Thanh Hóa: Tìm “lối thoát” cho trung tâm giáo dục nghề vùng biên

GD&TĐ - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (Trung tâm) huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) vừa tuyển sinh được gần trăm học sinh. Đây là lần đầu tiên Trung tâm này có số lượng học sinh nhiều như vậy.

Một giờ học văn hóa tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Một giờ học văn hóa tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Vạn sự khởi đầu nan

Từ khi thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, Trung tâm của Mường Lát ngày càng ít học sinh. Bởi lẽ, theo quyết định này, học sinh không được hưởng chính sách, trợ cấp tiền ăn, hỗ trợ học tập… như trường THPT. Vì thế, có những năm Trung tâm của huyện Mường Lát không tuyển được học sinh nào.

Trung tâm này được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 2012, với tổng vốn đầu tư hơn 37,5 tỷ đồng (theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững - Nghị quyết 30a, ngày 27/12/2008).

Đến tháng 11/2013, công trình này được bàn giao cho huyện Mường Lát đưa vào sử dụng và khai thác. Quy mô của khu Trung tâm này đủ điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng cho 300 học sinh.

Ông Phạm Văn Chung – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, cho biết, thực trạng nhiều năm không có học sinh đã tạo ra sự chán nản cho đội ngũ giáo viên. Vì thế, ban lãnh đạo đơn vị đã đi tìm “lối thoát” cho vấn đề này.

Trung tâm đã xin ý kiến Sở LĐ,TB&XH, UBND huyện Mường Lát cho phép liên kết với Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn (Thanh Hóa), để đào tạo nghề cho học sinh. Sau khi được cấp trên đồng ý, hai đơn vị sẽ tổ chức liên kết đào tạo cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề kết hợp với học lớp chương trình THPT hệ GDTX.

Trung tâm đã gửi thông báo tuyển sinh đến các trường THCS, UBND các xã, thị trấn trong huyện. Đồng thời cử cán bộ, giáo viên đến khối lớp 9 các trường THCS gặp gỡ học sinh, làm công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, động viên, tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh hoàn thiện hồ sơ xin học trung cấp nghề và học lớp 10 THPT hệ GDTX.

Đến nay, Trung tâm đã tuyển được 82 học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện. Các em đăng ký học trung cấp nghề kết hợp với học lớp 10 THPT hệ GDTX tại Trung tâm huyện Mường Lát.

“Vì sao Trung tâm Mường Lát lại tuyển sinh được hơn 80 học sinh vào học ở đây? Đó là, khi học sinh vào Trung tâm học, mà thuộc diện người dân tộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hưởng các mức học bổng và các chính sách theo Quyết định số 53/2015QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Đây là chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, ông Chung cho hay.

Còn nhiều khó khăn

Đến thời điểm này, đã có 82 hồ sơ xin được xét tuyển vào học THPT hệ GDTX và kết hợp học trung cấp các nghề hàn, điện công nghiệp, may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn...

Em Thao Thị Dua (sinh năm 2005), nhà ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn (Mường Lát), chia sẻ: “Được nghe các thầy, cô giáo về trường tư vấn, động viên, tuyên truyền em đã chọn hướng đi học nghề. Do đó, em nộp đơn đăng ký học nghề may thời trang. Trong thời gian học ở Trung tâm, chúng em được học các môn văn hóa của chương trình THPT và được học nghề. Hy vọng, sau khi học xong, em sẽ tìm được một việc làm ổn định để nuôi sống bản thân”.

Em Lò Văn Điệp (SN 2005), nhà ở bản Trung Tiến, xã Mường Lý (Mường Lát), tâm sự: “Lúc em học xong lớp 9 đã định không thi lên lớp 10 THPT nữa, mà theo bố mẹ đi làm nương, rẫy thôi. Nhưng khi được các thầy, cô giáo phân tích, định hướng và chỉ cách cho em, nên em đăng ký vào học văn hóa và học nghề ở Trung tâm này. Em đăng ký học nghề điện công nghiệp và điện dân dụng, để sau này có cơ hội kiếm việc làm dễ dàng hơn các nghề khác”.

Ông Phạm Văn Chung – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, cho hay, để “kéo” được học sinh vào học văn hóa và học nghề ở đây, đơn vị phải liên kết với Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn. Đặc biệt, Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn cam kết với Trung tâm và học sinh, sẽ đảm bảo đầu ra (giải quyết việc làm) cho các em sau khi hoàn thành chương trình học.

Trung tâm thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến 2020 - 221. Do đó, học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí.

Ngoài ra, các em được hưởng học bổng bằng 100% mức lương cơ sở/tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và người khuyết tật.

Học sinh sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/khóa đào tạo để mua đồ dùng cá nhân, như chăn màn, áo ấm, chiếu, áo đi mưa và quần áo bảo hộ lao động theo nghề đào tạo. Được hỗ trợ 150.000 đồng/học sinh ở lại trường trong dịp Tết Nguyên đán. Các em cũng được hỗ trợ mỗi năm học 1 lần tiền đi lại từ gia đình và ngược lại với mức 300.000 đồng/năm đối với học sinh, sinh viên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

“Tất cả những vấn đề nêu trên là “động lực” để học sinh đăng ký về Trung tâm học văn hóa hệ GDTX và học nghề”, ông Chung nói.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, Trung tâm chưa được trang bị dụng cụ nấu ăn cho học sinh. Khu ký túc xá của học sinh cũng chỉ có 3 phòng tắm nam và 3 phòng tắm nữ. Toàn bộ 19 phòng ở nội trú của học sinh không có quạt điện... Ngoài ra, Trung tâm cũng đang thiếu giáo viên dạy hai môn Vật lý và Địa lý.

“Chúng tôi đã làm tờ trình lên UBND huyện, đề nghị hỗ trợ kinh phí, để xây dựng thêm nhà tắm cho học sinh. Các phòng ký túc xá cần có hệ thống quạt mát cho các em. Đồng thời, đề nghị UBND huyện bổ sung giáo viên cho Trung tâm và cần có người bảo vệ, người nấu ăn cho học sinh”, ông Chung cho hay.

Cách làm của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát hiện nay đang là lối mở, để xóa cảnh “đìu hiu” của cơ sở giáo dục này. Điều quan trọng nhất là, khi các em hoàn thành khóa học, sẽ được Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn lo đầu ra như đã cam kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.