Kỹ năng làm chủ nhiệm lớp

GD&TĐ - Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô Đỗ Thị Huyền – Trường tiểu học Sao Đỏ 2 (Chí Linh, Hải Dương) - chia sẻ: làm chủ nhiệm lớp cũng cần có kỹ năng và phương pháp linh hoạt.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cần có những kỹ năng và phương pháp phù hợp. Ảnh minh họa/internet
Giáo viên chủ nhiệm cũng cần có những kỹ năng và phương pháp phù hợp. Ảnh minh họa/internet

Xây dựng kỹ năng hành động cho học sinh

Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay, công tác chủ nhiệm lớp phải thực sự được coi trọng, cần trang bị tới từng giáo viên nội dung, phương pháp và kỹ năng thực hiện công tác chủ nhiệm lớp.

Theo kinh nghiệm của cô Huyền, ngay từ khi nhận lớp, giáo viên cần nắm bắt kịp thời sĩ số, hoàn cảnh, điều kiện của từng học sinh qua phương pháp điều tra. Tiếp đó là lập kế hoạch điều hành tập thể lớp về mọi mặt.

Giáo viên cũng cần quan sát và lựa chọn những thành viên gương mẫu, tích cực, thân thiện vào ban cán sự lớp, xây dựng đội ngũ cán bộ lớp hoạt động hiệu quả, xây dựng nề nếp tự quản lớp học một cách năng động và sáng tạo cho các em.

“Ngoài ra giáo viên cần biết tạo mối quan hệ thầy trò thân thiện, sẵn sàng cho học sinh có thể bày tỏ ý kiến khi muốn. Phân chia các nhóm, tổ học tập trên lớp và ở nhà. Xây dựng phong trào thi đua và kỹ năng hành động của từng cá nhân học sinh cho đến tập thể lớp học.

Đồng thời cần biết phát huy vai trò xã hội hóa của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể đóng góp cho lớp, cho nhà trường trong giáo dục học sinh” – cô Huyền trao đổi.

Cần không ngừng hoàn thiện bản thân

Cũng theo cô Huyền, bản thân giáo viên chủ nhiệm cũng phải là người có kiến thức và năng lực chuyên môn. Cô Huyền phân tích: thực tế cho thấy những giáo viên giảng dạy chắc chắn, có kiến thức chuyên sâu, có khả năng thu hút học trò trong giảng dạy sẽ là ấn tượng đầu tiên trong mắt học trò.

“Ở tiểu học, tuy học sinh còn nhỏ tuổi nhưng các em đã biết nhận xét đâu ra đấy, cô nào dạy hay, cô nào dạy dở nói gì đến học sinh THCS hay THPT. Vì vậy, giáo viên cần tích cực học tập kiến thức về tin học, ngoại ngữ theo chuẩn nghề nghiệp ngày một cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục, đổi mới không ngừng” – cô Huyền chia sẻ.

Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm phải có phẩm chất đạo đức tốt, sống lành mạnh, gương mẫu. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm cần có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vị trí, yêu cầu đối với chính bản thân mình và công việc.

Không chỉ trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy, những vốn sống sâu sắc về con người, cuộc đời, mà người giáo viên chủ nhiệm cần phải rèn luyện chính mình để đạt những phẩm chất đạo đức có tính chuẩn mực, trên cơ sở đó mới có hể nhắc nhở, uốn nắn học sinh.

Từ hành vi ngôn ngữ, cách ứng xử, cách suy nghĩ, cách đánh giá sự việc trong cuộc sống, những thói quen trong sinh hoạt, tất cả luôn cần người giáo viên chủ nhiệm tự xem xét và không ngừng hoàn thiện mình trong mắt học trò.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của cô Huyền, giáo viên chủ nhiệm cần nắm vững đặc điểm tâm lý lửa tuổi học sinh lớp mình và đặc biệt là suy nghĩ, tình cảm của từng học sinh trong lớp.

Điều này không chỉ đòi hỏi sự tinh tế của người giáo viên mà rất cần cái tâm của mỗi người thầy, là người hiểu được tâm lý phụ huynh và có cách xử lý mối quan hệ gia đình, nhà trường xã hội một cách có hiệu quả và sáng tạo.

Cô Huyền cũng cho hay, giáo viên chủ nhiệm phải là người biết hoạch định và thực hiện kế hoạch chủ nhiệm của lớp mình. Việc hoạch định kế hoạch chủ nhiệm của mỗi giáo viên chủ nhiệm thể hiện sự nắm bắt và giáo dục phù hợp đối tượng học sinh của lớp mình.

“Việc nắm bắt thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, nhận thức của học sinh càng sâu bao nhiêu, thì kế hoạch thực hiện càng sát bấy nhiêu. Biết lập và thực hiện kế hoạch chủ nhiệm còn thể hiện kinh nghiệm của giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm lớp cần phải biết tổng kết, đánh giá, nghiên cứu khoa học, đúc rút kinh nghiệm và đề xuất những nội dung, biện pháp về công tác chủ nhiệm lớp với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục” – cô Huyền bộc bạch.

Giáo viên chủ nhiệm lớp cần nắm bắt các thông tin về hoàn cảnh, điều kiện, sức khỏe, năng lực, hành vi của từng học sinh, nắm bắt về trình độ nhận thức của học sinh trong lớp. Từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động của lớp theo kỳ, theo tháng, theo tuần đáp ứng yêu cầu của nhà trường và yêu cầu giáo dục học sinh như xây dựng chỉ tiêu thi đua của cá nhân, tập thể trong lớp, nắm bắt các điều kiện của nhà trường và bản thân giáo viên cho công tác chủ nhiệm lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ