Đề nghị xây dựng cơ chế quản lý ngân sách giáo dục theo ngành

GD&TĐ - Chỉ ra những bất cập liên quan đến chính sách tài chính cho giáo dục, đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét lại cơ cấu và đặc biệt cần phải xã hội hóa để tăng nguồn kinh phí cho GD-ĐT để bảo đảm chất lượng.  

Xã hội hóa là nguồn lực lớn để đầu tư hiện đại hóa cho giáo dục
Xã hội hóa là nguồn lực lớn để đầu tư hiện đại hóa cho giáo dục

Vận hành tài chính cho GD còn bất cập

Phát biểu tại hội trường (phiên họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV) ngày 29/10, về dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) cho biết, tỷ lệ ngân sách cho giáo dục hằng năm ở mức xấp xỉ 20% từ nhiều năm nay. Ngoài ưu tiên chi ngân sách cho giáo dục, Chính phủ còn nhiều chính sách khác nữa. Đây là ưu tiên cần thiết với quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc vận hành tài chính cho giáo dục còn nhiều bất cập. Cụ thể, cơ chế quản lý ngân sách dành cho GD-ĐT được phân cấp mạnh theo chiều dọc cho các địa phương và theo chiều ngang cho các bộ ngành, nhưng dường như đang thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả. Trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng chiếm tỷ trọng khoảng 89%; ngân sách do các Bộ, ngành Trung ương quản lý, sử dụng là 11%; trong đó Bộ GD&ĐT chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%.

Đặc biệt, đối với nguồn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho giáo dục hiện đang thực hiện không thống nhất giữa các địa phương; Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính không nắm được; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ trong việc giao tổng số vốn cho các địa phương không giao chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực.

 

Về cơ cấu đầu tư cho giáo dục, tỷ lệ giữa đầu tư cho giáo dục phổ thông hay giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa cân đối; đặc biệt là khối giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề chỉ xấp xỉ trên dưới 10%. Do đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối cao đẳng, đại học. Tôi đề nghị cần xem xét lại cơ cấu và đặc biệt là cần phải xã hội hóa để tăng nguồn kinh phí cho khối này để bảo đảm được chất lượng

Đại biểu Mai Hoa

“Như vậy, cơ quan nào sẽ tổng hợp chi đầu tư phát triển sự nghiệp GD-ĐT và dạy nghề trong toàn quốc? Cơ quan nào sẽ nắm được dòng tiền 20% ngân sách dành cho GD-ĐT được cơ cấu và vận hành như thế nào? Hiệu quả sử dụng hiện nay ra sao? Cần xây dựng một cơ chế quản lý ngân sách theo ngành và xác định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ cũng như quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả Trung ương và địa phương” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị.

Đại biểu Mai Hoa cũng chỉ ra cơ cấu phân bổ ngân sách cho giáo dục còn một bất cập nữa, đó là ngân sách phân bổ cho các địa phương hiện nay dựa trên dân số ở độ tuổi đi học căn cứ quản lý hộ khẩu. Thực tế cho thấy, người dân ở các khu vực nông thôn đang đổ về các thành phố lớn, các khu công nghiệp, trong khi hộ khẩu vẫn ở địa phương. Như vậy, cách định mức phân bổ ngân sách không còn phù hợp với thực tế, tạo sức ép rất lớn cho các khu đô thị, khu công nghiệp. Đại biểu Mai Hoa cho rằng cần phải nghiên cứu và làm rõ cũng như có giải pháp về vấn đề này.

Quản lý ngân sách GD theo ngành sẽ là đòn bẩy để thực hiện hiệu quả các nguồn đầu tư
  • Quản lý ngân sách GD theo ngành sẽ là đòn bẩy để thực hiện hiệu quả các nguồn đầu tư

Quan tâm đầu tư nhiều hơn cho GD

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn; đồng thời phản ánh thêm một số vướng mắc, khó khăn ở địa phương, mong được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Một trong những vướng mắc là ngành y tế, nhất là y tế cơ sở và ngành GD-ĐT, trong đó giáo dục mầm non và THCS đang phải chịu rất nhiều khó khăn và áp lực lớn.

“Yêu cầu của nhân dân ngày càng muốn nâng cao về chất lượng GD-ĐT cũng như chất lượng khám chữa bệnh, nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu. Điều đáng lo ngại là y bác sỹ trực tiếp điều trị bệnh, giáo viên trực tiếp giảng dạy vốn đã thiếu hụt, nay càng thiếu hụt trầm trọng hơn do bị cắt giảm biên chế một cách cơ học, bất hợp lý. Điều đó cho thấy chúng ta thực hiện chưa tốt chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa về chăm sóc giáo dục và y tế cho toàn dân. Để khắc phục bất cập trên, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều hơn cho ngành y tế và giáo dục, nhất là ở cấp tỉnh và cấp huyện, nhằm nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Đầu tư cho y tế và giáo dục là đầu tư cho con người có sức khỏe, trí tuệ một cách thiết thực nhất, đầy đủ nhất” – đại biểu Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ trước Quốc hội.

Cũng trao đổi về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề cập đến vấn đề đẩy mạnh lộ trình giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, kinh nghiệm thực hiện việc thí điểm giao quyền tự chủ cho 23 trường đại học trong 3 năm qua đã cho thấy chúng ta đạt được lợi ích kép. Nhà nước tiết kiệm được chi phí chi thường xuyên, các trường thì phát huy được nội lực để tăng cường các nguồn lực đầu tư, tăng cường các điều kiện để đầu tư làm tốt các hoạt động chuyên môn của mình.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đẩy mạnh, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, kèm theo đó là phải thay đổi phương thức cấp ngân sách như hiện nay sang phương thức đặt hàng, chứ không có nghĩa tự chủ là Nhà nước không đầu tư ngân sách. Đặc biệt, Thủ tướng đã có chủ trương cho xây dựng một đề án là giao quyền tự chủ ở mức cao, không có bộ chủ quản cho 3 trường đại học. Về việc này Bộ GD&ĐT đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt theo tinh thần của Thủ tướng.

Từ đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành sẽ ủng hộ để tất cả những kiến nghị của 3 trường được giao thí điểm sẽ được đáp ứng để xây dựng nên một mô hình quản trị đại học theo hướng không có bộ chủ quản, giống như các nước tiên tiến trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...