Bệnh loãng xương có nguyên nhân từ hút thuốc lá

GD&TĐ - Có rất nhiều hệ lụy cho sức khoẻ được biết đến đối với người sử dụng thuốc lá. Điển hình, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh tim, ung thư phổi và thực quản, bệnh phổi mãn tính…Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc còn là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương và gãy xương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là thông tin được công bố trong tài liệu của Viện nghiên cứu Y học – Xã hội học (www.vquit.vn) - cổng thông tin điện tử hỗ trợ cai thuốc lá/thuốc lào tại Việt Nam. Trong đó chỉ rõ mối liên hệ của bệnh loãng xương và hút thuốc lá. Đồng thời cũng khuyến cáo và hướng dẫn cách cai nghiện thuốc lá để ngăn ngừa nguy cơ mắc chứng bệnh nguy hiểm này.

Sự thật về loãng xương

Loãng xương là một tình trạng trong đó xương yếu đi và có nhiều nguy cơ bị gãy. Gãy xương do loãng xương có thể dẫn đến đau đớn và tàn phế.

Ngoài việc hút thuốc, các yếu tố nguy cơ gây loãng xương bao gồm: Khung xương nhỏ hoặc yếu; Tiền sử gia đình; Mãn kinh và đặc biệt là mãn kinh sớm; Mất kinh/vô kinh; Sử dụng các loại thuốc nhất định trong thời gian dài, như thuốc dùng để điều trị bệnh lupus, hen suyễn, suy giảm tuyến giáp và co giật; Lượng canxi hấp thụ vào thấp; Thiếu hoạt động thể chất; Uống nhiều rượu bia và đồ uống có cồn.

Tuy vậy, tài liệu cũng nhấn mạnh, loãng xương có thể phòng ngừa được. Loãng xương được biết đến như là một căn bệnh "thầm lặng" bởi vì nếu không được phát hiện thì việc mất xương có thể tiến triển trong nhiều năm mà không có triệu chứng cho đến khi có việc gãy xương xảy ra.

Loãng xương được gọi là bệnh xảy ra ở thời thiếu niên với hậu quả khi tuổi già bởi vì việc làm cho xương khỏe mạnh khi còn trẻ sẽ giúp ngăn ngừa loãng xương và gãy xương sau này. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ là quá muộn để áp dụng các thói quen mới cho xương khỏe mạnh.

Mối liên hệ: Hút thuốc và loãng xương

Hút thuốc lá lần đầu tiên được xác định là một yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương hàng thập kỷ trước. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ trực tiếp giữa việc sử dụng thuốc lá và giảm mật độ xương. Phân tích tác động của việc hút thuốc lá đối với sức khoẻ của xương rất phức tạp. Thật khó để xác định liệu việc giảm mật độ xương là do hút thuốc hay các yếu tố nguy cơ phổ biến khác ở những người hút thuốc lá.

Ví dụ, trong nhiều trường hợp người hút thuốc gầy hơn người không hút thuốc, có xu hướng uống nhiều rượu hơn, ít vận động thể chất và có chế độ ăn uống kém hơn. Phụ nữ hút thuốc cũng có xu hướng mãn kinh sớm hơn những người không hút thuốc. Những yếu tố này khiến nhiều người hút thuốc có nguy cơ bị loãng xương cao hơn từ việc hút thuốc.

Ngoài ra, các nghiên cứu về ảnh hưởng của việc hút thuốc cho thấy rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Bên cạnh đó hút thuốc cũng đã được chứng minh là có tác động tiêu cực đến việc hồi phục xương sau khi gãy xương.

Cách nào kiểm soát loãng xương?

Như đã nêu ở trân, bệnh loãng xương và hút thuốc lá có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bởi vậy, để ngăn ngừa bệnh này, bạn hãy bắt đầu bằng cách bỏ thuốc. Điều tốt nhất cho người hút thuốc có thể làm để bảo vệ xương là cai thuốc.

Việc ngừng hút thuốc, dù muộn, vẫn có thể giúp hạn chế gây mất xương do tác hại của thuốc lá. Có rất nhiều nguồn trợ giúp để giúp bạn bỏ hút thuốc, một số trong số đó được liệt kê ở cuối bài viết.

Bên cạnh đó, cần coó một chế độ ăn cân bằng giàu canxi và vitamin D với thức ăn và đồ uống bổ sung canxi. Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hấp thu canxi và sức khoẻ xương.

Tập thể dục cho sức khoẻ xương của bạn. Giống như cơ, xương là mô sống có thể luyện tập để trở nên khỏe mạnh hơn. Các bài tập giúp cơ thể tăng sức chịu nặng buộc bạn phải chống lại trọng lực là cách tập thể dục tốt nhất cho xương.

Tránh sử dụng quá nhiều rượu/bia. Uống rượu lâu ngày có liên quan đến sự gia tăng gãy xương hông, xương cột sống và cổ tay. Uống quá nhiều rượu sẽ cản trở sự cân bằng của canxi trong cơ thể. Nó cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất các hoocmôn có tác dụng bảo vệ xương, và các vitamin mà chúng ta cần để hấp thụ canxi. Tiêu thụ rượu bia quá nhiều cũng có thể dẫn đến tai nạn và gãy xương.

Nói chuyện với bác sĩ về xét nghiệm kiểm tra mật độ xương. Xét nghiệm mật độ xương (BMD) là phương pháp đo mật độ xương ở các vị trí khác nhau của cơ thể. Kiểm tra này là an toàn và không đau, nó có thể phát hiện bệnh loãng xương trước khi gãy xương và có thể chẩn đoán khả năng bị gãy xương trong tương lai.

Và nếu bạn từng là người hút thuốc, hãy yêu cầu bác sĩ cho làm xét nghiệm mật độ xương, điều này có thể giúp bạn quyết định có nên dùng thuốc hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...