Nhìn nhận từ thực tế, hoạt động dạy kỹ năng sống trong các nhà trường phổ thông hiện nay còn có nhiều thiếu hụt cả về nội dung, phương pháp.
Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện tại, kỹ năng sống không phải là môn học bắt buộc, chưa có một chương trình giáo dục kỹ năng sống một cách tổng thể, cũng không có một bộ sách giáo khoa về kỹ năng sống thống nhất trong các nhà trường phổ thông.
Các tiết học kỹ năng sống được các trường triển khai qua vận dụng tích hợp vào một số môn học, hoặc đưa vào chương trình ngoài chính khóa.
Vì thế, có thể nhận thấy có sự khác nhau trong nội dung dạy kỹ năng sống giữa trường này với trường khác, giữa các trường trong khối trường công, hoặc trường tư.
TS Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết: Các nhà trường sẽ lựa chọn những chương trình khác nhau.
Chưa kể khi tổ chức dạy kỹ năng sống cùng một nội dung, cùng một chương trình nhưng hai người giảng thì sẽ khác nhau bởi do điều kiện, địa điểm khác nhau. Nên việc hai trường giảng giống nhau là rất khó xảy ra.
Tuy nhiên trong hoạt động dạy kỹ năng sống, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy định khung về kỹ năng sống cho học sinh. Thí dụ như đối với các cháu ở mẫu giáo tập trung vào kỹ năng:
Tự phục vụ, phòng tránh nguy hiểm, lắng nghe, lễ phép, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ chăm sóc con vật và cây cối…đó là những kỹ năng cơ bản.
Còn dạy những kỹ năng như thế nào thì các nhà trường lựa chọn trong các chương trình đã được phê duyệt, thẩm định của cơ quan chức năng.
TS Phùng Khắc Bình cho biết: “Quyền chọn chương trình nào là do hiệu trưởng nhà trường quyết định và không phải cứ chọn chương trình nào là mãi mãi dạy chương trình đó, mà sau này phải cập nhật, thay đổi, tìm kiếm những chương trình phù hợp hơn.
Còn hiện nay, nguyên nhân có những trường chú trọng, có những trường chưa chú trọng thì đây mới chỉ là khuyến cáo để đưa kỹ năng sống vào trong nhà trường thôi còn các nhà trường không bị bắt buộc”.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ không có môn nào với tên gọi chính thức là Kỹ năng sống được đưa vào như môn chính khóa.
Tuy nhiên ở chương trình mới, các nội dung giáo dục kỹ năng sống đã được chú trọng rất nhiều. Nhiều môn học trong chương trình tổng thể được nhận xét là hiệu quả trong giáo dục kỹ năng sống.
Theo phân tích của TS Phùng Khắc Bình: Hoạt động dạy kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thể hiện ở hai góc độ:
Thứ nhất là thông qua các môn học để rèn luyện cho học sinh không những có nhận thức mà có cả phần thực hành để liên hệ thực tiễn, rèn luyện kỹ năng.
“Đây là tư tưởng chung của đổi mới giáo dục, tức là tất cả các môn học đều phải gắn giữa môn học và hành, giữa lý thuyết và thực hành kỹ năng xã hội” – TS cho biết.
Ngoài ra, còn có môn trực diện về kỹ năng sống. “Tôi cho rằng môn trực diện quan trọng nhất trong chương trình đổi mới hiện nay là Hoạt động trải nghiệm, có 105 tiết/lớp từ lớp 1 đến lớp 12 phần tỷ lệ về kỹ năng sống rất lớn.
Đây thực chất là đưa học sinh vào hoạt động cụ thể, qua đó giáo dục kỹ năng cần thiết theo từng lớp học, cấp học và sau này phù hợp với thực tiễn với địa phương nữa. Bởi trải nghiệm ở địa phương thì sau này học sinh sẽ có những phần mà họ nhớ lâu và vận dụng vào thực tiễn được”.
Môn học thứ hai là Giáo dục lối sống và Giáo dục công dân, theo cấp học, lên THPT thì là môn Công nghệ và hướng nghiệp.
Ngoài ra còn một số môn khác nữa tích hợp được nhiều nội dung dạy cho học sinh kỹ năng sống, như Giáo dục thể chất, Giáo dục nghệ thuật, hoặc lên lớp 10-12 là môn Mỹ thuật.
Đến lớp 12 thì kỹ năng sống ở đây không chỉ dừng ở sinh hoạt hằng ngày mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với tổ quốc. Nên những vấn đề kỹ năng sống của các em sẽ được cập nhật qua giáo dục về quốc phòng, an ninh.
Các em cần có kiến thức kinh tế và tuân thủ pháp luật, không chỉ là học thuộc kiến mà phải thực hành, các em biết tính toán, chi tiêu tài chính trong khuôn khổ của mình, trong pháp luật thì các em biết hướng dẫn người đồng hành với mình hoặc sau này với các em nhỏ để thực hiện sống và làm việc theo pháp luật.
Thực hành hai vấn đề này cũng là kỹ năng sống. Bên cạnh đó còn môn Thiết kế và Công nghệ, Thực hành Tin học ứng dụng ở lớp 11 và 12...
Trong khi chờ áp dụng chương trình phổ thông mới, hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, nội dung, phương pháp giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, cụ thể như đã có tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên về tích hợp các kỹ năng sống cơ bản vào trong một số môn học.
Theo TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, trong quá trình dạy kỹ năng sống ở nhà trường, một vấn đề lớn nhất đó là phương pháp.
Nội dung có thể giống hoặc khác nhau, tùy vào các khái niệm kỹ năng sống mà mỗi trường theo đuổi. “Khi chúng ta đưa việc dạy kỹ năng sống vào nhà trường, các giáo viên dạy cho trẻ phải có phương pháp, không phải là việc đưa cho học sinh một bộ quy tắc dặn khi xảy ra thì làm thế này hoặc để phục vụ bản thân, nấu ăn phải làm thế này… mà phải biến thành những bài tập, những trò chơi, những tình huống được người giáo viên đưa vào các bài học trên lớp hoặc trong thực tế.
Từ đó trẻ rút ra những giá trị trong đó, vì sao mình phải thực hiện kỹ năng đó, vì sao mình phải quý trọng bản thân…” – TS Nguyễn Thụy Anh nói.
Bên cạnh nội dung, phương pháp, hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sự đồng thuận của phụ huynh…
Hiện cơ sở vật chất của nhiều trường còn thiếu, không chỉ phòng học, bàn ghế mà đặc biệt là tư liệu, học liệu, băng hình… có liên quan đến nội dung kỹ năng sống. Đặc biệt thiếu là địa bàn tổ chức ngoài trời cho môt số hoạt động giáo dục kỹ năng sống đòi hỏi có không gian, mô hình để thiết kế các tình huống thực hành cụ thể.
TS Phùng Khắc Bình cho biết: “Thực tiễn giáo dục kỹ năng sống phải đưa ra xã hội, nhưng nhà trường không thể kéo tất cả các em học sinh ra xã hội được mà phải mô hình hóa, mô phỏng, hoặc thông qua các bài học hướng dẫn thu nhỏ, tập cho các em bước đầu làm quen các kỹ năng sống và các em sẽ thực hành kỹ năng sống”.
Vấn đề tiếp đến cần quan tâm là yêu cầu về kỹ năng giảng dạy kỹ năng sống của đội ngũ giáo viên. Bản thân một số giáo viên dạy môn này còn thiếu kỹ năng sống, biểu hiện là chưa đã gương mẫu trong một số tình huống nhất định trong cuộc sống.