Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội “chốt” giám sát tối cao về xâm hại trẻ em

GD&TĐ - Bước sang tuần làm việc thứ ba, sáng 3/6, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2020.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 3/6. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 3/6. Ảnh: Quang Khánh

 Buổi chiều, QH lấy ý kiến ĐBQH bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; nghe tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận về nội dung này.

“Chốt” giám sát về xâm hại trẻ em

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát phải là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo QH giám sát một chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9.

Tính đến ngày 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất nội dung chuyên đề giám sát. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, UBTVQH đề nghị QH xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung cụ thể sau: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung). Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Qua lấy ý kiến bằng hệ thống điện tử, đã có 383 đại biểu (chiếm hơn 79% tổng số ĐBQH) chọn chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. QH giao UBTVQH tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của QH năm 2020, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện và tăng cường các điều kiện bảo đảm để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Đề xuất xây dựng pháp luật về chuyển giới

Buổi chiều, QH đã nghe tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận về nội dung này. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, thực tiễn xây dựng luật hiện nay có nhiều bất cập. Trong đó bất cập nhất thể hiện ở khâu tiếp thu, chỉnh lý luật, trình QH thông qua, thể hiện ở nhiều vấn đề về chính sách pháp luật các đại biểu đã phân tích rất rõ nhưng vẫn không được tiếp thu. Để nâng cao chất lượng xây dựng luật, cần bố trí thời gian để tranh luận đến cùng hoặc ít nhất là ngã ngũ về các chính sách còn có quan điểm khác nhau... Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, trong việc xây dựng luật cần lắng nghe nhiều hơn các ý kiến từ nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp nhân dân.

Cơ bản nhất trí với các nội dung trong tờ trình, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) đề xuất QH bổ sung thêm dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Đại biểu đưa ra ba lý do, trong đó, nêu rõ, hiện nay số người trong cộng đồng chuyển đổi giới tính (LGBT) chiếm số lượng lớn với khoảng 700 nghìn người, tuy nhiên họ chưa được sống với chính mình trong xã hội hiện nay nên cần có sự điều chỉnh của pháp luật để thay đổi cách đối xử, nhìn nhận của cộng đồng. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính để trình QH cho ý kiến.

Phát biểu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ 16 ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, đồng thời sẽ có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới để chất lượng xây dựng luật tốt hơn.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, hoàn chỉnh lại tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để trình QH thông qua.

Cũng trong buổi chiều, QH tiến hành lấy ý kiến ĐBQH bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, có 2 phương án. Phương án 1: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Phương án 2: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về ATGT. Kết quả, có 212/441 ĐBQH tham gia biểu quyết không tán thành với phương án 1 (chiếm 43,80%). Phương án 2 có 169/417 ĐBQH tham gia biểu quyết không tán thành (chiếm 34,92%). Như vậy, 2 phương án đều chưa được quá 50% tổng số ĐBQH tán thành.

Liên quan đến quy định về thời gian bán rượu bia, có 2 phương án được đưa ra. Phương án 1: Bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Phương án 2: Không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. Kết quả biểu quyết cho thấy cả 2 phương án đều chưa được quá 50% tổng số ĐBQH tán thành.

Các đại biểu QH cũng đã biểu quyết thông qua quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia. Với 351/442 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 72,52%), QH đã đồng ý đưa quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em vào dự thảo Luật.

Toàn bộ dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dự kiến sẽ được thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp (14/6).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ