Hà Nội: Hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương

GD&TĐ - Ngày 2/12, Quận ủy, UBND quận Hoàng Mai, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) tổ chức hội thảo xây dựng tập bài giảng lịch sử truyền thống, lịch sử cách mạng quận Hoàng Mai.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội, các cơ quan chuyên môn của quận Hoàng Mai cùng đông đảo các cán bộ quản lí, giáo viên trên địa bàn quận.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, bà Trương Thu Hà- Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo quận Hoàng Mai, Phòng GD&ĐT quận đã chủ trì biên soạn “Tập bài giảng lịch sử truyền thống, lịch sử cách mạng quận Hoàng Mai” để giảng dạy trong các trường học trên địa bàn quận, đến nay đã cơ bản hoàn thiện bản thảo tập bài giảng.

Tập bài giảng Lịch sử truyền thống, cách mạng quận Hoàng Mai gồm 3 phần: Lịch sử truyền thống, văn hóa vùng đất Hoàng Mai (gồm 7 bài học); Lịch sử truyền thống Cách mạng của Đảng bộ, nhân dân quận Hoàng Mai (gồm 3 bài học); phần phụ lục (gồm 8 mục giới thiệu về các hình ảnh, sự kiện nhân vật tiêu biểu).

Trong quá trình biên soạn, Ban soạn thảo đã chú ý chọn lọc và chuẩn bị chính xác các nội dung thông tin, hình ảnh, các sự kiện tiêu biểu, bao quát trên các lĩnh vực, đáp ứng mục đích sử dụng của bộ tài liệu là giảng dạy trong các nhà trường.

Nội dung các bài giảng đã được lựa chọn công phu, những tư liệu và tính tiêu biểu chọn lọc nhất với tiêu chí chính xác, khoa học, đồng thời phù hợp với mục đích sử dụng của tài liệu dùng để giáo dục, tuyên truyền truyền thống tốt đẹp của địa phương trong cộng đồng.

Mỗi bài giảng đều cung cấp nguồn tư liệu liên quan đến một vấn đề, một khía cạnh tiêu biểu của quận được sắp xếp theo hệ thống giúp giáo viên dễ dàng sử dụng. Các nội dung đề cập ở mỗi bài giảng đều được dựa trên nguồn tư liệu phong phú, đa dạng. Phụ lục là những nguồn tư liệu chính thống được chắt lọc lựa chọn thẩm định, đảm bảo tính khách quan chính xác.

Đặc biệt trong phần gợi ý bài giảng còn có các hoạt động trải nghiệm, giáo dục cho học sinh để các con tự hào, trân trọng về những đóng góp của nhân dân Hoàng Mai trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, tự hào về tinh thân dân tộc, truyền thống lao động sản xuất, đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc của các thế hệ nhân dân.

Đại biểu tham luận tại hội thảo
Đại biểu tham luận tại hội thảo

Tham luận tại hội thảo, TS Lê Thị Sông Hương đến từ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Tài liệu đã lựa chọn được những nét đặc sắc, tiêu biểu mang tính đặc thù của địa phương, cập nhật được những thông tin tư liệu mới nhất, có tính khoa học và thực tiễn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của quận trong việc xác định hướng đi phát triển bền vững cho địa phương.

Tập bài giảng đáp ứng kịp thời chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước, của Bộ GD&ĐT, cập nhật kịp thời các mục tiêu về nội dung và phương pháp giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dưới góc nhìn của chuyên gia làm chương trình giáo dục địa phương, PGS.TS Phan Ngọc Huyền- giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi: Quận Hoàng Mai chủ động tổ chức biên soạn tài liệu là việc làm rất ý nghĩa. Việc hiện thực hóa thành tài liệu là điều đáng quý, giúp chủ động đón nhận và cập nhật chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo ra tài liệu chung, thống nhất cho các thầy cô giáo trên địa bàn.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Phong- Phó bí thư thường trực Quận ủy Hoàng Mai cảm ơn những ý kiến tham luận của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng những kiến nghị, đề xuất bổ sung, hoàn thiện tập bài giảng.

Tập bài giảng là một công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ học sinh Hoàng Mai, đưa Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Kết quả hội thảo là cơ sở, căn cứ để Ban biên soạn tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, nâng cao chất lượng bản thảo để được tổ chức nghiệm thu, in ấn xuất bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ