Kon Tum mong muốn tiếp tục thực hiện mô hình VNEN

GD&TĐ - Kết thúc năm học 2016-2017, tỉnh Kon Tum đang triển khai, thực hiện mô hình VNEN ở 44 trường tiểu học và 9 trường THCS trên địa bàn. Qua thăm dò, khảo sát, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh đều đánh giá cao những ưu điểm của mô hình, rất đồng tình và mong muốn được tiếp tục thực hiện mô hình VNEN.

Hầu hết các đối tượng được khảo sát đều đánh giá cao những ưu điểm của mô hình VNEN
Hầu hết các đối tượng được khảo sát đều đánh giá cao những ưu điểm của mô hình VNEN

Theo ông Nguyễn Phúc Phận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, năm học qua, trước dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả giáo dục của mô hình VNEN, Sở GD&ĐT Kon Tum đã tổ chức khảo sát, thăm dò 100% cán bộ quản lý, 70 % giáo viên, 35% tổng số học sinh, phụ huynh ở các trường đang triển khai, thực hiện mô hình. Kết quả cho thấy, hầu hết các đối tượng được khảo sát đều đánh giá cao những ưu điểm của mô hình, rất đồng tình và mong muốn được tiếp tục thực hiện mô hình VNEN.

Ông Nguyễn Phúc Phận cho hay: Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Kon Tum chỉ đạo duy trì mô hình VNEN đối với những nơi đảm bảo các điều kiện tổ chức. Đồng thời, sẽ thu hẹp phạm vi đối với những nơi không đảm bảo các yêu cầu.

Ông Nguyễn Phúc Phận cho biết thêm: Hiện nay công tác nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là chất lượng giáo dục mặc dù đã được nâng lên, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Chất lượng học tập của học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các xã vùng sâu, vùng xa còn thấp.Còn tình trạng học sinh đi học không chuyên cần.Vốn Tiếng Việt hạn chế đã ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế xã hội địa phương, môi trường gia đình và môi trường xã hội chưa phát triển cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục hạn chế.

Có một số giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học, trước đây được đào tạo theo công đoạn, đạt chuẩn trình độ đào tạo nhưng năng lực giảng dạy không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang là một bài toán khó; đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ (về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, đi lại vv...).

Đến thời điểm nay, toàn tỉnh có 5.099 phòng học nhưng vẫn còn 212 phòng học tạm, phòng học mượn (mầm non 111 phòng, tiểu học 86 phòng, THCS 14 phòng và THPT còn 1 phòng tạm, mượn). Cơ sở vật chất phục vụ cho học sinh ở bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú còn thiếu thốn.Công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực phát triển GD&ĐT còn nhiều khó khăn.Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội tại những vùng khó khăn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, năm 2016, một số chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục đã kết thúc, tỉnh không có ngân sách để tiếp tục triển khai, các trường rất khó khăn trong việc duy trì một số các hoạt động (ví dụ như Chương trình SEQAP hỗ trợ kinh phí làm nhà vệ sinh, phòng học; hỗ trợ kinh phí ăn trưa, hỗ trợ kinh phí hợp đồng giáo viên để nâng tỷ lệ giáo viên/lớp đảm bảo cho các trường dạy học cả ngày…).

Ngân sách dành cho giáo dục ở các huyện/thành phố chỉ đáp ứng các hoạt động giáo dục cần thiết như chi trả lương, chi các hoạt động thường xuyên, mua sắm, sửa chữa nhỏ, vì thế kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn Quốc gia rất hạn chế.

“Nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc, ngành GD&DT tỉnh Kon Tum mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm hỗ trợ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT để ưu tiên phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum; ưu tiên xây dựng và củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng quy mô phát triển giáo dục vùng khó khăn; quan tâm đề xuất các chương trình, dự án giáo dục cho vùng khó khăn nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho học sinh.

Đồng thời hướng dẫn mở rộng các nội dung chi thuộc chương trình này, để các tỉnh thực hiện phù hợp với tình hình địa phương. Trong quá trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phục vụ cho việc đổi mới trong những năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT cần quan tâm bộ sách giáo khoa đảm bảo tính vùng miền”, ông Nguyễn Phúc Phận bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ