực tình dục ở người học thông qua xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý người học ở các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để cung cấp số liệu, báo cáo vụ việc theo thời gian thực đến các cấp lãnh đạo, quản lý.

Để công tác phòng chống bạo lực trẻ em đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em. Đồng thời, có giải pháp để phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em ở địa phương mình. Cùng với đó là các giải pháp để phát huy vai trò của các Bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.