Kinh nghiệm giáo dục của các nhà tâm lý học vĩ đại

GD&TĐ - Các bậc bố mẹ thường hỏi ý kiến của các nhà tâm lý học về vấn đề giáo dục gia đình. Nhưng ít người quan tâm tới việc giáo dục con cái của những con người này.

Kinh nghiệm giáo dục của các nhà tâm lý học vĩ đại

Để tìm hiểu điều đó, tác giả của hơn 35 công trình khoa học, nhà tâm lý học Anh David Cohen, đã phân tích tiểu sử của 11 nhà khoa học xuất chúng và viết cuốn sách về cuộc sống gia đình của họ “Kinh nghiệm làm bố của các nhà tâm lý học vĩ đại”. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 3 nhân vật trong số đó.

1. Charles Darwin: Bố của 10 đứa con

Các nhà sử học khẳng định rằng tâm lý học như một khoa học ra đời năm 1879. Thế nhưng David Cohen lại cho rằng nhà tự nhiên học và tác giả thuyết tiến hóa Charles Darwin người Anh là cha đẻ của tâm lý học. Năm 1838, ở tuổi 29, ông ghi vào nhật ký câu nói của bố: “Khi có con, tính tình con người trở nên mềm mại hơn và tình cảm sâu sắc hơn”. Ít lâu sau, Charles cưới cô em gái họ của mình Emma Wedgwood.

Họ sinh được 10 người con, Darwin thường xuyên quan sát người con đầu trên quan điểm khoa học, đối với ông điều đó giống như một dự án đặc biệt. Ông ghi chép tỉ mỉ sự phát triển của con, các hoạt động phản xạ, khả năng điều khiển ánh mắt, những đặc điểm giao tiếp đầu tiên, sự biểu hiện cảm xúc.

Về sau, Freud có đọc qua tác phẩm của Darwin, vì vậy một số quan sát của nhà tự nhiên học có thể đã ảnh hưởng tới tư tưởng gây tranh cãi của nhà phân tâm học về việc trẻ em trải qua giai đoạn môi miệng – giai đoạn đầu tiên trong sự phát triển đời sống tình dục của trẻ em. Trong công việc của mình, Freud chỉ quan sát một đứa trẻ, vì vậy những ghi chép của Darwin rất quan trọng đối với ông.

Những quan sát của Darwin cho phép phát hiện một số giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của đứa trẻ, ví dụ, xác định khi nào đứa trẻ nhìn thấy mình trong gương và nhận biết bản thân.

Là một nhà khoa học nên khi tiến hành các thực nghiệm ông không bị cảm xúc chi phối, nhưng rõ ràng ông là một người bố tốt. Những ghi chép khoa học định kỳ khô khan đôi khi bị gián đoạn bởi những lời nhận xét ngây ngất đầy khâm phục của Darwin về các con. Ví dụ, ông viết về William: “Điều kỳ diệu của sắc đẹp và sự thông minh của bố. Con tuyệt vời đến mức bố không thể khiêm tốn”.

Tiếc rằng, 3 trong 10 đứa con của họ qua đời lúc còn nhỏ. Cái chết của người con gái đầu Annie năm 10 tuổi đã lấy mất niềm tin của Darwin vào Chúa, từ đó ông không bao giờ bước chân tới nhà thờ nữa.

Các con trai của Darwin sau này bằng cách này hay cách khác đều gắn bó với khoa học. George trở thành giáo sư thiên văn học và triết học thực hành tại Đại học Cambridge; Frances xuất bản cuốn tiểu sử của bố và trở thành nhà sinh vật học; Horace là kỹ sư và người thành lập hãng sản xuất dụng cụ khoa học ở Cambridge.

2. Sigmund Freud: Bí mật phân tích tâm lý con gái

Cha đẻ của phân tâm học có 6 người con, nhưng người ta nhớ nhiều nhất về một người con gái của ông là Anna Freud. Bà là người nối nghiệp bố và cùng với Melanie Klein (nhà phân tâm học người Áo - Anh) được coi là người sáng lập ra ngành phân tâm học trẻ em. Cái khó của việc nghiên cứu cuộc đời Freud và gia đình ông là ở chỗ nhiều tài liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ bị cấm tiếp cận.

Những tài liệu liên quan tới Anna bị cấm vĩnh viễn. Freud gọi con gái là Antigone, và giải thích rằng vì cô quá trung thành với bố. Cohen thấy điều này kỳ lạ: Trong thần thoại Hy Lạp, Antigone bênh vực anh trai của mình, chứ không phải bố. Antigone là con gái của vua Oedipus và Jocasta (mẹ của Oedipus).

Freud cưới cô gái nết na người Do Thái Martha Bernays năm 1886. Một năm sau, con gái đầu lòng của họ Matilda ra đời, và 8 năm sau đó lần lượt xuất hiện 5 người con nữa. Freud dành toàn bộ thời gian cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.

Con trai của Freud, Martin, viết rằng bố ông làm việc không ngừng, đôi khi 16 tiếng/ngày. Vì vậy Freud chỉ có thể dành thời gian đưa các con đi chơi vào dịp nghỉ hè. Trong lúc đi dạo, ông kể cho các con nghe những câu chuyện vui, dạy các con leo núi, tổ chức các cuộc thi hái nấm và chơi với chúng. Tuy nhiên, Freud quan tâm nhiều nhất tới người con gái út Anna.

Ông tin rằng, Anna mang lại thành công cho ông, ghi nhận sự nhanh trí và trí thông minh trước tuổi của bà. Về phía Anna, bố là tất cả đối với bà. Bà không chơi với các anh, chị, bà học phổ thông không giỏi, nhưng bắt đầu đọc các tác phẩm của bố lúc 15 tuổi.

Trong những năm Thế chiến thứ nhất, Anna đi thi để được làm giáo viên, gia đình cần có thu nhập thêm, vì tất cả các con trai đã ra mặt trận. Nhưng cuối cùng bà quyết định nghiên cứu phân tâm học.

Vì các tài liệu được giữ bí mật nên không thể xác định được tính nhất quán của các sự kiện trong mối quan hệ giữa Anna Freud và bố bà từ năm 1918 đến 1924.

Tháng 9 năm 1939, Freud qua đời, Anna luôn túc trực bên giường bố. Vào cuối những năm 1960, Anna được coi là một trong những chuyên gia về liệu pháp tâm lý trẻ em hàng đầu thế giới. Ngoài ra, không một ai trong số các con của Freud được vinh danh, tuy nhiên, hai cháu trai của ông trở thành những người nổi tiếng: Lucian Freud là họa sĩ tuyệt vời, còn em trai của ông Clement Freud trở thành nghị viên. Anna Freud không lấy chồng.

3. B. F. Skinner : Nhốt các con gái vào... “lồng”

Skinner là nhà tâm lý học Mỹ có uy tín nhất trong những năm 1940 - 1970. Tư tưởng của ông bị phê phán gay gắt. Trong cuốn sách của mình, nhà triết học, tâm lý học Mỹ Lauren Slater khẳng định rằng Skinner đã nhốt cô con gái út Deborah vào trong một cái thùng thí nghiệm để chứng minh lý thuyết của mình. Đến nỗi Deborah đã phát điên, làm đơn kiện bố mình và đã tự tử. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn sai sự thật. Trong bài trả lời phỏng vấn của Cohen, bà lên án cuốn sách của Lauren Slater và bảo vệ bố mình.

Dù sao tuổi thơ của Deborah và Julia thật đặc biệt. Thay cho chiếc giường trẻ em bình thường có thành chắn, ông bố đã thiết kế cho các con gái một cái nôi trên không, trong đó chúng không cần quần áo, vải trải giường, vận động. Skinner làm cái nôi với những tấm vách trong suốt và tạo bầu không khí mát mẻ bên trong không phải vì mục đích khoa học, mà để cho các con cảm thấy dễ chịu. Cả hai con gái của ông nhớ lại rằng bố quan tâm họ, luôn luôn ôm hôn khi gặp các con, ru ngủ và luôn luôn trả lời những câu hỏi trẻ con của chúng như: “Ngoài tận cùng vũ trụ còn có gì?”.

Ông tạo mọi điều kiện cho các con gái: Mua đàn ghi ta ngay khi có yêu cầu, dạy cách xếp bồ câu giấy, chơi bóng bàn và ngay lập tức phát triển các năng lực sáng tạo của chúng. Khi Deborah đến học trường mùa hè ở Harvard, bố thuyết phục cô vào học đại học.

Skinner nói rằng, ông yêu con gái như cô vốn có và đề nghị con lựa chọn cuộc sống của mình, chứ không phải ông. Tuy nhiên, các cuộc trò chuyện của ông với con đều bình đẳng, ông không bao giờ phê phán con, khuyên bảo và đối xử với con như những người ngang hàng.

Skinner tin vào ngọt bùi, chứ không phải roi vọt. Trước khi trở thành nhà tâm lý học, ông mơ ước trở thành nhà thơ. Ông vui mừng về những thành tích của Deborah trong nghệ thuật tạo hình. Còn Julia trở thành nhà sư phạm phương pháp và người phát triển một số tư tưởng của bố. Bà luôn luôn khích lệ học sinh của mình và làm mọi cách để học sinh tiến bộ và nhận thấy những thành tích của mình.

Theo Báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.