Kỳ 2: Rừng bị “xẻ thịt”: Chủ tịch xã “linh động” cho dân phá rừng lấy gỗ làm nhà

GD&TĐ - Theo vị chủ tịch xã, do điều kiện sống của người dân tại địa phương khó khăn, do đó, đơn vị “linh động” cho người dân đốn hạ vài cây gỗ để làm nhà.

Cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm đếm số gỗ bị đốn hạ. Ảnh: Dung Nguyễn
Cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm đếm số gỗ bị đốn hạ. Ảnh: Dung Nguyễn

Sau khi thâm nhập khu vực rừng bị “xẻ thịt” và phát hiện nhiều điểm tập kết gỗ của “lâm tặc”, chúng tôi đến UBND xã Đăk Ring (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) để trình báo về sự việc.

Tại đây, ông Mai Văn Mậu, chủ tịch UBND xã cho biết, khu vực mà báo chí phản ánh thuộc tiểu khu 387, 388 (làng Ngọc Hoàng, xã Đăk Hring) thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông quản lý. Gần khu vực này có một trạm quản lý bảo vệ rừng với 5 cán bộ, nhân viên thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát.

Vị chủ tịch nhận định, có thể khu vực này do người dân tại địa phương lên để chặt gỗ về làm nhà.

Ông Mai Văn Mậu (ngoài cùng bên phải) đến hiện trường kiểm tra khu vực bị phá và cho rằng, bản thân biết việc người dân lấy gỗ rừng làm nhà. Ảnh: Dung Nguyễn
Ông Mai Văn Mậu (ngoài cùng bên phải) đến hiện trường kiểm tra khu vực bị phá và cho rằng, bản thân biết việc người dân lấy gỗ rừng làm nhà. Ảnh: Dung Nguyễn 

Ngay sau đó, vị chủ tịch đã liên hệ Công an xã và nhân viên Công ty lâm nghiệp Kon Plông cùng phóng viên lên khu vực “lâm tặc” phá rừng. Khi đến khu vực rừng bị phá đầu tiên, vị chủ tịch xã liên tục khẳng định, bản thân biết số gỗ bị đốn hạ này. Tuy nhiên, ông Mậu cho rằng, đây là số gỗ mà người dân khai thác để làm nhà cộng đồng.

Khi chúng tôi thắc mắc về việc “Chính quyền có cho phép người dân phá rừng để làm nhà” thì vị chủ tịch giải thích “Không ai có thẩm quyền cho phép dân phá rừng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, phong tục tập quán của người dân bao nhiêu đời nay họ sống dựa vào rừng. Do đó, việc họ khai thác 1 hoặc 2 cây gỗ lớn tuổi để làm nhà thì cũng phải “linh động” để có cái nhà cho họ ở....Về chính xác họ làm nhà với số lượng bao nhiêu thì tôi nắm được”.

Tuy nhiên, khi đến điểm tập kết gỗ tiếp theo, ông Mậu bàng hoàng trước cảnh tượng vô số hộp gỗ và lóng gỗ nằm ngổn ngang. Lúc này, vị chủ tịch ngỡ ngàng và cho biết, số gỗ này không phải dân khai thác làm nhà, mà bị “lâm tặc” chặt hạ để bán. “Đây không thể là gỗ người dân lấy về làm nhà được, gỗ làm nhà có quy cách và kích thước khác”.

Đơn xin gỗ làm nhà của người dân. Ảnh: Dung Nguyễn
Đơn xin gỗ làm nhà của người dân. Ảnh: Dung Nguyễn 

Ngay sau đó, vị chủ tịch xã yêu cầu phía công ty và lực lượng công an xã kiểm đếm, thống kê khối lượng gỗ. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng liên hệ với Hạt kiểm lâm huyện và Công an huyện vào ghi nhận hiện trường vụ việc.

Điều khó hiểu là con đường mòn dẫn xuống suối để qua khu vực tiểu khu 387 đã bị “lâm tặc” cưa hạ một số để chắn lối đi. Dấu vết cưa và mùn cưa, cành lá còn rất mới. Di chuyển qua khu vực này, hàng chục hộp gỗ cũng đã được cắt xẻ, nằm ngổn ngang.

Tại hiện trường, ban đầu, lực lượng chức năng kiểm đếm được 98 hộp gỗ dổi đã được cắt xẻ vuông vức với đường kính khoảng 50cm, chiều dài hơn 2m. Bên cạnh đó, hàng trăm tấm ván đã được cắt xẻ gọn gàng nằm chồng chéo lên nhau, đợi thời cơ vận chuyển.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông cho hay, đơn vị đang quản lý hơn 55.000 ha rừng với gần 50 tiểu khu, tuy nhiên lực lượng chuyên trách chỉ có 30 người.

Theo ông Bình, đơn vị đã nhận được tin báo về việc khu vực tiểu khu 387 và 388 bị “lâm tặc” phá rừng. Hiện người của đơn vị đang tiến hành kiểm tra những khu vực lân cận và kiểm đếm số gỗ bị chặt hạ.

Về thông tin, nhân viên của công ty tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng thì ông Bình khẳng định, đơn vị cũng nhận được phản ánh. Tuy nhiên, qua nhiều lần điều tra, tìm hiểu vẫn chưa phát hiện trường hợp nào cấu kết với “lâm tặc”. Nếu đơn vị phát hiện sẽ tiến hành xử lí nghiêm.

Ông Lê Hữu Có, Hạt phó Hạt kiểm lâm Kon Plông cho biết, đơn vị đã nghe kiểm lâm địa bàn báo cáo qua điện thoại còn chưa nắm được thông tin cụ thể. Hiện đơn vị đang yêu cầu kiểm lâm địa bàn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plong kiểm đếm, báo cáo cụ thể.

Cũng theo ông Có, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện xử lý gần 90 vụ khai thác lâm sản trái phép, xử phạt hàng tỉ đồng.

“Chuyện làm nhà của dân tế nhị, xử lý chuyện làm nhà cả làng, cả xã khó lắm...Các em cũng thông cảm, người dân ở đó nghèo khó. Theo quy định dùng những vật liệu khác thay thế nhưng làm gì có tiền. Các em thông cảm được chừng nào thì thông cảm... Riêng cả cái Tây Nguyên này người dân sống cần rừng, không lợi dụng một chút của rừng thì không phải là người dân bản địa...”, ông Có nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...