Nợ xấu tổn hại triển vọng kinh tế
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) ví nợ xấu như “cục máu đông” có thể làm “đột quỵ” hoặc “đe dọa tính mạng” ngay trước mắt. Giải quyết nợ xấu đã có nhiều giải pháp nhưng chưa được xử lý triệt để, chưa hiệu quả.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, nguyên nhân nợ xấu khó xử lý là do hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ được quyền hợp pháp của các tổ chức tín dụng; pháp luật quy định xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu.
Đại biểu Phương cũng cho rằng, ngoài ra còn do ý thức của người dân khi đi vay vốn không thực hiện đúng mục đích khi vay, kinh doanh mạo hiểm, thậm chí còn mua xe sang để đi. Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này là cần thiết, tạo hành lang pháp lý để xử lý kịp thời nợ xấu, đáp ứng lưu thông tiền tệ trong phát triển kinh tế.
Nhất trí cao với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) chỉ rõ: Nợ xấu là một tham số quan trọng phản ánh “sức khỏe” của một nền kinh tế. Đến nay, kết quả giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa đạt được như mong muốn. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu đã bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) chưa giải quyết được, chưa xử lý được chiếm 51,8% nợ cho vay… Nợ xấu đã và đang là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết để đảm bảo sự ổn định, phát triển.
Gỡ vướng mắc trong quy định hiện hành
Theo đại biểu Mai Sỹ Diên (Thanh Hóa), việc ban hành Nghị quyết mà mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu phát sinh, Nghị quyết chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu, tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu. Xử lý nợ xấu phải từ gốc. Vì vậy, Nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu thì mới xử lý tận gốc vấn đề này. Đây là vấn đề dư luận quan tâm. Nhà nước mất nhiều thời gian, công sức để xử lý nợ xấu thì cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về xử lý nợ xấu, tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.
Lo ngại nợ xấu trong tương lai, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu quan điểm: Nghị quyết có thời hạn 5 năm, tuy nhiên nợ xấu thì luôn đồng hành với quá trình của sự phát triển kinh tế và luôn phát sinh. Như vậy, cần có công cụ pháp lý ổn định để ngăn chặn và xử lý nợ xấu trong tương lai. Đi đôi với xử lý nợ xấu cũng cần có biện pháp xử lý nợ xấu phát sinh.
Báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết: Nếu Nghị quyết có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ vướng mắc trong các quy định hiện hành thì mới đủ cơ sở pháp lý để xử lý triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn.