Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow lo ngại về các báo cáo cho rằng, các quốc gia thành viên NATO đang cân nhắc triển khai quân tới Ukraine, đồng thời nhắc lại rằng, kịch bản như vậy sẽ không thể chấp nhận được đối với Nga.
Tờ The Telegraph và Bloomberg ngày 19/2 trích dẫn lời các quan chức phương Tây giấu tên cho biết, Anh và Pháp đang chuẩn bị trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump kế hoạch thành lập một "lực lượng trấn an" cho Ukraine, trong trường hợp Kiev và Moscow đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz xác nhận, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thăm Washington vào tuần tới.
Phát biểu với các phóng viên vào ngày 20/2, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow "chắc chắn đang theo dõi chặt chẽ tất cả các báo cáo này".
Ông nói thêm rằng, những tuyên bố về khả năng quân nhân từ các quốc gia NATO sẽ đến Ukraine "đang gây lo ngại", đồng thời chỉ ra những hậu quả mà điều này sẽ gây ra cho an ninh quốc gia của Nga.
“Đây là một chủ đề rất quan trọng đối với chúng tôi”, ông Peskov nói, và lưu ý rằng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nhấn mạnh rằng, “sự hiện diện của lực lượng vũ trang từ các nước NATO ở Ukraine … là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với chúng tôi”.
Bình luận này được đưa ra sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa Nga và Mỹ tại Riyadh, Saudi Arabia, nơi hai quốc gia đã nhất trí làm việc hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.
Theo The Telegraph và Bloomberg, kế hoạch của Anh-Pháp sẽ bao gồm khoảng 30.000 quân đồn trú tại các thành phố và cảng quan trọng của Ukraine, cũng như tại các nhà máy điện hạt nhân.
Kế hoạch này được cho là sẽ trang bị cho lực lượng này các máy bay giám sát và trinh sát cũng như tàu tuần tra để giám sát một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Kiev và Moscow, với Mỹ cung cấp sự yểm trợ trên không trong trường hợp leo thang.
Trước đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố rằng, "Anh sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc đẩy nhanh công tác đảm bảo an ninh cho Ukraine", bao gồm cả việc "triển khai quân đội của chúng tôi trên bộ nếu cần thiết".
Moscow đã nhiều lần bày tỏ thái độ tiêu cực đối với ý tưởng triển khai quân đội châu Âu đến Ukraine dưới vỏ bọc là một phái bộ gìn giữ hòa bình.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Alexander Grushko, điều này chỉ đánh dấu một bước tiến tới leo thang.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vassily Nebenzia, đã cảnh báo vào đầu tháng này rằng, quân đội phương Tây hoạt động tại Ukraine mà không có sự đồng ý của Moscow sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp.
Một số nhà lãnh đạo EU, đáng chú ý nhất là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đưa ra ý tưởng gửi quân nhân đến Ukraine ít nhất là kể từ tháng 2 năm ngoái. Các cuộc thảo luận về động thái như vậy được cho là đã tăng cường trong những tháng gần đây.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2025, chính quyền của ông Trump đã ra tín hiệu sẵn sàng giảm bớt sự can dự của Mỹ vào Ukraine.