Kinh nghiệm dạy văn học trung đại Việt Nam

GD&TĐ - Văn học trung đại Việt Nam là một nội dung khó, do đó, để học sinh hứng thú với phần kiến thức này là trăn trở của hầu hết các giáo viên dạy Ngữ văn.

Kinh nghiệm dạy văn học trung đại Việt Nam

Làm thế nào để có thể giảng dạy các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam đạt hiệu quả? Giải pháp của giáo viên Trần Hoài Vũ (Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha – Tây Ninh) là đưa ra một số định hướng tiếp cận và phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, giúp học sinh có một số định hướng chung làm nền tảng để tiếp cận và phân tích các tác phẩm văn học tốt hơn.

Theo thầy Vũ, với việc định hướng tiếp cận và phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam đã có ảnh hưởng rất rõ rệt đến chất lượng tập của học sinh. 

Thông qua bài kiểm tra, giáo viên có những nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng vận dụng và cả việc nghiên cứu và vận dụng tài liệu và đạt kết quả tương đối.

Hướng phổ biến, áp dụng cụ thể như sau: Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu những quan niệm mang tính lý luận của văn học trung đại Việt nam theo dạng chuyên đề;

Nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích một cách sâu sắc các tác phẩm văn học dựa trên các yếu tố: thời đại, lịch sử, văn hóa...;

Tiếp cận tác phẩm ở hoàn cảnh lịch sử xã hội, hoàn cảnh sáng tác và thời đại đã tác động như thế nào đến việc sáng tác của tác giả...

Liên quan đến hướng dẫn học sinh học tập, thầy Trần Hoài Vũ cho rằng, văn bản thơ trung đại được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, sử dụng nhiều từ cổ, từ Hán Việt, điển tích, điển cố nên rất khó cho học sinh trong việc tiếp nhận các giá trị nội dung, nghệ thuật. 

Do đó, giáo viên từng bước hướng dẫn học sinh cách học, cách tiếp cận như: sau mỗi tác phẩm tìm và đọc điển cố, điển tích, so sánh phiên âm với bản dịch thơ….

Học sinh tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích trên cơ sở những hiểu biết về văn học trung đại Việt Nam dưới sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên.

Bản thân học sinh tự học qua tài liệu tham khảo kết hợp với bài dạy của giáo viên trên lớp chính khóa cũng như giáo viên bồi dưỡng.

Đồng thời, tích hợp kiến thức từ các giáo viên dạy, từ các phân môn khác nhau có liên quan để đối chiếu, so sánh. Thực hành và rèn kỹ năng qua các bài tập luyện viết để giáo viên sửa chữa, góp ý.

Tiếp cận văn học trung đại gắn với bối cảnh

Để tiếp cận và phân tích tác phẩm văn học trung đại đạt hiệu quả tương đối, thầy Trần Hoài Vũ cho biết mình đồng ý với các bạn đồng nghiệp gần xa là khi giảng dạy các tác phẩm văn chương trung đại, giáo viên phải dựng lại được không khí văn hóa, lịch sử của thời đại, phải tạo được sự đồng cảm về văn hóa, văn học.

Giáo viên phải giúp cho học sinh tái hiện cách cảm, cách nghĩ của người xưa. Đặc biệt tác phẩm phải được đặt trong hoàn cảnh lịch sử ra đời của nó, bởi lẽ sáng tạo văn học thường bắt nguồn từ một yếu tố có thực nào đó trong lịch sử ở một thời kỳ, một giai đoạn, một biến cố nào đó.

Do đó, việc tiếp nhận văn học trung đại Việt Nam trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung phải gắn với hoàn cảnh lịch sử của sự ra đời, bởi bất kì một sáng tác nào cũng đều có nguồn gốc sâu xa từ bối cảnh văn hóa, lịch sử của thời đại.

Việc dạy và học văn học trung đại phải dựa trên thi pháp văn chương trung đại. Đây sẽ là điều kiện tốt nhất để giúp giáo viên và học sinh có thể tiếp cận, hiểu và phân tích tác phẩm văn chương một cách thấu đáo nhất.

Do đó, trong quá trình hướng dẫn học sinh giỏi học, giáo viên cần hướng cho các em bám sát đặc trưng thi pháp để chiếm lĩnh tác phẩm.

Bên cạnh đó vấn đề đặt ra trong việc dạy học văn không chỉ là cung cấp cho học sinh những tri thức về con người và cuộc sống trong tác phẩm trung đại trong quá khứ mà phải đưa tác phẩm ấy trở về với thực tiễn hôm nay, với những vấn đề nhân sinh mà con người hôm nay đang băn khoăn, trăn trở.

Đối với học sinh giỏi, việc đặt tác phẩm trung đại trong bối cảnh xã hội hôm nay càng có ý nghĩa quan trọng để các em có thể chủ động tiếp cận nhiều tác phẩm cùng loại, cùng chủ đề, cùng một phạm trù văn học.

Từ đó các em có thể đối chiếu, so sánh với các tác giả, tác phẩm trong văn học hiện đại làm phong phú kiến thức văn học cho riêng mình.

Thầy Trần Hoài Vũ đồng thời chia sẻ một số nội dung cơ bản, nhấn mạnh những phần trọng tâm, những nội dung cần lưu ý để từ đó đặt ra yêu cầu tham khảo cho học sinh và sử dụng tài liệu photo từ giáo viên, bao gồm:

Phần 1. Khái quát văn học (2 buổi)

Phần 2. Tác giả và nội dung chính của văn thơ (2 buổi giáo viên + 1 buổi học sinh trình bày).

Phần 3. Phụ lục - Chuyên đề tham khảo (2buổi giáo viên + 2 buổi học sinh trình bày)

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ