Kit test chẩn đoán Alzheimer không cần chụp, chiếu

GD&TĐ - Kit test có khả năng chẩn đoán nhanh căn bệnh Alzheimer mà không cần tới các thiết bị chụp chiếu và xét nghiệm phức tạp.

TS Hà Thị Thanh Hương hy vọng sớm thương mại hóa kit test phát hiện bệnh Alzheimer.
TS Hà Thị Thanh Hương hy vọng sớm thương mại hóa kit test phát hiện bệnh Alzheimer.

Phát hiện bệnh không cần chụp chiếu

Alzheimer (viết tắt là AD) là một dạng bệnh suy thoái thần kinh có diễn tiến liên tục, không thể đảo ngược. Bệnh khởi phát từ sự chết của tế bào thần kinh tích tụ qua nhiều năm. Khi mang bệnh, bệnh nhân có thể đối mặt với những suy giảm trầm trọng ở khả năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp và khả năng tự chăm sóc bản thân.

Kit test chẩn đoán Alzehimer là sản phẩm của TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM và cộng sự. Nghiên cứu được kì vọng sẽ giúp phát hiện sớm căn bệnh Alzheimer mà không cần tới các thiết bị chụp chiếu và xét nghiệm phức tạp.

TS Hà Thị Thanh Hương cho biết, các phương pháp chẩn đoán bệnh Alzheimer hiện tại rất tốn kém và xâm phạm về mặt y tế, thường liên quan đến quét não hoặc chọc dò tủy sống. Để chẩn đoán bệnh Alzheimer chính xác, cần có sự phối hợp thăm khám của nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh Alzheimer. Các phương pháp chẩn đoán hiện tại hầu hết chỉ dựa vào đánh giá nhận thức và sự thay đổi của cấu trúc não.

Các phương pháp này chỉ có thể phát hiện giai đoạn muộn của bệnh, khi các triệu chứng lâm sàng đã biểu hiện và tổn thương não không còn phục hồi được. Vì hầu hết các liệu pháp điều trị hiện nay chỉ nhắm vào giai đoạn muộn và đã được chứng minh là không đem lại hiệu quả.

Nhằm giúp người bệnh giảm bớt sự đau đớn và hạn chế chi phí khám bệnh, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại kit test Alzheimer sử dụng dấu ấn sinh học có trong huyết tương là protein p-tau 217.

TS Hà Thị Thanh Hương nhắm đến việc áp dụng một xét nghiệm siêu nhạy đã được xác minh là hoạt động hiệu quả với p-tau 181, một dấu ấn sinh học có nồng độ thấp trong máu.

Bằng cách áp dụng các nguyên tắc điện hóa, phương pháp này rất tiềm năng trong việc mang lại độ chính xác cao với giới hạn phát hiện và định lượng tối thiểu, đảm bảo phát hiện được sự thay đổi nồng độ p-Tau trong mẫu máu dù là nhỏ nhất để phân biệt bệnh nhân Alzheimer với nhóm chứng.

Chẩn đoán và tiên lượng bệnh sớm

Theo TS Hà Thị Thanh Hương, bộ kit này sẽ dựa trên dấu ấn sinh học là protein p-tau 217 - chỉ dấu không chỉ có giá trị chẩn đoán sớm mà có thể tiên lượng tiến triển của bệnh Alzheimer. Dựa trên hàm lượng protein p-tau 217 có thể biết được bệnh nhân trong những năm tới bệnh tiến triển nhanh hay chậm.

Để hiện thực hóa việc tạo ra kit test Alzheimer, nhóm nghiên cứu phát triển một cảm biến miễn dịch tiêu hóa. Trên cảm biến này có gắn các vật liệu nano tại các điểm cựu và thử nghiệm với nồng độ khác nhau để xác định độ nhạy, độ đặc hiệu, sau đó mới tiến tới bước thử nghiệm lâm sàng.

Theo TS Hà Thị Thanh Hương, nhóm nghiên cứu kỳ vọng việc tạo ra kit test này sẽ tạo ra phương pháp phát hiện bệnh thoái hóa thần kinh Alzheimer tại chỗ mà không cần phải sử dụng những thiết bị chẩn đoán từ bệnh viện.

Từ đó, việc thực hiện chẩn đoán sớm căn bệnh nan y này có thể được thực hiện bởi các bác sĩ ở trung tâm y tế quận, huyện mà không cần tới sự tham gia của các thiết bị máy móc chụp chiếu hiện đại như phương pháp truyền thống hiện nay.

TS Hà Thị Thanh Hương tốt nghiệp tiến sĩ ngành Thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ) năm 2018, sau đó chị trở về Việt Nam nhằm tìm kiếm những giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, góp phần tăng cao sức khỏe trí tuệ và tinh thần của người Việt Nam.

Các nghiên cứu về bệnh Alzheimer được TS Hương theo đuổi nhiều năm qua. Năm 2020 chị từng được giải thưởng và nhận tài trợ thực hiện nghiên cứu liên quan đến chẩn đoán bệnh Alzheimer.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu về bệnh Alzheimer chị cho biết cần phát triển cách tiếp cận mới để có sản phẩm công nghệ thuận tiện hơn trong việc chẩn đoán sớm căn bệnh này.

Nhóm nghiên cứu của TS Hương đã kết nối Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 30-4, cũng như các nhóm chẩn đoán phân tử từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Bách khoa TPHCM để hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Trước đó, vào ngày 22/12/2022, Nhật Bản đã phê duyệt bộ xét nghiệm máu có khả năng chẩn đoán căn bệnh Alzheimer do Tập đoàn Sysmex phát triển. Bộ xét nghiệm máu phát hiện bệnh Alzheimer của Sysmex được phát triển dựa trên việc xác định mức độ tích tụ amyloid beta trong não người bệnh. Amyloid beta được biết đến là một loại protein bất thường gây tắc nghẽn các tế bào thần kinh trong não và là dấu hiệu của bệnh Alzheimer.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.