Kon Tum tổ chức trực 24/24 giờ để ứng phó với bão Noru

GD&TĐ - Để ứng phó với bão Noru, tỉnh Kon Tum tổ chức trực ban 24/24 giờ. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Mưa lớn gây hư hỏng các công trình tại huyện Tu Mơ Rông.
Mưa lớn gây hư hỏng các công trình tại huyện Tu Mơ Rông.

Ngày 26/9, để ứng phó với bão số Noru, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã chỉ đạo các đơn vị, xã tiến hành rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét và lên các phương án ứng phó.

Theo đó, qua rà soát, giao thông huyện Tu Mơ Rông có 87 điểm nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; 55 công trình thủy lợi có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét và 2 công trình nguy cơ sạt lở. Ngoài ra có 31 vị trí ở khu dân cư thuộc 8 xã nguy cơ sạt lở, lũ quét, tốc mái. Có 17 khu sản xuất trên địa bàn toàn huyện có nguy cơ ngập lụt... Đặc biệt có 16 điểm trường có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, tốc mái.

Nhằm ứng phó với cơn bão Noru, huyện Tu Mơ Rông sẵn sàng lực lượng hơn 1.000 người. UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Huy động vật tư, phương tiện theo các phương án đã xây dựng khi bão số 4 gây mưa, sạt lở, cô lập, ách tắc. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án, có kế hoạch cụ thể, chi tiết, lập kế hoạch di dời dân và chuẩn bị phương tiện để di dời khi có hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra đối với một số điểm xung yếu có nguy cơ bị sạt lở.

Huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, hạn chế đến việc tiêu thoát nước. Kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn và cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao để cảnh báo…

Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão Noru, mưa lũ. Bên cạnh đó, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình tại địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ.

Ngoài ra triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động triển khai phòng, chống, ứng phó với mưa bão và tùy theo tình hình mưa lũ, bão, chủ động cho học sinh nghỉ học và chỉ cho học sinh trở lại lớp học khi bảo đảm an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.