Vậy làm thế nào để giúp học sinh nâng cao năng lực làm bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học? Để trả lời câu hỏi này, theo tôi, giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Nhận diện các dạng nghị luận hai ý kiến bàn về văn học
Qua tìm hiểu, khảo sát các đề thi ĐH, CĐ mấy năm trở lại đây, tôi thấy có các kiểu dạng nghị luận hai ý kiến bàn về văn học cơ bản sau: 2 ý kiến về một chi tiết nghệ thuật; 2 ý kiến về một nhân vật; 2 ý kiến về một đoạn trích; 2 ý kiến về một tác phẩm.
Như vậy, dấu hiệu để nhận ra các kiểu dạng đề trên thể hiện ngay ở đề bài. Đây là khâu định hướng quan trọng đối với học sinh. Bởi ngoài đặc điểm chung của bài văn nghị luận hai ý kiến bàn về văn học, mỗi kiểu dạng đề bài cụ thể lại có những yêu cầu riêng, đòi hỏi học sinh phải biết huy động vốn hiểu biết và các đơn vị kiến thức khác nhau để giải quyết các vấn đề cụ thể theo yêu cầu của ở đề bài.
Nắm chắc đặc điểm chung mỗi dạng đề
Nghị luận hai ý kiến bàn về văn học là kiểu bài nghị luận đòi hỏi học sinh phải sử dụng tổng hợp các thao thác nghị luận một cách linh hoạt, bao gồm các thao tác: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ.
Không những thế, học sinh cần thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình, đồng tình hay bác bỏ, hoặc chỉ nhất trí về một phương diện, khía cạnh nào đó trong các ý kiến và đề xuất, bổ sung cho phù hợp. Đây quả là một yêu cầu rất cao đối với học sinh. Các em phải huy động vốn sống, vốn hiểu biết của bản thân và thể hiện rõ phẩm chất, năng lực người học. Để đáp ứng yêu cầu ấy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nắm chắc khung dàn ý chung của kiểu bài này bao gồm các ý cơ bản sau:
+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm (đoạn trích, nhân vật, chi tiết) cần nghị luận; trích dẫn hai ý kiến.
+ Giải thích (nếu cần), phân tích, chứng minh, bình luận ý kiến 1.
+ Giải thích (nếu cần), phân tích, chứng minh, bình luận ý kiến 2.
+ Phân tích, đánh giá về mối quan hệ giữa hai kiến.
+ Đánh giá khái quát giá trị hai ý kiến với nhận thức, suy nghĩ của bản thân về vị trí vai trò của chi tiết, nhân vật, đoạn trích trong tác phẩm, cũng như vị trí vai trò của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.
Cùng với việc phân tích đề, nhận diện ra các kiểu dạng nghị luận hai ý kiến về văn học và xác định rõ thao tác nghị luận chính được sử dụng, các ý chính, cơ bản cần trình bày, phạm vi tư liệu cần sử dụng, việc nắm chắc khung dàn ý chung của kiểu bài này là khâu hết sức quan trọng, giúp học sinh biết cách làm bài và chủ động, tự tin trong quá trình triển khai ý và hoàn thiện bài làm.
Yêu cầu riêng của mỗi kiểu dạng đề
Đối với kiểu dạng hai ý kiến về một chi tiết nghệ thuật, học sinh cần hiểu rõ: Chi tiết nghệ thuật là gì? Vị trí, vai trò của chi tiết với việc làm nổi bật đặc điểm, tính cách nhân vật, chủ đề tư tưởng tác phẩm, phong cách nghệ thuật của nhà văn…; nắm chắc xuất xứ của chi tiết (nằm ở vị trí nào trong tác phẩm, gắn với nhân vật hay sự kiện nổi bật nào?); biết cảm nhận, phân tích giá trị của chi tiết với nhân vật, sự kiện, nội dung, tư tưởng tác phẩm, phong cách nghệ thuật tác giả; biết cách cắt nghĩa, lý giải hai ý kiến khác nhau về chi tiết; đánh giá được giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về chi tiết nghệ thuật…
Đối với kiểu dạng hai ý kiến về một nhân vật, giáo viên cần hướng dẫn học sinh hiểu rõ: Nhân vật trong tác phẩm văn học là gì? Vị trí, vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm, phong cách nghệ thuật của nhà văn…; phân biệt rõ nhân vật được bàn tới trong tác phẩm là nhân vật nào? Đấy là nhân vật chính, hay nhân vật phụ, nhân vật trung tâm? Hoặc đấy là nhân vật tính cách hay nhân vật hành động, nhân vật tư tưởng? Nhân vật được xây dựng bằng bút pháp điển hình hóa, hay lý tưởng hóa?...; biết cảm nhận, phân tích giá trị của nhân vật trong việc phản ánh nội dung, tư tưởng tác phẩm, thể hiện phong cách nghệ thuật tác giả; đánh giá giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về nhân vật…
Đối với kiểu dạng hai ý kiến về một đoạn trích, học sinh cần: Nắm chắc xuất xứ của đoạn trích (nằm ở vị trí nào trong tác phẩm, thể hiện phương diện nào trong chủ đề tư tưởng và phong cách nghệ thuật tác giả?); hiểu rõ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của đoạn trích, thông qua ngôn ngữ, hình tượng, các biện pháp tu từ được sử dụng (các chi tiết, sự kiện tiêu biểu)...; biết cách cắt nghĩa, lý giải hai ý kiến khác nhau về đoạn trích; đánh giá giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về đoạn trích.
Đối với kiểu dạng hai ý kiến về một tác phẩm, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; những nét chính trong phong cách nghệ thuật của tác giả; hiểu rõ và cảm nhận, phân tích được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm thông qua thế giới ngôn ngữ, hình tượng được tác giả sử dụng; biết cách cắt nghĩa, lý giải hai ý kiến khác nhau về tác phẩm; đánh giá giá trị của hai ý kiến với việc nâng cao nhận thức của bản thân về tác phẩm và khẳng định vị trí, vai trò của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của tác giả, cũng như trong nền văn học dân tộc.
Sử dụng hệ thống câu hỏi
Để giúp học sinh hình thành kỹ năng viết bài nghị luận theo bố cục ba phần, giáo viên cần hướng dẫn các em xây dựng hệ thống câu hỏi triển khai các ý chính cơ bản theo bố cục ấy cho phù hợp. Cụ thể là:
Mở bài: Để giúp học sinh chủ động, sáng tạo trong việc giới thiệu về chi tiết, (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm) cần nghị luận; trích dẫn 2 ý kiến, giáo viên nên định hướng cho các em tự đặt ra và trả lời các câu hỏi sau:
+ Chi tiết nghệ thuật (nhân vật, đoạn trích) cần nghị luận thuộc tác phẩm nào? Tác phẩm ấy do ai sáng tác?
+ Chi tiết (nhân vật, đoạn trích) ấy nằm ở phần nào trong tác phẩm?
+ Những ý kiến khác nhau về chi tiết (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm)?
Thân bài :
* Giải thích (nếu cần), phân tích, chứng minh, bình luận ý kiến, học sinh cần trả lời các câu hỏi:
+ Ý kiến này nhận xét, đánh giá về giá trị nào của chi tiết (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm?). Nó thuộc về chủ đề tư tưởng tác phẩm, hay giá trị nghệ thuât, phong cách tác giả? - thao tác giải thích.
+ Ý kiến ấy đúng hay sai? Hoặc chỉ đúng một phần?- thao tác bình luận.
+ Ý kiến ấy bao gồm những khía cạnh nào? (hay chỉ có một khía cạnh)- thao tác phân tích.
+ Khía cạnh (những khía cạnh) ấy được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh, biện pháp tu từ nào? - thao tác phân tích, chứng minh.
* Phân tích, đánh giá về mối quan hệ giữa hai 2 kiến, học sinh cần trả lời các câu hỏi sau:
+ Hai ý kiến này giống nhau hay khác nhau? (thường khác nhau).
+ Chúng đối lập nhau hay bổ sung cho nhau? (thường bổ sung).
+ Nếu bổ sung cho nhau thì chúng giúp người đọc có cái nhìn toàn diện về chi tiết (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm) ở phương diện nào? (đặc điểm, tâm lý, tính cách, hay nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả ; giá trị nội dung, hay giá trị nghệ thuật tác phẩm; hoặc cả hai…).
+ Nếu chúng đối lập nhau thì ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai, hay cả hai ý kiến đều đúng? Bản thân đồng tình với ý kiến nào? (hay cả hai). Có cần bổ sung, đề xuất gì thêm không?.
Kết bài: Để đánh giá khái quát về giá trị hai ý kiến với nhận thức, suy nghĩ của bản thân về chi tiết (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm) với sự nghiệp sáng tác của nhà văn, học sinh cần trả lời các câu hỏi sau:
+ Những ý kiến này giúp ta hiểu về chi tiết (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm) như thế nào? (sâu sắc toàn diện về một phương diện nào đó).
+ Chi tiết (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm) góp phần làm nổi bật phương diện nào của tác phẩm? (Nội dung, tư tưởng nào? Nét đặc sắc nghệ thuật nào?).
+ Chi tiết (nhân vật, đoạn trích, tác phẩm) có góp phần làm nên sức sống của tác phẩm hay phong cách nghệ thuật của nhà văn không? Sức sống ấy như thế nào? Phong cách nghệ thuật ấy ra sao?
Nắm chắc kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm
Để giúp các em nắm chắc kiến thức trọng tâm, cơ bản về tác giả, tác phẩm văn học, tạo cơ sở, nền tảng làm tốt các kiểu bài nghị luận văn học, nhất là dạng đề nghị luận về hai ý kiến giáo viên cần lưu ý học sinh:
Nhớ được những chi tiết quan trọng trong cuộc đời mỗi tác giả, như: Năm sinh, năm mất, đặc điểm, không khí thời đại ảnh hưởng tới thế giới quan, nhân sinh quan và nhất là cảm hứng sáng tác của nhà thơ, nhà văn; tên khai sinh, bút danh (nếu có); ảnh hưởng của quê hương, gia đình và những chi tiết, sự kiện quan trọng trong cuộc đời tới sự nghiệp sáng tác của tác giả; những tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ nhất đặc điểm phong cách của nhà văn, nhà thơ…
Hiểu rõ hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo của tác giả. Đối với văn bản thơ phải học thuộc tác phẩm, hiểu được cảm hứng chủ đạo, phát hiện ra các từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ tiêu biểu, đặc sắc… Đối với các tác phẩm văn xuôi phải tóm tắt được cốt truyện, nắm được những chi tiết cơ bản, đặc điểm nổi bật của các nhân vật chính, nhận diện được ngôi kể, giọng kể...
Nắm chắc được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm (tìm hiểu phần nội dung cần đạt; hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, nhất là phần phần ghi nhớ trong SGK); biết phân tích, cảm thụ một số chi tiết (câu, đoạn) đặc sắc; biết liên hệ, so sánh với các hình tượng văn học cùng loại, các tác phẩm có chung đề tài, chủ đề để vừa tích lũy làm giàu vốn kiến thức văn học cho bản thân, vừa hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm, cũng như đóng góp của tác giả với nền văn học dân tộc.
Rèn kỹ năng viết bài
Kiểu bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học có nét đăc thù riêng, đòi hỏi học sinh vừa phải thể hiện được năng lực cảm thụ văn học, vừa phải thể hiện được chính kiến, quan điểm của bản thân về vấn đề nghị luận.
Muốn nâng cao năng lực làm một bài nghị luận hai ý kiến về văn học, cùng với vốn kiến thức phong phú, năng lực cảm thụ tinh tế, sâu sắc, người viết cần có kĩ năng kết hợp đồng thời, linh hoạt nhiều phép lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, trình bày một cách thuyết phục, hấp dẫn ý kiến, nhận định của mình.
Lời văn của một bài nghị luận cần chuẩn xác, trong sáng, thể hiện rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết. Khi viết một bài văn nghị luận hai ý kiến về văn học điều quan trọng không chỉ ở chỗ viết cái gì mà chủ yếu là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Học sinh cần cân nhắc cách dùng từ, cách viết câu, viết đoạn, viết bài.
Ngôn từ phải làm sao diễn tả sát, trúng bản chất của đối tượng, điều mình muốn nói. Câu văn có hình, có khối, giàu nhịp điệu, bày tỏ rõ quan điểm của người viết. Giọng văn phải phù hợp với nội dung, không nên hài hước khi cần trữ tình cảm thương và ngược lại.
Bài viết phải có bố cục rõ ràng. Mỗi luận điểm phải được trình bày trong một đoạn văn. Đoạn văn có thể được viết theo hình thức diễn dịch, quy nạp, hoặc tổng - phân - hợp, nhưng nên chọn hình thức tổng - phân - hợp để diễn đạt cho chặt chẽ.
Các đoạn văn trong bài cần có sự liên kết mật thiết với nhau. Tất cả các đoạn văn trong bài văn bắt buộc phải hướng vào luận đề, làm rõ luận đề (liên kết nội dung). Ngoài liên kết nội dung các em cần chú ý tới cả liên kết hình để bài văn mạch lạc, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu…