Cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội

GD&TĐ - Xoay quanh câu chuyện dư luận đang quan tâm về ý kiến nên bỏ hay giữ lại Ban đại diện cha mẹ học sinh; nhiều lãnh đạo trường học vùng khó cho rằng nên giữ lại. 

Học sinh lớp 10A2, Trường THPT TP Sóc Trăng trong giờ học.
Học sinh lớp 10A2, Trường THPT TP Sóc Trăng trong giờ học.

Vì Ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ nhà trường quan tâm sâu sát đến các em… Ban đại diện cha mẹ học sinh còn là cầu nối giữa nhà trường với mạnh thường quân và nguồn xã hội hóa giáo dục.

Cô Lê Thị Hồng Ba - Phó Hiệu trưởng Trường THPT TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Ban đại diện cha mẹ học sinh là một tổ chức liên quan đến nhà trường, những năm vừa qua đã hỗ trợ nhà trường nâng cao điều kiện học tập của con em. Đặc biệt, trong công tác xã hội hóa giáo dục, Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện trên tinh thần tự nguyện đóng góp đến 60% cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học của học sinh và giáo viên… Nhờ sự hoạt động có hiệu quả của Ban đại diện cha mẹ học sinh nên nhà trường đã nhận được sự quan tâm ủng, hộ rất lớn từ xã hội”.

Trước thông tin một số trường học bị phản ánh tình trạng lạm thu liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh, cô Lê Thị Hồng Ba cho rằng: Các khoản thu phải hướng đến sự cần thiết, đúng theo quy định và tùy thuộc vào điều kiện gia đình học sinh. Tuy nhiên, trường học vùng khó cần được hỗ trợ nhiều hơn về điều kiện vật chất để cải thiện kết quả học tập của học sinh. Ngoài những khoản kinh phí từ ngành, mạnh thường quân thì Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng là tổ chức đứng ra vận động đóng góp hỗ trợ. Họ là cầu nối giữa nhà trường và các mạnh thường quân và nguồn xã hội hóa giáo dục.

Cô Lê Thị Hồng Ba cũng nêu quan điểm để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động tốt trong môi trường giáo dục:

Thứ nhất: Giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh phải tuân thủ những quy định về hoạt động của Ban đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Bên cạnh đó cần có những quy chế phù hợp trong hoạt động; cân nhắc và thay đổi sao cho thật sự phù hợp với điều kiện thực tế vào nhu cầu hoạt động học tập của học sinh. Tuyệt đối không thu khoản tiền ngoài quy định, tất cả phải minh bạch, khách quan và đóng góp của phụ huynh sẽ dành lại đầu tư cho các em học sinh. Nhà trường không nhận bất kỳ sự hỗ trợ riêng từ nguồn thu chung đó.

Thứ hai: Cơ cấu những phụ huynh đứng vào Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng phải là những người có lòng nhiệt thành quan tâm đến giáo dục. Những người đứng đầu Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng phải phối hợp tốt với giáo viên để nắm rõ hoàn cảnh học sinh và phụ huynh để có hướng hỗ trợ, động viên tốt hơn.

Thứ ba: Ban đại diện cha mẹ học sinh phải hướng tới lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Kết hợp cùng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kịp thời khen thưởng học sinh; tập trung bồi dưỡng vào phát triển kỹ năng sống, phát huy năng khiếu, quan tâm, theo dõi tình hình học tập của con em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.