Sách cũ cho năm học mới
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, năm học 2021-2022 đang đến gần, để đảm bảo sách cho học sinh, Sở GD&ĐT đã có văn bản triển khai xuống các cơ sở giáo dục. Trong đó, giới thiệu các đơn vị cung ứng sách cho phụ huynh, học sinh được biết.
Sở cũng làm việc với các nhà sách đề nghị cung ứng sách đến vùng sâu, vùng xa, đến tận trường cho học sinh. Đặc biệt, ngành Giáo dục cũng đã thực hiện một số chương trình nhằm hỗ trợ sách cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, ngày 15/5, Sở ban hành Công văn về việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức chương trình “Sách cũ cho năm học mới”. Đây cũng là lần đầu tiên Sở phát động phong trào này nên đơn vị đã hướng dẫn triển khai cho các đơn vị ngay trước khi kết thúc năm học.
Đồng thời, triển khai song song nhiều chương trình như “Điều ước cho em” từ ngày 15/5/2021 đến ngày 30/6/2021 và phát huy vai trò của “Tủ sách dùng chung” ở các trường. Ngoài ra, còn huy động nhiều nguồn hợp pháp khác nhau, trong đó có xã hội hoá, ngân sách, từ cá nhân, tổ chức để đảm bảo năm học mới học sinh không thiếu SGK.
Do đây là lần đầu tiên Sở phát động phong trào này nên thường xuyên đôn đốc các trường trực thuộc, các Phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn và theo dõi các đơn vị tổ chức chương trình “Sách cũ cho năm học mới”.
Kết quả từ chương trình phải đảm bảo điều phối giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ngay trong trường, trong lớp, trên địa bàn. Sau đó phân phối SGK huy động được từ vùng thuận lợi đến các vùng khó khăn và phân bổ cho các địa bàn khác.
Để phong trào thiết thực, đi vào chiều sâu và lan tỏa trong những năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT giữ vai trò kết nối, tạo dựng mô hình, tổng hợp thông tin và có những hình thức để ghi nhận kết quả của chương trình, đồng thời thành lập Tổ tình nguyện, kết nối nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, Sở chỉ đạo các cơ sở tham mưu UBND cấp huyện về việc thành lập và giao nhiệm vụ cho Tổ tình nguyện tại các xã nhằm giữ mối liên hệ, tiếp nhận đóng góp của các cá nhân, nhà trường, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành với chương trình “Điều ước cho em”, “Sách cũ cho năm học mới”, cũng như triển khai những chương trình ý nghĩa khác.
Kết nối yêu thương
Ngành giáo dục Kon Tum đặc biệt quan tâm đến học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo. Bởi các em cần được hỗ trợ về mọi mặt để đảm bảo các điều kiện học tập, góp phần giữ vững và tăng tỷ lệ chuyên cần, giảm thiểu tỷ lệ bỏ học hằng năm. Đối với vấn đề hỗ trợ SGK, Sở chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập danh sách học sinh nghèo, học sinh DTTS cần được hỗ trợ về sách.
Bên cạnh chương trình “Sách cũ cho năm học mới”, trong nhiều năm học, mô hình tủ sách dùng chung ở thư viện của các trường phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, giải quyết được cho học sinh thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường đảm bảo có sách để học.
Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chú trọng việc bảo quản, giữ gìn sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Khi mượn, học sinh cam kết phải có trách nhiệm bảo quản sách được sạch sẽ.
Theo ông Vinh, việc tận dụng SGK cũ sử dụng trong năm học mới không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết quả học tập của các em. Bởi số SGK sau khi được học sinh quyên góp, nhà trường sẽ kiểm tra, chọn lọc những sách đảm bảo chất lượng. Sau đó phân theo lớp, theo môn đảm bảo chất lượng cho học sinh khi sử dụng học tập. Đối với những cuốn sách mờ chữ, mất trang nhà trường tiến hành loại bỏ.
“Một điều đặc biệt của chương trình này là học sinh gom SGK của mình, bao bọc cẩn thận thành một món quà trân trọng. Sở cũng khuyến khích các em kèm một tấm thiệp tự làm hoặc viết một bức thư, ghi một lời chúc gửi đến người bạn nhận quà…
Thông qua hoạt động này, đơn vị mong muốn giáo dục ý thức đạo đức và trách nhiệm cộng đồng của các em học sinh. Đồng thời biết chia sẻ, kết nối yêu thương, phát triển phẩm chất nhân ái, nghĩa tình”, ông Vinh chia sẻ.