Theo đó, nội dung giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum cấp trung học gồm 3 lĩnh vực: Văn hoá – Lịch sử truyền thống; Địa lý- Kinh tế - Môi trường và Chính trị - Xã hội, hướng nghiệp.
Mỗi lĩnh vực được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Mức độ tích hợp được thể hiện ở 3 cấp độ, gồm: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục của 3 lĩnh vực); tích hợp nội dung lĩnh vực này trong những phần phù hợp với lĩnh vực khác; tích hợp theo các chủ đề chung.
Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum với mục tiêu trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…
Qua đó, giúp học sinh hiểu được những nét văn hoá đặc trưng của địa phương. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn những giá trị văn hoá của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hoá, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Chương trình cũng quy định phương pháp giáo dục, cụ thể như: vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học tích cực nhằm phát huy tối đa tính tự giác, sáng tạo của học sinh.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thực hành, ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống địa phương.
Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các thiết bị dạy học như: mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử….
Bên cạnh đó, sử dụng bản đồ, sơ đồ các bản thống kê, so sánh… phim video, các phiếu học tập có các nguồn sử liệu, phần mềm dạy học… nhằm minh hoạ bài giảng của giáo viên và hỗ trợ các hoạt động học tập của học sinh.
Không những vậy, nội dung giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Đặc biệt gắn với môi trường, cuộc sống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa phương.
Về đánh giá kết quả giáo dục, mục tiêu là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của nội dung GDĐP tỉnh Kon Tum và sự tiến bộ của học sinh để nhà trường hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.
Căn cứ đánh giá là yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù của nội dung GDĐP được quy định trong Chương trình tổng thể và nội dung GDĐP.
Bên cạnh đó, tăng cường đánh giá các kĩ năng của học sinh như: làm việc với bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát, thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin, sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời, sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập...
Đánh giá khả năng vận dụng tri thức vào những tình huống cụ thể, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức nội dung GDĐP làm trung tâm của việc đánh giá.
Đa dạng hóa các hình thức đánh giá, tăng cường đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, sản phẩm học tập...
Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì. Trên cơ sở đó tổng hợp việc đánh giá chung về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của học sinh.