Regina Aune
Chiến dịch được thực hiện trong năm 1975 khoảng thời gian từ ngày 2 - 26/4. Dù mang danh nghĩa nhân đạo, chiến dịch Babylift vẫn mang nhiều tai tiếng và trở thành chủ đề tranh cãi của dư luận Mỹ. Nhiều người cho rằng, việc di tản trẻ mồ côi Việt Nam, trong đó có những bé là con lai do hậu quả chiến tranh, thực chất lại không mang tính chất nhân đạo, bởi cuộc di chuyển đã tách những đứa trẻ sơ sinh còn non nớt ra khỏi cha mẹ, quê hương và văn hóa nguồn cội.
30 chuyến máy bay vận tải C-5A Galaxy được huy động để thực hiện chiến dịch này. Chuyến bay đầu tiên với 250 đứa trẻ mồ côi, các thành viên phi hành đoàn và y tá Regina Aune, đã gặp tai nạn. Sau khi cất cánh, ở độ cao 7.000m, cách Sài Gòn 64 km, những chốt khóa cửa chuyển hàng hóa ở đằng sau bị hỏng, làm cho cánh cửa tung và văng ra. Máy bay bị giảm sức ép nhanh chóng, không thể điều khiển được và phải bay trở lại phi trường Tân Sơn Nhất. Khi phải đáp khẩn cấp xuống một cánh đồng cách phi trường 3 km, chiếc máy bay trượt dài gần 1km, sau đó đâm sầm vào một mương tưới và gãy thành bốn phần. Bụng dưới của máy bay bị xé nát, khiến 155 người chết, đa số là trẻ em, ngoài ra còn có 5 trong số 17 thành viên phi hành đoàn. Những người sống sót đa số ngồi ở tầng trên của máy bay, còn những người ở tầng dưới hầu như đã chết hết.
Vụ tai nạn đã khiến Aune bay ra ngoài, làm cô bị gãy một chân, vỡ một đốt sống lưng. Nhưng đau đớn không phá vỡ ý chí của Regina Aune để cứu mạng sống của những đứa trẻ. Aune đã chăm sóc và chở 80 đứa trẻ đến nơi an toàn. Hoàn thành nhiệm vụ, cô kiệt sức và ngất đi. Aune đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng Cheney chuyên dành cho các phi công.
Vivian Bullwinkel
Trong Thế chiến II, Vivian Bullwinkel (sau này mang tên Vivian Statham) mong muốn gia nhập Không quân Úc, nhưng không đủ điều kiện. Không nản lòng, cô đã trở thành y tá của Quân đội Úc năm 1941. Năm sau, cô phục vụ ở Singapore, sau đó buộc phải chạy trốn cùng với 64 y tá khác. Thật không may, ngư lôi Nhật Bản đã chặn tàu của họ.
Chỉ có 22 y tá trên tàu còn sống sót. Bullwinkel bám vào một xuồng cứu sinh và trôi nổi hàng giờ, cho đến khi cô và những y tá còn lại đến đảo Bangka. Một ngày sau, quân Nhật Bản vây bắt tất cả những người phụ nữ, áp tải họ ra biển và xử bắn. Chỉ có Bullwinkel sống sót. Một viên đạn đã trúng vào bụng cô, nhưng may mắn thay, các bộ phận quan trọng không có tổn thương nào nghiêm trọng.
Bullwinkel giả vờ chết và chờ cho đến khi quân Nhật rời khỏi bờ biển. Cô đã dành 12 ngày điều trị binh sĩ Anh bị thương trên đảo.
Chẳng mấy chốc, họ đầu hàng quân Nhật. Để tránh bị bắn một lần nữa, Bullwinkel giấu đồng phục của y tá. Cô bị giam giữ như một POW (tù nhân chiến tranh) trong suốt ba năm. Bullwinkel thường bí mật ghi lại sự tra tấn mà cô phải chịu đựng trên các trang Kinh Thánh. Thể trạng của
Bullwinkel vô cùng suy kiệt, chỉ còn da bọc xương, với trọng lượng vỏn vẹn có 25 kg, nhưng trong suốt thời gian đó, cô vẫn tiếp tục chăm sóc cho người bệnh và bị thương. Sau chiến tranh, Bullwinkel trở thành y tá được ngợi ca nhiều nhất của nước Úc.(Còn tiếp)