Trong nhà trường, kỷ luật góp phần quan trọng vào việc giáo dục HS, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Tuy nhiên, hệ thống kỷ luật nhà trường của các nước khác nhau có những đặc điểm khác nhau.
Bị phạt vì làm dập mũi bạn
Ở Anh, trường phổ thông Michaela được coi là trường nghiêm khắc nhất. Trong lớp học, lúc nào cũng im phăng phắc. Chỉ có tiếng GV giảng bài hoặc học sinh trả lời. Giờ ra chơi, HS không được đùa nghịch và chạy nhảy.
Hơn nữa, các em chỉ có thể đi lại trên hành lang theo một đường vạch sẵn màu vàng. Nhà vệ sinh không có gương. Biện pháp này nhằm loại trừ việc sử dụng mỹ phẩm. Tất nhiên, HS phải mặc đồng phục thống nhất. Còn đồ trang sức, HS không được mang theo đến trường.
Ở trường phổ thông Michaela, tất cả đều phục vụ việc học tập. Kiến thức là trên hết! Những cái khác không quan trọng. Hiệu trưởng Catherine Berbalsin tự hào nói: “Không một trường phổ thông nào ở Anh đạt thành tích như chúng tôi! Mỗi năm các trường phổ thông khác chỉ đánh giá kết quả học tập 2 lần, còn chúng tôi thực hiện 4 lần”.
Kỷ luật học tập nghiêm khắc được kết hợp hết sức hài hòa với thái độ nhân văn của HS đối với nhau và của GV đối với HS. Tất nhiên, ở trường Michaela, HS cạnh tranh học tập với nhau một cách lành mạnh, và không có nạn bạo hành. Đặc biệt, GV bị cấm cho điểm và sửa lỗi trong vở HS bằng bút đỏ. “Điều này (nhất là ở các lớp đầu cấp) gây cho HS một nỗi sợ hãi nhất định, làm tổn thương tinh thần của các em”, bà hiệu trưởng nhận xét.
Ở Vương quốc Anh và một số nước châu Âu, người ta cấm chụp ảnh HS trên sân trường hoặc khi đang đi dạo ngoài sân trường. Người châu Âu có lý khi họ sợ những bức ảnh của HS có thể bị sử dụng vào những mục đích xấu, thậm chí tội lỗi. Chỉ những thợ ảnh được tín nhiệm, có giấy phép hành nghề mới có quyền chụp ảnh HS, ví dụ, nhân dịp kỷ niệm ngày ra trường. Và bắt buộc phải có giấy phép của các bậc phụ huynh với hướng dẫn chi tiết chụp cái gì, như thế nào, đồng thời nghiêm cấm việc đăng tải ảnh HS lên mạng xã hội.
Ở Pháp, tại nhiều trường phổ thông (riêng các trường tư thì bắt buộc), phụ huynh phải mua bảo hiểm để dự phòng rủi ro khi con họ làm hư hỏng tài sản của nhà trường, đồ dùng cá nhân của bạn cùng lớp... Hợp đồng bảo hiểm được đính kèm vào tài khoản ngân hàng của bố hoặc mẹ. Nếu con bạn làm hỏng máy tính của nhà trường, đứt cúc áo khoác hoặc đánh dập mũi bạn cùng lớp thì bảo hiểm sẽ phải thanh toán.
Ở nhiều trường phổ thông Pháp, HS đi học muộn bị phạt. GV tiểu học có trong tay danh sách những người thân và người được ủy quyền đưa đón HS ở trường. Nếu bố mẹ ly hôn, GV sẽ biết ngày nào bố hoặc mẹ được tòa cho phép gặp con. Các trường phổ thông Pháp (và châu Âu nói chung) cấm HS sử dụng điện thoại di động. Nghĩa là, điện thoại thông minh có thể nằm dưới đáy ba lô ở chế độ tắt.
Những quy định khắt khe
Ở Nhật Bản, nhiều trường phổ thông đưa ra những những quy định rất khắt khe đối với HS, đôi khi nằm ngoài sức tưởng tượng. Ví dụ, tại các trường phổ thông ở Tokyo, nếu GV nghi ngờ màu tóc của HS không tự nhiên, thì các em phải chứng minh ngược lại. Có cả những quy định về chiều dài váy, màu quần áo lót nữ sinh, về cấm nhổ lông mày, sử dụng máy uốn tóc, cấm dùng kem chống nắng, son môi, các loại mỹ phẩm bảo vệ sức khỏe và chăm sóc cơ thể...
Mỗi HS Nhật Bản được cấp một mã số cá nhân. Trong các bài thi hoặc kiểm tra, các em không ký tên, mà ghi mã số của mình. Nhiều trường phổ thông cấm HS đeo vòng tay và bùa hộ mệnh. Đây được coi là một trò gian lận, bởi vì bạn không phải tự mình giành được thành tích, mà nhờ sự giúp đỡ của một thế lực nào đó.
Mỗi HS Hàn Quốc có một số thứ tự riêng
Ở Hàn Quốc, mỗi HS phổ thông có một số thứ tự riêng. Danh sách lớp không được lập theo bảng chữ cái mà theo ngày sinh của HS. Để phát triển kỹ năng giao tiếp, tránh các mối quan hệ ảnh hưởng tới việc học tập và kích thích sự cạnh tranh, hằng năm các lớp học được sắp xếp lại.
Vì đến lớp muộn hoặc nói chuyện trong lớp, HS Hàn Quốc có thể bị phạt hít đất trên sàn nhà, “chạy marathon” quanh trường học trong thời gian nghỉ giải lao, còn nam sinh phải trồng cây chuối.
Ở Mỹ, có những điều cấm mà thoạt nghe nhiều người cảm thấy hài hước, nhưng nghĩ kỹ, chúng không phải là không có lý. Ví dụ, Sở Giáo dục New York cấm sử dụng trong các bài kiểm tra chuẩn những từ có thể làm HS cảm thấy buồn phiền như “nghèo đói”, “bố mẹ ly hôn”, “bệnh tật”, “nợ nần”, “chết chóc”, “khủng bố”...
Ở Chicago, có một trường phổ thông cấm nữ sinh đi giày cao cổ, vì sợ các em giấu điện thoại di động trong đó. Ở Pennsylvania, có một trường phổ thông cấm HS đi vệ sinh trong giờ học quá ba lần một học kỳ (!). Một số trường phổ thông ở Houston áp dụng huy hiệu điện tử để phát hiện chính xác những HS trốn học.
Đặc biệt, vì vi phạm quy định về đồng phục, tại một trong những trường phổ thông ở Texas, người ta áp dụng hình phạt rất kỳ lạ. HS phạm lỗi phải mặc quần áo tù nhân. Tuy nhiên, nhiều em lại thích trang phục này đến mức cố tình phạm lỗi để suốt ngày được diện áo tù và khoe với bạn bè!
Tại các trường phổ thông ở Hà Lan, bố mẹ của những HS hay bỏ học không có lý do chính đáng, sẽ bị phạt, và nếu điều này không có tác dụng, họ có thể bị quản thúc một tháng. Còn HS cũng phải tham gia lao động công ích, ví dụ như chăm sóc người ốm trong nhà tế bần.
Cộng hòa Nam Phi không thể khoe khoang về một nền giáo dục phổ thông chất lượng cao, nhưng có thể tự hào về hệ thống kỷ luật bán quân sự trong các trường phổ thông. Ở đây, các nữ sinh bị cấm trang điểm và để tóc xõa, còn tất cả các nam sinh thì phải cắt tóc húi cua.
Ở Đức, HS bắt buộc phải thi lái xe đạp. Trên mỗi sân trường, người ta thiết kế một ngã tư đường với tất cả các quy tắc an toàn giao thông. Cuối mỗi tháng, các cảnh sát giao thông lại đến trường kiểm tra HS rất nghiêm ngặt. Không phải học sinh nào cũng vượt qua kỳ thi lần đầu tiên hoặc thậm chí lần thứ hai. Nhưng đến cuối năm học, theo quy định, tất cả HS đều được cấp bằng lái xe đạp thực sự.