Kon Tum: Thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

GD&TĐ - Sau nhiều ngày sốt cao, ho khúc khắc, mệt mỏi, ăn uống kém cháu bé 3 tuổi bị co giật nên gia đình đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, cháu bé bị xuất huyết do Sốt xuất huyết nên đã tử vong.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 26/11, ngành Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn vừa có thêm một trường hợp tử vong do Sốt xuất huyết. Đây là trường hợp thứ 2 tử vong tại TP Kon Tum do Sốt xuất huyết Dengue chỉ trong vòng hai tháng qua.

Trước đó (vào ngày 16/11), cháu V.K.Ng (3 tuổi, phường Quang Trung, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) liên tục sốt cao, ho khúc khắc, mệt mỏi, ăn uống kém. Sau đó, cháu bé lên cơn co giật nên được người nhà đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue/Viêm Amydal cấp.

Đến ngày 20/11, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết nơi vị trí tiêm chích, mạch nhanh, không đo được huyết áp nên được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục theo dõi và điều trị.

Kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác định bệnh nhân dương tính với virut Sốt xuất huyết type D1. Đến ngày 24/11, bệnh nhân hôn mê sâu độ III, thở bằng máy và tử vong vào chiều cùng ngày.

Nắm bắt thông tin, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tổ chức tập huấn lại về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện tại các tuyến; tập trung mọi nguồn lực điều trị các ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo, nặng, nguy cơ tử vong với quyết tâm không để tử vong do sốt xuất huyết Dengue.

Khi có bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm/rất nguy hiểm (sốt xuất huyết Dengue, bạch hầu, viêm não Nhật Bản B…) có diễn biến nặng phải điều trị ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cần báo cáo ngay cho Sở Y tế để chỉ đạo kịp thời và thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum, cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh SXH trên địa bàn, tuyên truyền vận động người dân phòng chống dịch. Bên cạnh đó, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong tại cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ