Lời nói vô tình, tổn thương con trẻ

GD&TĐ - Bên cạnh hành vi bạo hành về thân thể dễ nhận thấy, bạo lực tinh thần cũng gây ra những tác hại khôn lường. Đối với trẻ em, khi bị bạo hành về tinh thần sẽ ảnh hưởng xấu về tâm lý, thậm chí nảy sinh những tiêu cực ở bản thân. Vì vậy cần loại bỏ bạo lực tinh thần trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội để trẻ được học tập và sống thật hạnh phúc.

Lời nói vô tình, tổn thương con trẻ

Nhiều trẻ vẫn đang chịu bạo lực

Theo thống kê của Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mỗi năm ở Việt Nam trung bình có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp.

Nghiên cứu của Bộ Công an đối với 2.000 học viên tại các trường giáo dưỡng, khoảng 50% trường hợp có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của cha mẹ. Tất cả những hình thức bạo hành trẻ em dù là tinh thần, hay thể chất đều gây ra những hiệu ứng tiêu cực.

Trong đó, một số trường hợp, sức khỏe thể chất và trí nhớ của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, 3/4 trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 4 trên toàn thế giới (khoảng 300 triệu em) từng hứng chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý hoặc bị trừng phạt về thể xác.

Các dấu hiệu trẻ bị bạo hành về tinh thần: Trẻ hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, có những rối loạn về tâm lý và cảm xúc… Vì vậy, trẻ có xu hướng hay thu mình, lâu dài trẻ bị thui chột khả năng sáng tạo của bản thân. Với những trường hợp bị bạo lực tinh thần nặng nề từ những người thân, các em sẽ mất niềm tin vào cuộc sống. Toàn xã hội hãy quan tâm đến trẻ để kịp phát hiện và ngăn ngừa tất cả những hình thức bạo lực trong đó có bạo lực về tinh thần. 

Với trẻ bị bạo lực về thân thể, những người xung quanh nhận diện rõ hơn. Còn bạo lực về tinh thần lại thường âm ỉ, ít biểu hiện ra bên ngoài, do đó việc phát hiện để giúp các em thoát khỏi tình trạng này cũng không phải dễ dàng.

Nhiều em bị chính cha mẹ của mình bạo lực tinh thần cả thời gian dài mà những người sống gần gũi cũng không biết. Nhiều gia đình vẫn coi việc mắng mỏ, chê bai, mạt sát con cái là một trong những biện pháp để giáo dục chúng.

Những câu mắng như: “Mày chỉ là đồ bỏ đi” hay “Cùng là con cái vậy mà mày dốt quá, không giống anh (em) trong nhà…”. Họ không nhận thức thấy mối nguy hại từ những lời chửi mắng đó sẽ khiến các con lớn lên trong sự tự ti, nhút nhát. Thường những đứa trẻ đó sẽ tổn thương về tâm lý, chán ghét chính gia đình mình, thậm chí hận cả anh chị em khi bị đem ra so sánh.

Một số phụ huynh có con học mầm non chia sẻ: Muốn các con ăn nhanh, hết suất, các cô giáo thường hù dọa để thúc ép trẻ. Nặng nề hơn, khi có trẻ chót tè dầm, có cô lại cho cả lớp đứng ra bêu xấu, tẩy chay trẻ… Vô hình trung những hành động, ngôn ngữ không chuẩn mực đó tạo ra áp lực tinh thần khiến trẻ rơi vào trạng thái buồn phiền lo sợ. Nhiều trẻ đêm về mơ ngủ vẫn hoảng hốt vì những chuyện đã xảy ra ở lớp.

Cách đây vài tháng, một nữ sinh tại TPHCM bật khóc khi phản ánh việc cô giáo lên lớp dạy mà không nói năng gì. Các tiết học đó rất căng thẳng. Các em đều phải tự học, tự làm bài trong một thời gian khá dài. Đây có thể coi như một dạng bạo lực tinh thần. Bởi bên cạnh việc tiếp thu kiến thức bị hạn chế, học sinh sẽ lo lắng, bất an và khủng hoảng về tâm lý.

Trẻ dễ sang chấn về tâm lý

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm, khiến cho trẻ bị áp lực về tâm lý.

Ở mức độ cao hơn là đe dọa, khủng bố về tinh thần. Về mức độ nguy hại: Bạo lực thể chất có thể nhìn thấy ngay, còn bạo lực tinh thần thì không nhìn thấy, vì vậy chúng ta ít có điều kiện để ngăn cản hơn. Bị đe dọa tinh thần, nhiều trẻ có những cách phản ứng để tự vệ, hoặc né tránh, hay tự thu mình trong thế giới riêng.

Điều này ảnh hưởng không tốt tới việc hình thành nhân cách và quá trình trưởng thành. Nếu diễn ra trong thời gian dài, không thể giải tỏa được, trẻ dễ nảy sinh tâm trạng hoảng loạn có thể dẫn tới trầm cảm.

Ở chừng mực nào đó, bạo lực về tinh thần cũng bộc lộ ra bên ngoài, tuy vậy phải là những người gần gũi, thường xuyên tiếp xúc, quan tâm tới trẻ mới nhận thấy. Thường hành vi của trẻ sẽ có những thay đổi khác thường. Nếu trước kia trẻ hay trò chuyện, chia sẻ thì giờ lại né tránh, có xu hướng khép mình, trầm tính hơn, có những biểu hiện căng thẳng, sợ sệt…

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, cũng cho rằng, lâu nay chúng ta thường chú ý nhiều tới các vụ bạo lực về thể chất mà ít để ý tới bạo lực về tinh thần. Tuy nhiên, bạo lực tinh thần cũng rất đáng sợ. Đã có những trẻ bị tổn thương từ lời nói của cha mẹ, hay người thân mà bỏ nhà ra đi, kéo theo những hệ lụy đáng buồn.

Ông cũng đưa ra lời khuyên: Hiện nay, một số chương trình như kỷ luật không nước mắt, kỷ luật tích cực là những hình thức tuyên truyền giáo dục về cách dạy dỗ trẻ rất hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh và giáo viên khi tham gia các chương trình này sẽ được nâng cao nhận thức, có phương pháp giáo dục con cái và học sinh đúng đắn hơn. Nhờ đó cha mẹ, thầy cô sẽ điều chỉnh hành vi của mình để tránh việc có những lời nói gây nên những sang chấn trong tâm lý đối với trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ