Cụ thể, với phân môn này, Sở GD&ĐT lưu ý những nội dung sau:
Hướng dẫn học sinh làm bài tập:
Giáo viên yêu cầu học sinh đọc kĩ đề bài (câu hỏi, nhiệm vụ...), rèn cho các em xác định rõ yêu cầu của bài tập (Thể loại gì? Nội dung viết về ai? Viết về cái gì? Viết như thế nào?...) bằng hệ thống câu hỏi, lời giải thích...
Trước khi làm bài tập, giáo viên cần cho học sinh nhắc lại kiến thức (lý thuyết) đã học có liên quan đến bài tập.
Sau khi học sinh làm bài tập, nhất là bài tập lập dàn ý hay bài tập luyện nói, giáo viên tổ chức cho học sinh chia sẻ bài làm của mình với các bạn trong nhóm hoặc trong lớp để các em học tập và có thêm nhiều ngữ liệu khi làm bài tập viết vào vở hoặc vào giấy. Học sinh có thể dán sản phẩm bài viết cá nhân (nếu viết vào giấy) vào góc học tập để các bạn trong lớp tham khảo, chia sẻ.
Ví dụ, đề bài: Em hãy lập dàn ý bài văn tả một con vật nuôi mà em yêu quý.
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh thực hiện như sau:
Giáo viên yêu cầu học sinh đọc kĩ đề bài, xác định thể loại: Văn tả con vật; nội dung: Lập dàn ý bài văn tả con vật nuôi mà em yêu quý.
Giáo viên yêu cầu học sinh nhắc lại lý thuyết: Dàn ý chung của bài tập làm về văn tả con vật.
Học sinh xác định con vật chọn để miêu tả (Con vật gì? ở đâu?...) và dựa trên lý thuyết về dàn ý chung của bài tập làm văn về tả con vật để làm bài tập/thực hiện nhiệm vụ.
Học sinh chia sẻ bài tập của mình trong nhóm/trước lớp hoặc dán sản phẩm bài viết vào góc học tập để các bạn trong lớp tham khảo (giáo viên theo dõi hỗ trợ, góp ý, chỉnh sửa khi cần thiết).
Hướng dẫn học sinh tự đánh giá kết quả học tập:
Kĩ năng viết đoạn văn, bài văn của học sinh chủ yếu được rèn qua hình thức học cá nhân (học sinh tự viết đoạn văn, bài văn theo yêu cầu), vì vậy giáo viên cần kiểm soát được kết quả hoạt động tự học của từng học sinh, đảm bảo sao cho học sinh nào cũng làm việc, cũng hiểu đúng và viết đúng với yêu cầu của đề bài.
Đối với việc kiểm soát kết quả, chữa lỗi bài viết:
Giáo viên cần hướng dẫn học sinh tự kiểm soát kết quả học tập bằng cách tự đọc lại bài viết của mình để bước đầu tự phát hiện lỗi và chữa lỗi trong bài viết. Sau đó học sinh đổi bài cho bạn bè đọc bài của nhau hoặc trình bày, chia sẻ bài viết của mình trong nhóm/trước lớp.
Nếu học sinh chưa có kĩ năng góp ý, chữa bài cho bạn thì giáo viên có thể chọn một số bài viết của học sinh, nhất là học sinh viết chưa tốt để chữa lỗi nhằm kịp thời uốn nắn, điều chỉnh cho các em.
Qua việc kiểm soát kết quả, chữa lỗi bài viết của học sinh nếu phát hiện những lỗi mà nhiều học sinh trong lớp mắc phải, giáo viên có thể tổ chức chữa lỗi chung cho cả lớp. Giáo viên cũng có thể chọn một số bài viết hay, đạt yêu cầu hoặc những bài viết hay do các nhóm bình chọn để học sinh tự đọc, trình bày trước lớp cho các bạn tham khảo, học tập.