Nếu ở chương trình học kỳ 1 của khối 12, sách Ngữ văn chủ yếu tập trung vào mảng thơ Việt Nam hiện đại thì bước sang học kỳ 2 các em đã được làm quen với nhiều tác phẩm văn xuôi mà chủ yếu là truyện ngắn và tiểu thuyết. Mục tiêu bài học ở những tác phẩm này ngoài yêu cầu cảm nhận được giá trị nội dung, số phận nhân vật, các tiết học còn giúp các “nhà phê bình văn học” trong trường phổ thông có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn những giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Nắm vững cốt truyện trong văn bản
Tuy nhiên có một nguyên tắc “bất thành văn” mà người dạy không yêu cầu nhưng người học cũng phải thực hiện, đó là thao tác tóm tắt tác phẩm. Có thể nói tóm tắt tác phẩm giống như một bảng thực đơn đưa trước để giới thiệu với thực khách trước khi tham gia một bữa tiệc văn chương nào đó trong lớp học. Thấy được tầm quan trọng này, cô Lê Thị Thùy Trang - GV Trung tâm GDTX Cần Giờ, TPHCM đã dành trọn mục b trong phần Tìm hiểu chung để tóm tắt câu chuyện đến với cách mạng của người dân miền núi Tây Bắc "từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui" khi dạy truyện ngắn Vợ chồng A Phủ tại lớp 12AB. Khác với các tác phẩm văn học nước ngoài trong chương trình lớp 11 hoặc ở thể loại kịch nói, đa phần các tác phẩm văn học trong nước không được SGK giới thiệu tóm tắt tác phẩm. Điều này vừa có cái dở lại có cái hay.
Cái dở là người học thiếu “thực đơn” sẵn có trong tay trước khi thưởng thức “bàn tiệc”. Nhưng cái hay là giúp cho HS tự tìm tòi và phải đọc được trọn văn bản để giúp công việc phân tích tác phẩm thuận lợi hơn. Trong tiết học hôm đó, sau khi kiểm tra phần chuẩn bị của HS tại nhà, cô Thùy Trang yêu cầu một HS đứng lên trình bày tóm tắt tác phẩm và tiếp tục cho các em khác bổ sung. Vì thế dù chưa bước sang phần Đọc - hiểu văn bản nhưng ngay ở “điểm xuất phát” này các em đã được làm quen với từng tên nhân vật, đặc biệt là các biến cố cuộc đời và tình huống câu chuyện xảy ra trong tác phẩm trước khi đi vào mổ xẻ nội dung.
Theo kinh nghiệm của nhiều GV, việc tóm tắt tác phẩm phải tùy thuộc vào từng thể loại. Ở các truyện ngắn trong khối 12 như Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa, Rừng xà nu…, tóm tắt tác phẩm thường đi theo các mốc biến cố của nhân vật nên gắn với dạng kể và trần thuật nhiều hơn. Trong lúc đó ở thể loại văn chính luận như Tuyên ngôn độc lập, Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1-12-2003 do không có cốt truyện thì nên chia theo 3 phần (Mở đầu, Thân bài, Kết thúc).Có như vậy HS mới thâu tóm được những ý chính trong sườn bài. Cũng không nên loại trừ là có nhiều HS đọc kỹ tác phẩm nhớ từng chi tiết, sự kiện nhưng cách tốt nhất là vẫn cho các em nắm những phần chính trong tóm tắt nội dung. Đây cũng là cách để làm cho HS giảm tải kiến thức đồng thời hạn chế sự nhồi nhét và bội thực trong các bài học cụ thể.
Không nhầm lẫn giữa các thao tác
Trong thực tế mỗi HS có một cách tóm tắt khác nhau. Vậy có cần một sự thống nhất chung trong yêu cầu tóm tắt nội dung tác phẩm hay không? Mặc dù nội dung tác phẩm chỉ là một, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có một cách tóm tắt duy nhất bởi vì còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận tác phẩm của từng cá thể. Sự khác nhau thường thể hiện ở cách chọn sự kiện, cách diễn đạt và cách sắp xếp ý của từng HS một. Câu trả lời là rõ ràng không có sự ép buộc theo khuôn mẫu. Chính vì thế trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, đáp án ở câu này cũng chỉ yêu cầu nêu được những sự kiện chính là đạt yêu cầu tối đa. Tuy nhiên những năm gần đây “chủng loại” câu hỏi này đang dẫn được thay thế bằng những câu hỏi mang tính chất suy luận và cảm thụ văn chương nhiều hơn.
Theo đánh giá chung, tóm tắt tác phẩm không chỉ giúp người học có được kiến thức cơ bản và tổng hợp mà còn làm giàu thêm bộ sưu tập những tác phẩm văn học kinh điển của nước nhà và thế giới. Có nhiều lý do bài làm của HS bị điểm kém khi phân tích tác phẩm văn học như năng lực diễn đạt yếu, khả năng cảm thụ văn chương thiếu thuần thục, còn có nguyên nhân HS chưa tóm tắt được nội dung câu chuyện mà văn bản đề cập tới. Có thể ví thao tác này giống như cách tìm đường ở trong bản đồ, nếu thiếu định hướng trước khi xuất phát thì làm sao về đích trọn vẹn.
Tuy nhiên, cũng giống như con dao hai lưỡi, nếu không biết sử dụng đúng cách thì khi làm một bài nghị luận văn học một số em có thể lạc hướng. Thay vì phân tích giá trị nội dung hay phân tích tính cách số phận nhân vật, các em lại sa vào kể lại tác phẩm hay tóm tắt nội dung. Đây là lỗi thường gặp của những em yếu về kỹ năng làm bài và lạm dụng kiến thức mà mình nắm vững. Vì thế dù bài viết dài, nội dung không sai nhưng vẫn bị điểm yếu do không thực hiện đúng yêu cầu.
“Cách tốt nhất là khi trả bài viết, GV bộ môn nên chỉ ra cụ thể những lỗi sai trầm trọng này để lần sau các em không còn tái phạm “vết xe đổ” mà mình đã mắc phải trước đó” - cô Thùy Trang trao đổi.