Đánh giá 3 năm thực hiện mô hình Trường học mới (VNEN)

GD&TĐ - Nội dung báo cáo của Chính phủ về một số vấn đề thuộc lĩnh vực GD-ĐT gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV có nội dung cụ thể về triển khai mô hình Trường học mới (VNEN), từ hình thành dự án, quá trình triển khai đến kết quả thực hiện qua 3 năm và kế hoạch triển khai từ năm học 2016 – 2017.

Đánh giá 3 năm thực hiện mô hình Trường học mới (VNEN)

Từ triển khai thí điểm đến nhân rộng

Đối với cấp tiểu học, năm học 2011 - 2012, Bộ GD&ĐT tiến hành thí điểm mô hình tại 6 tỉnh là: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa (với 48 lớp 2, tại 24 trường ở 12 huyện).

Ngày 9/1/2013, Chính phủ đã ký Hiệp định tài trợ số GPE TF013048 với Tổ chức hợp tác giáo dục toàn cầu tại trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới; cơ quan giám sát là tổ chức UNESCO tại Việt Nam tài trợ Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam. Dự án mô hình trường học mới (Dự án GPE-VNEN) với 1447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố.

Nguyên tắc các trường tham gia Dự án là tự nguyện và tập trung hỗ trợ các địa phương còn nhiều khó khăn, có học sinh dân tộc thiểu số và có kết quả học tập môn Tiếng Việt và môn Toán thấp, các tỉnh có điều kiện kinh tế trung bình, mỗi huyện được 1 đến 3 trường tiểu học tham gia dự án làm hạt giống cho huyện; các tỉnh có điều kiện kinh tế thuận lợi, mỗi tỉnh được 1 trường làm hạt giống.

Triển khai mô hình tại các trường trong phạm vi dự án: Năm học năm học 2012 - 2013, Dự án Mô hình trường học mới triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số trường tham gia Dự án là 1.447 trường (Nhóm 1: gồm 20 tỉnh vùng núi khó khăn, có học sinh dân tộc thiểu số: 1.143 trường; Nhóm 2: gồm 21 tỉnh trung bình: 282 trường; Nhóm 3: gồm 22 tỉnh thuận lợi: 22 trường), tổng số điểm lẻ: 1.848 điểm, tổng số học sinh tham gia VNEN là 43.8274 học sinh/1.447 trường.

Triển khai nhân rộng mô hình: Ngoài 1.447 trường thuộc Dự án, theo từng năm học, số trường tiểu học tự nguyện áp dụng mô hình VNEN tăng lên. Cụ thể:

Năm học 2013 - 2014, có 20 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này ở các trường ngoài dự án với 257 trường/tổng số học sinh là 62.064 học sinh.

Năm học 2014 - 2015, có 20 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này với 987 trường/tổng số học sinh là 133.562 học sinh.

Năm học 2015 - 2016, có 54 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng mô hình này với 2.245 trường/tổng số học sinh là 450.445 học sinh.

Năm 2016 - 2017, các trường tiểu học thuộc Dự án là 1.370 trường, giảm 73 trường của Hà Giang và 4 trường của các tỉnh khác do sáp nhập trường; có 3.067 trường không thuộc Dự án tự nguyện tham gia áp dụng mô hình.

Từ năm học 2014 - 2015, mô hình trường học mới cấp THCS được triển khai thực nghiệm tại 6 tỉnh (Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Kon Tum), mỗi tỉnh 2 huyện, mỗi huyện 2 trường, mỗi trường 2 lớp 6 (tổng số 48 lớp).

Qua thực nghiệm, mô hình tổ chức lớp học và tổ chức nhà trường cùng với tài liệu hướng dẫn học đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với đối tượng học sinh trung học cơ sở và điều kiện của các nhà trường hiện nay.

Từ năm học 2015 - 2016, Bộ triển khai mở rộng mô hình trường học mới cấp trung học cơ sở đối với lớp 6 trên tinh thần tự nguyện (đáp ứng nhu cầu của học sinh đã học xong lớp 5 từ 1.447 trường tiểu học tham gia Dự án GPE-VNEN), trong đó có 1.214 trường với 2.980 lớp.

Năm học 2016 - 2017, số trường thực hiện mô hình trường học mới đối với lớp 6 là 1.161 trường với 2.995 lớp, lớp 7 là 1.035 trường với 2.514 lớp.

Kết quả sau 3 năm triển khai

Sau 3 năm triển khai cho thấy mô hình trường học mới có nhiều điểm tích cực: Tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường.

Theo đó, cán bộ quản lý và giáo viên đã tích cực tự tìm tòi, nghiên cứu để triển khai mô hình trường học mới. Việc tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới tạo được không khí vui tươi và thuận lợi cho quá trình tổ chức các hoạt động học tập, tăng cường được mối liên hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhà trường với phụ huynh học sinh và cộng đồng.

Giáo viên bước đầu đã biết tổ chức hoạt động học cho học sinh theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực thông qua các hoạt động học trong mỗi bài học của mô hình trường học mới; giờ học đã cởi mở hơn, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh gần gũi, thân thiện hơn.

Học sinh đã bước đầu bắt nhịp được với hình thức học tập mới; tích cực và tự lực hơn trong học tập; bước đầu biết trao đổi thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm; có tiến bộ trong giao tiếp, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.

Đánh giá không chỉ đo lường kết quả học tập học sinh như trước đây, mô hình còn đánh giá quá trình học tập và sự vận dụng kết quả học tập của học sinh, để hướng dẫn học sinh học tập tốt hơn.

Coi trọng đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Học sinh tự đánh giá và đánh giá bạn. Cha mẹ học sinh cùng tham gia vào quá trình đánh giá học sinh.

Tổ chức hoạt động học tập, hoạt đông giáo dục có thể diễn ra ngoài lớp, ngoài nhà trường. Cha mẹ học sinh có thể đến thăm lớp học, ngồi học cùng với con tại lớp học. Cộng đồng có thể chủ động đưa các nội dung giáo dục phù hợp vào nhà trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của một số địa phương nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông… dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Tài liệu hướng dẫn học vẫn còn một số nội dung chưa logic, không đồng bộ, bất cập (như một số tên bài chưa gắn với mục tiêu bài học, một số bài chưa phù hợp, nội dung thiếu, mắc lỗi kỹ thuật, dung lượng kiến thức lớn, hình minh họa không rõ…).

Tập huấn chưa đầy đủ, chu đáo, chưa thực sự làm tốt khâu tuyên truyền đến cộng đồng. Những bất cập nói trên đã được Bộ GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Kế hoạch triển khai từ năm học 2016 - 2017

Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở GD&ĐT tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để đảm bảo thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục; đồng thời chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng.

Cụ thể: Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Triển khai hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về bản chất của mô hình trường học mới; thấy rõ hơn nguyên nhân của những hạn chế trong việc triển khai mô hình trường học mới trong thời gian qua và có những điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn.

Mô hình trường học mới được Ngân hàng thế giới và UNESCO hỗ trợ để các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới thiết kế cho các nước đang phát triển và được triển khai thành công ở một số nước, hiện nay đã được nhiều nước khác áp dụng. 

Mô hình này đã giành được một số giải thưởng quốc tế và được Ngân hàng Thế giới cũng như UNESCO đánh giá là một trong ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện giáo dục của các nước đang phát triển. 

Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam tham quan mô hình tại Colombia và đề xuất Tổ chức Hợp tác giáo dục toàn cầu tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng.

Quan điểm về thiết kế mô hình trường học mới: Nghiên cứu lựa chọn cách làm hay để vận dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam, đồng thời kế thừa những gì Việt Nam đã có để xây dựng mô hình phù hợp với thực tiễn. 

Mô hình trường học mới tại Việt Nam cũng dựa vào những thành tựu khoa học giáo dục tiến tiến của thế giới, dựa trên quy luật nhận thức và những thành tựu tiên tiến của khoa học giáo dục, được thiết kế thành các bước chung cho các nội dung học tập và hoạt động giáo dục. 

Bộ GD&ĐT chủ trương thiết kế mô hình trường học mới Việt Nam theo định hướng phát triển năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. 

Để thực hiện định hướng trên, mô hình tập trung vào đổi mới 5 nội dung cơ bản: (i) Đổi phương pháp dạy; (ii) Đổi mới phương pháp học; (iii) Đổi mới phương pháp đánh giá học sinh; (iv) Đổi mới tổ chức lớp học; (v) Đổi mới sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong quá trình giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.