Trong khi chờ phê duyệt bộ tài liệu giáo dục địa phương, nhiều trường học, giáo viên (GV) đã linh hoạt, sáng tạo đưa nội dung này vào dạy học một cách phù hợp và hiệu quả.
Giáo viên chủ động thời lượng dạy học
Cô Nguyễn Thị Tuyên – GV Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhìn nhận: Di sản văn hóa ở địa phương gắn liền với lịch sử và niềm tự hào của quê hương, các thế hệ đi trước. Việc gìn giữ và bảo tồn di sản địa phương là điều vô cùng cấp thiết.
Để di sản trở nên gần gũi và phát huy giá trị vốn có của nó, việc sử dụng di sản trong dạy học lịch sử địa phương cần được khéo léo đưa vào trong các giờ học giúp HS tìm thấy niềm vui trong môn học. Từ đó, các em tự lĩnh hội kiến thức, gắn bó với lịch sử quê hương - một bộ phận không thể tách rời với lịch sử đất nước, dân tộc. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc cũng bắt nguồn từ đó.
Theo cô Tuyên, tài liệu về di sản là nguồn kiến thức góp phần bổ sung, cụ thể hóa và làm phong phú nội dung dạy học. Nhưng do quy định số trang có hạn, sách giáo khoa ít đề cập tới; thời gian để dành cho dạy lịch sử địa phương còn hạn chế, nên mỗi GV cần chủ động thời lượng dạy học đưa lịch sử địa phương vào giờ học.
Trong giờ dạy của mình, cô Tuyên chủ động chọn lọc những tài liệu điển hình nhất, sắp xếp các tài liệu đó thành hệ thống phù hợp với tiến trình bài học; kết hợp với các phương tiện trực quan, kĩ thuật để làm cho bài học sinh động hơn. Tùy vào những mục đích, cô tiếp cận với di sản ở những góc độ khác nhau như: Mạng Internet, tài liệu của địa phương, nhân chứng sống, các bài báo...
Cô Tuyên chia sẻ: Để việc học gần gũi và hấp dẫn, GV hướng dẫn HS tìm kiếm tư liệu, cách thức tiếp cận với di sản, sưu tầm thông tin liên quan đến bài học, chụp ảnh tư liệu phục vụ bài thuyết trình trên lớp. Bên cạnh đó GV có thể hướng dẫn HS biết khai thác và sử dụng di sản để tổ chức chuyên đề, làm tập san, hoặc phục vụ cho bài học lịch sử có liên quan đến di sản.
Tổ chức phân công cho mỗi lớp hoặc các nhóm HS về những nội dung cụ thể để tổ chức chuyên đề hoặc tiết tọa đàm, nói chuyện về di sản, trưng bày và góp phần xây dựng phòng học bộ môn để phục vụ việc dạy học lâu dài, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.
Mỗi nhà giáo một cách làm sáng tạo
Giáo dục địa phương là nội dung có chiều sâu, tuy nhiên, để cuốn hút HS, tránh sự nhàm chán khi dạy các chủ đề liên quan là điều không dễ dàng. Hiểu được điều này, thầy Nguyễn Hồng Quân – GV Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) đã xây dựng bài giảng E-learning “Truyền thống khoa bảng - làng Hạ Yên Quyết” nhằm chuyển tải đến HS truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cụ thể ở đây là truyền thống học tập của người dân làng Hạ Yên Quyết, phường Yên Hòa, Hà Nội.
Bài giảng là sự gắn bó mật thiết giữa tri thức và việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong học tập và giảng dạy. Từ đó, truyền thống khoa bảng của làng Hạ Yên Quyết - đã “thấm” đến từng HS. Các em đón nhận một cách hào hứng và thích thú bài giảng của thầy qua sự hỗ trợ phong phú, sinh động của CNTT…
Còn với cô Lê Thị Thanh Thủy - GV Trường THCS Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã “hút” HS vào những giờ giáo dục địa phương với những minh chứng cụ thể từ chính nơi các em sinh sống và học tập.
Cô Thủy cho biết: Phù Đổng là vùng văn hóa vô cùng đa dạng, đặc sắc nhất là Lễ hội Gióng. Khi về dạy tại Trường THCS Phù Đổng, tôi thấy cứ đến hội Gióng, HS lại xin nghỉ học để tham gia vào các vai ông Hiệu, áo Đỏ, áo Đen, cô Tướng... Tuy nhiên, khi hỏi về ý nghĩa của các vai diễn này thì hầu như các em không trả lời được.
Để giúp HS có hiểu biết đầy đủ nhất về các vai xã hội trong kịch trường dân gian lễ hội và truyền thống văn hóa quê hương mình, cô Thủy đã xây dựng các tiết dạy ngoại khóa theo chủ đề Phù Đổng – Văn hóa và Di sản. Chủ đề có ba tiết, hình thức dạy học theo dự án, nội dung các bài dạy do cô tự thiết kế xây dựng theo mục tiêu đề ra và nằm ngoài chương trình chính khóa.
Với sản phẩm dạy học này, cô Thủy đã giải được bài toán, đó là giúp HS hiểu được ý nghĩa sâu xa của Lễ hội Gióng và quần thể di tích đa dạng của Phù Đổng; góp phần lưu giữ phát huy những giá trị không chỉ cho riêng Phù Đổng mà còn cho cả Thủ đô trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo cô Thủy, các sản phẩm dạy học này vẫn có thể tiếp tục được sử dụng để giảng dạy trong nhiều năm tại địa phương mà không bị ảnh hưởng từ việc thay sách giáo khoa và Chương trình giáo dục phổ thông mới.