Kỳ 1: Việc làm nhỏ, giá trị lớn

Kỳ 1: Việc làm nhỏ, giá trị lớn

(GD&TĐ) - Việc đưa văn hóa dân gian vào trong trường học là một trong những nội dung trong kế hoạch phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.  Mới đây, Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Hướng dẫn số 73/HD BGDĐT và BVHTTDL gửi các địa phương yêu cầu sử dụng di sản văn hóa vào dạy và học trong các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây là chủ trương mới của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để phương án này được triển khai trong thực tế lại là chuyện không hề đơn giản.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, khi học sinh bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử, đồ chơi bạo lực thì việc đưa văn hóa dân gian vào trường học tạo điều kiện cho các em được tham gia nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh.

Yêu và hiểu giá trị văn hóa truyền thống nhờ... trò chơi

Hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhiều trường học đã chủ trương đưa truyền thống văn hóa dân gian vào học đường, tổ chức  trò chơi dân gian như một hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh. 

Các trò chơi dân gian đang được các cơ sở giáo dục đưa vào hoạt động giáo dục Ảnh: Mộc Lam
Các trò chơi dân gian đang được các cơ sở giáo dục đưa vào hoạt động giáo dục     Ảnh: Mộc Lam

Cô Nguyễn Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội) chia sẻ: Chợ quê là một hoạt động không thể thiếu trong kế hoạch giáo dục của trường. “Đến hẹn lại lên” - mỗi năm trường tổ chức chợ quê một lần với những tiêu chí khác nhau. Các thầy cô giáo đã dành hẳn một ngày cho học sinh được thỏa sức vui chơi, ngắm nghía và tham gia lựa chọn mua hàng. Tất cả các tổ khối của trường đều có gian hàng phục vụ bản thân học sinh. Sự sáng tạo trong thiết kế và trang trí của đội ngũ giáo viên khiến HS rất hào hứng. Các em được trải nghiệm, thực hành vốn sống, qua các hình thức sân khấu hóa các em hiểu được các nét văn hóa, phong tục truyền thống như thế nào là mâm ngũ quả ngày tết, câu đối, nhận tiền lì xì, chúc tết người lớn… Trong chợ quê GD cho học sinh một số trò chơi dân gian như kéo co, đánh cờ… Đây là việc làm nhỏ nhưng có giá trị lớn”.

Ngoài ra vào dịp Trung thu, trưởng tổ chức Vui hội trăng rằm ở Bảo tàng dân tộc học. Đây là một trong những hoạt động ngoại khóa bổ ích với nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo: kể chuyện Sự tích chú Cuội cung trăng, múa  lân, hát các bài hát hay cùng những trò chơi dân gian tiêu biểu mang tính giáo dục cao. Trường đã liên hệ với bảo tàng thuê nghệ nhân dân gian hướng dẫn học sinh tham gia làm tiến sĩ giấy, đèn lồng, bánh trung thu, nặn tò he…. Tổ chức cho các em chơi các trò chơi dân gian là phương tiện giúp các em phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, qua đó góp phần giáo dục các em về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ngày nay HS đang thiếu sự trải nghiệm, thiếu kiến thức thực tế, cô Lan tâm sự, nhà trường muốn lồng ghép trong chương trình giáo dục để giảng dạy cho học sinh. Văn hóa dân gian gắn với những sự kiện, nội dung bài học mà HS đang có. Khi dạy về lễ hội các cô giáo có thể lấy tư liệu ngay ở địa phương để giới thiệu cho HS. Cần phải tích hợp nội dung trong giảng dạy để đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng chơi ô ăn quan. Ảnh: Tuấn Hải
 Cùng chơi ô ăn quan.  Ảnh: Tuấn Hải

 Nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ

Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước, những hoạt động đưa giá trị văn hoá truyền thống giáo dục đạo đức cho HS thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm. Mỗi tỉnh một phong trào. Bắc Ninh,  Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, ở Phú Thọ có phong trào đưa hát xoan vào trường học… Phương thức tổ chức dạy học giáo dục di sản văn hóa được thực hiện lồng ghép vào các môn học (ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc, mỹ thuật...), hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục PT (nội khóa hoặc ngoại khóa)... cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Nhiều trường tại Hà Nội dã tổ chức các hội chợ quê đem lại không khí tươi mới trong các giờ giáo dục Ảnh: Mai Hà
Nhiều trường tại Hà Nội dã tổ chức các hội chợ quê đem lại  không khí tươi mới trong các giờ giáo dục     Ảnh: Mai Hà

Cô giáo Nguyễn Bích Hà – Tổ trưởng tổ Văn, Sử, GDCD Trường PTDTNT Phú Thọ chia sẻ: Là vùng đất của những di sản độc đáo, đặc sắc  như hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… được công nhận là văn hóa phi vật thể vì thế vấn đề đưa di sản văn hóa vào trường học đã được Phú Thọ triển khai nhiều năm nay. Trường đã tổ chức cho hoc sinh tham gia tìm hiểu về hát xoan, thi hát xoan vào các ngày lễ lớn trong năm. Hoạt động này tổ chức vào các buổi học ngoài giờ lên lớp và trong hoạt động của Đoàn. Nhà trường thường tuyên truyền bằng cách cho học sinh xem các băng đĩa về hát xoan.

Việc đưa hát Xoan vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy hát dân ca mà giúp học sinh nhận ra những giá trị to lớn từ các làn điệu dân ca của quê hương, đất nước, từ đó giúp các em biết trân trọng, yêu quý và quan trọng hơn là góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc của các em. Không những thế, việc đưa dân ca vào trường học sẽ tạo niềm đam mê và khả năng biểu diễn, cảm thụ những làn điệu dân ca. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Ngày 16-1-2013, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT & DL đã có Hướng dẫn số 73/HD BGDĐT và BVHTTDL gửi các địa phương yêu cầu sử dụng di sản văn hóa vào dạy và học trong các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo hướng dẫn, việc đưa di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể) được thực hiện theo phương thức lồng ghép với các bộ môn học trong chương trình giáo dục phổ thông và các hoạt động ngoại khóa; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chủ đề liên quan đến di sản văn hóa; tổ chức hướng dẫn học sinh tìm hiểu, khai thác các nội dung khác của di sản văn hóa thông qua các tư liệu, hiện vật; tổ chức chăm sóc các di tích, các hoạt động giáo dục tại di tích… Đây là chủ trương mới của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Trịnh Huyền 

__________________

Kỳ sau: Đi tìm lối ra

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.