Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Đề xuất xây dựng Bộ Luật phòng, chống lãng phí

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Đề xuất xây dựng Bộ Luật phòng, chống lãng phí

(GD&TĐ) - Ngày 18/8, Quốc hội tiếp tục làm việc toàn thể tại Hội trường. Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội trước khi thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) trước khi tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) chiều 18/6
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) chiều 18/6

Lãng phí còn ghê gớm hơn cả tham nhũng

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, hầu hết các đại biểu có ý kiến đều cho rằng chế tài chống lãng phí hiện rất thiếu và yếu, trong khi trên thực tế lãng phí đáng sợ không kém gì tham nhũng. Theo các đại biểu, việc sửa đổi Luật là cần thiết, thậm chí nhiều đại biểu đề xuất nên đổi thành Luật Phòng chống lãng phí thay vì Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa bao quát hết được vấn đề.

Nâng cao hơn một bước nữa, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (đoàn Ninh Thuận) đề nghị nên đưa Luật lên thành Bộ Luật. Đại biểu cho rằng lãng phí trong thực tế rất ghê gớm, có khi còn hơn cả tham nhũng; cụ thể như việc tổ chức lễ khởi công, động thổ, lễ kỷ niệm, lễ hội, festival… ở nhiều nơi hết sức tốn kém. Theo đại biểu, tham nhũng còn có con người cụ thể, qui ra bao nhiêu tiền từ công tác thanh tra, điều tra và có truy tố rõ ràng. Còn lãng phí thì vô cùng, không định lượng được.

Không chỉ đi sâu vào tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được thời gian qua, theo ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận, lần sửa đổi này cần đưa vào xử lý cả hành vi lãng phí thời gian. Đây là loại lãng phí không qui ra tiền được nhưng thiệt hại thì vô cùng lớn và liên quan chặt chẽ đến cơ chế tổ chức, bộ máy hành chính. Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) nêu rõ, nhiều trường hợp lãng phí thời gian nghiêm trọng hơn tiền bạc; chẳng hạn trong đầu tư xây dựng, kéo dài thi công, phải điều chỉnh mức đầu tư… gây lãng phí nghiêm trọng kéo dài. Đây là hình thức phổ biến nhưng chưa được quan tâm, rất cần phải được đưa vào Luật.

Cần làm rõ từng mức độ vi phạm và chế tài xử lý cụ thể

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, thời gian qua, lãng phí thời gian, tiền của đã được nhắc nhiều và vẫn diễn ra khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Phạm Văn Hổ (đoàn Phú Yên) cho rằng, cần xác định cụ thể hơn, rõ hơn về mức độ như thế nào được coi là lãng phí, ở mức độ bao nhiêu thì xử lý trách nhiệm thế nào và cần qui định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tránh tình trạng qui trách nhiệm tập thể một cách chung chung, khó xử lý.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, trong dự thảo Luật sửa đổi, các hành vi vi phạm đều có cách xử lý giống nhau như giải trình, bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị có một chương riêng về xử lý vi phạm và có chế tài cụ thể.

Theo đại biểu Tấn, để chống lãng phí hiệu quả, một trong các điều kiện qui định là hành vi lãng phí phải được định lượng cụ thể, lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí nghiêm trọng thì phải xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chế tài chỉ theo hướng đặt ra, nhưng chưa chỉ ra được hành vi cụ thể, mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm thẩm quyền và xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

Liên quan đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí, rất nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng đầu tư dàn trải vốn, tài sản của Nhà nước hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, theo đề xuất của một số đại biểu, Quốc hội chỉ nên phê duyệt tổng vốn trái phiếu Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Như vậy, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ quyền điều hành số tiền chỉ có vậy thì phải làm sao đầu tư các dự án có hiệu quả cao nhất. Chính phủ sẽ phân vốn hàng năm cho các địa phương để xây dựng các dự án, công trình. Địa phương phải chọn lọc dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm với số vốn đã được phân cấp để xây dựng dự án; đồng thời phải có báo cáo với Chính phủ tiến trình thực hiện như thế nào.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ