Chỉ ngân sách là chưa đủ
Quy chế công nhận trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia, đã đưa ra 5 tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là tiêu chuẩn về tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Để đạt được tiêu chuẩn này, các trường cần có nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng hệ thống các phòng học bộ môn, đầu tư mua sắm thiết bị dạy học... Để hưởng lợi, hoặc phải thuộc vùng khó khăn hẳn hoặc phát triển hẳn. Một số địa phương được “hưởng lợi” từ các chương trình này, dự án nọ hay sự đầu tư của chính quyền địa phương. “Kẹt” nhất là những trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế dưới mức trung bình nhưng chưa hẳn là vùng đặc biệt khó khăn để được hưởng sự đầu tư mạnh mẽ của ngân sách nhà nước.
Phú Thọ là một địa phương như vậy. Nằm giữa khu vực trung du và miền núi; dù đã có thể coi là vùng khó, có huyện thuộc diện 30A (1 trong 62 huyện nghèo nhất nước) như Tân Sơn, còn lại hầu hết là các huyện thuộc diện miền núi như Thanh Sơn, Cẩm Khê..., mọi đầu tư cho giáo dục đều trông chờ vào ngân sách nhà nước. Vậy không có gì ngạc nhiên khi Phú Thọ vẫn là một trong những địa phương còn thiếu rất nhiều về phòng học, phòng bộ môn và nhất là nhà công vụ cho giáo viên, tỷ lệ cao hơn cả các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn hơn rất nhiều như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái...
Ông Đặng Minh Tiến – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho biết các công trình thực hiện từ Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên đã góp phần giải quyết được một phần nhu cầu cấp bách về thiếu phòng học, phòng ở giáo viên của tỉnh. Đồng thời chất lượng phòng học đã có những chuyển biến tích cực, các phòng học kiên cố đã thay thế phần lớn các phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp. Tính đến hết năm 2012, tỷ lệ phòng học kiên cố phổ thông toàn tỉnh đến thời điểm cuối năm học 2012 – 2013 đã đạt 85,2%, trong đó mầm non là 66,8%; tiểu học đạt 83,6%, THCS đạt 90,6%, THPT đạt 94,7%.
Trường TH Tân Phú (huyện Tân Sơn) - một trong số không nhiều ngôi trường ở các huyện vùng khó của Phú Thọ được đầu tư quy mô về CSVC ngay từ ban đầu. Ảnh: N. Khánh |
“Nhìn đâu cũng thấy khó”
Nhìn những con số tưởng là cao, nhưng thực tế, do hạn chế về nguồn vốn trong điều kiện giá cả nguyên vật liệu và nhân công tăng cao, Phú Thọ vẫn chưa đạt được mục tiêu về số phòng theo Đề án đặt ra. Cụ thể tính đến hết năm 2012, tổng đầu tư cho nhà lớp học của Phú Thọ có 554 công trình với 3170 phòng học, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ chỉ hỗ trợ được 2.875 phòng (trên tổng kế hoạch là 3.474 phòng), dẫn tới việc kết quả thực hiện chỉ đáp ứng được 82,7%. Hiện nay, đã có 2.687/2.975 số phòng học đầu tư theo trái phiếu Chính phủ hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt 93,5%. Còn đối với đầu tư cho xây dựng nhà công vụ giáo viên thì kết quả còn thấp hơn nhu cầu rất nhiều khi mới chỉ xây dựng được 246 công trình với 1.158 phòng, so với kế hoạch là 1.905 phòng (vốn Chính phủ hỗ trợ 1.152 phòng), nghĩa là mới đạt 60,5%.
Một phần nguyên nhân cũng bởi việc đầu tư của Đề án mới chủ yếu tập trung vào việc xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp và nhà công vụ cho giáo viên. Còn phòng học bộ môn, nhà điều hành, nhà chức năng phần lớn chưa được đầu tư nên cơ sở vật chất các trường học (ngoại trừ thành phố trung tâm tỉnh) còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thắc mắc về khả năng đáp ứng của địa phương, ông Tiến cho biết Phú Thọ là tỉnh miền núi nghèo, việc huy động các nguồn lực khác ngoài Đề án kiên cố hóa để lồng ghép các dự án thuộc danh mục trái phiếu Chính phủ còn thấp. Trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn khả dĩ và là hy vọng lớn nhất của các địa phương khó khăn. Khả năng đối ứng của các địa phương còn hạn chế, dẫn đến thực trạng cơ sở vật chất trường lớp “nhìn đâu cũng thấy khó” như hiện nay.
“Chung quy lại là vấn đề kinh phí. Chủ trương thì ở đâu cũng có. Sự quan tâm của các cấp chính quyền cho tới người dân đối với ngành thì ở đâu cũng mạnh. Nhưng tiền ở đâu mới là vấn đề. Bởi lẽ trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, “xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học” là những tiêu chí lớn nhất. Ông Ngô Hữu Trí, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ, “giãi bày” về cái khó lớn nhất, thường trực nhất trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các địa phương không mấy phát triển nhưng chưa “được” xếp vào nhóm vùng đặc biệt khó khăn như địa phương mình... |
Thành Chung - Trung Toàn
Kỳ 2: Vẫn phải trông chờ nguồn xã hội hóa