Kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

GD&TĐ - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (cao gần gấp 4 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm). Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

Hệ lụy của việc sử dụng thuốc lá còn làm gia tăng tình trạng đói nghèo, mà  nguyên nhân của tình trạng này do: Ở các hộ gia đình nghèo sử dụng thuốc lá lấy đi một phần ngân sách hộ gia đình mà lẽ ra đã có thể dùng cho những tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, giáo dục, mua sắm tư liệu sản xuất, là những điều kiện cần thiết giúp họ giảm nghèo.

Một trong những tác động tức thời của việc tăng thuế thuốc lá có thể làm giảm mức độ bệnh tật và tỷ lệ tử vong liên quan đến thuốc lá, giảm đói nghèo. Và do đó, tăng thuế còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước và cải thiện năng suất lao động.

Để phòng, chống tác hại thuốc lá, một số nước trên thế giới áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc cải cách chính sách thuế thuốc lá, cụ thể:

Thái Lan: Trong giai đoạn 1994 - 2012, Chính phủ Thái Lan thực hiện 10 lần tăng thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá của Thái Lan đã tăng từ 65% lên 87% (nếu áp dụng cách tính của Việt Nam, thì mức thuế 87% trên giá bán lẻ của Thái Lan hiện nay tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng của Việt Nam). Lợi ích Quốc gia này đạt được đó là: Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 59% năm 1991 xuống 41,6% năm 2011. Thu ngân sách Chính phủ tăng ba lần (từ 20 tỷ Bath năm 1994 lên gần 60 tỷ Bath năm 2012), trong khi đó sản lượng nội địa vẫn dao động khoảng 2 tỷ bao/năm. Ước tính số ca tử vong sớm tránh được từ việc áp dụng chính sách thuế là khoảng 300 nghìn người trong giai đoạn 1991 - 2026.

Phillipines: Năm 2012, Chính phủ Philiipines tiến hành cải cách chính sách thuế, theo đó, đặt ra lộ trình để thống nhất một mức thuế vào năm 2017 và tăng mạnh thuế với các sản phẩm thuốc lá trong 5 năm tới và từ 2018 điều chỉnh thuế hàng năm với mức tăng 4%. Nhờ có cải cách thuế, ngân sách dành cho y tế năm 2014 đã tăng 57% so với mức năm 2013 và số tiền đó giúp Chính phủ tăng số hộ nghèo được hưởng bảo hiểm y tế từ 5,2 triệu lên 14,7 triệu gia đình.

Thổ Nhĩ Kỳ: thực hiện 3 lần tăng thuế và tăng mức sàn thuế đơn vị vào 2005, 2010 và 2011, giá thuốc lá giai đoạn này đã tăng 195%, những lợi ích mà quốc gia này thu được là: Mức tiêu thụ thuốc lá giảm từ 106,7 tỷ điếu năm 2005 xuống còn 90,8 tỷ điếu vào năm 2011; Doanh thu từ thuế thuốc lá của Chính phủ tăng 124% (từ 7,1 tỷ Lira năm 2005 lên 15,9 tỷ Lira năm 2011; Ước tính cho thấy tăng giá thuốc lá năm 2010 làm giảm số người hút thuốc tới 590.000 người và cứu sống 340.000 người.

Pháp: Kinh nghiệm của Pháp cho thấy, trong giai đoạn 1980-2010, giá tương đối của thuốc lá đã tăng 300%, mức tiêu thụ thuốc lá bình quân trên nam giới trưởng thành đã giảm một nửa, thu ngân sách của Chính phủ tăng hai lần và tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới trưởng thành giảm rõ rệt.

Tại Việt Nam: nhận thức rõ tác hại của thuốc lá cũng như nguy cơ của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chương trình, biện pháp để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường không khói thuốc, góp phần giảm bệnh tật, nâng cao sức khỏe cho người dân. Chúng ta cũng đã điều chỉnh thuế về một mức năm 2006 và tăng thuế năm 2008, thực tế đã chứng minh tiêu dùng thuốc lá giảm vào năm 2008 (3.897 triệu bao năm 2007 xuống còn 3.571 triệu bao năm 2008, trong khi doanh thu thuế thu được từ 2008 cao hơn so với 2007 là hơn 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù WHO nhận định Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong sớm và mất năng suất lao động ước tính 1 tỷ USD mỗi năm nhưng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng bước đầu về kiểm soát thuốc lá. Đặc biệt, nỗ lực phòng, chống thuốc lá ở Việt Nam được WHO đánh giá cao vì là một trong số ít quốc gia ban hành "Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá" và là 1 trong 20 quốc gia thành lập được "Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá" trong tổng số 180 nước ký WHO FCTC.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ