Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Luật Quản lý ngoại thương tác động lớn tới nền kinh tế

GD&TĐ - Ngày 27/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật Quản lý ngoại thương sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp xuất nhập khẩu, giúp thị trường minh bạch thông tin.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Luật Quản lý ngoại thương tác động lớn tới nền kinh tế

Hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành còn nhiều hạn chế

Trình bày dự án Luật Quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành còn nhiều hạn chế. Có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định quản lý Nhà nước về hoạt động ngoại thương dẫn đến tản mát, thiếu sự đồng bộ.

Theo ông Trần Tuấn Anh, điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch, rủi ro cho tổ chức, cá nhân trong áp dụng chính sách quản lý hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp quản lý ngoại thương được quy định ở hình thức văn bản dưới luật thiếu minh bạch, hạn chế, cản trở quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo tinh thần Hiến định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, dự án Luật cần phải quy định rõ ràng hệ thống, nguyên tắc, thẩm quyền áp dụng các biện pháp quản lý Nhà nước về ngoại thương, các quyền, nghĩa vụ mà thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện với Nhà nước...

Chỉ quản lý hoạt động “ngoại thương hàng hóa”

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án Luật được xây dựng theo định hướng là một đạo luật điều chỉnh, quản lý hoạt động “ngoại thương hàng hóa”, không điều chỉnh đối với “ngoại thương dịch vụ”.

Mặc dù không điều chỉnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ nhưng dự thảo Luật quản lý ngoại thương vẫn quy định một số biện pháp mang tính chất hỗ trợ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hỗ trợ phát triển các dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý ngoại thương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, chỉ quy định công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương hàng hóa.

Có ý kiến cho rằng Luật Quản lý ngoại thương là đạo luật chủ đạo trong quản lý ngoại thương, phạm vi điều chỉnh cần bao quát toàn diện hoạt động ngoại thương đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Một số ý kiến đề nghị xem xét quy định những dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ với đặc thù là cung cấp qua biên giới và tiêu dùng ngoài lãnh thổ, hiện đang được điều chỉnh ở các pháp luật chuyên ngành và theo kinh nghiệm quốc tế, pháp luật về quản lý ngoại thương của nhiều nước cũng chỉ quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, những hình thức dịch vụ thương mại có chức năng cung cấp dịch vụ cho hoạt động mua bán, phân phối, lưu chuyển hàng hóa trong nước và ngoại thương như các dịch vụ logistics, giám định, quá cảnh... đã được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, do đó Ủy ban Kinh tế tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương tại dự thảo Luật.

Cũng trong ngày 27/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ