Các biện pháp hay dạy văn học trung đại Việt Nam

GD&TĐ - Trong chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông, văn học trung đại Việt Nam chiếm một dung lượng lớn, phân bổ tiết dạy nhiều từ THCS đến THPT. Nhưng đây cũng là nội dung kiến thức khó, không chỉ học sinh mà nhiều giáo viên ngại dạy học phần nay.

Các biện pháp hay dạy văn học trung đại Việt Nam

Trước thực trạng đó, giáo viên Trần Hoài Vũ (Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha – Tây Ninh) đã chia sẻ kinh nghiệm hay trong giảng dạy văn học trung đại Việt Nam, giúp học sinh hứng thú, từ đó đạt được kết quả cao trong học tập.

Đọc diễn cảm

Vận dụng phương pháp này để dạy học các tác phẩm thơ nhằm tạo ra tác dụng lớn và ấn tượng thẩm mỹ cho học sinh, tạo nên những rung động sâu sắc cho học sinh.

Tuy nhiên, phương pháp này hơi khó vì giáo viên phải am hiểu ý đồ sáng tác, tư tưởng mà tác giả gửi gắm vào ngôn từ, tâm trạng, nhân vật… Đồng thời giọng đọc còn phụ thuộc vào “thiên phú”.

Phương pháp gợi mở

Vận dụng phương pháp này, giáo viên có thể dẫn dắt học sinh từng bước tham gia phát hiện phân tích và đánh giá từng mặt, từng khía cạnh của tác phẩm.

Trong quá trình dạy học, giáo viên có thể bám sát vào các dấu hiệu hình thức đặc trưng của từng tác phẩm, đặc trưng thể loại, ngôn từ hàm súc, biểu cảm, mang tính ước lệ tượng trưng, hình tượng nhân vật hay những tri thức lịch sử văn hóa liên quan đến văn bản… để đặt câu hỏi gợi mở, giúp cho HS tìm hiểu và phát hiện ra vấn đề cần phân tích.

Hệ thống câu hỏi mà giáo viên đưa ra phải đảm báo bảo tính chất gợi mở dần để học sinh từng bước để cảm thụ tổng thể văn bản. Từ đây, giáo viên sẽ đưa ra những vấn đề có tính chất chuyên đề để học sinh tìm ra hướng giải quyết, từ đó học sinh sẽ tiếp nhận tri thức, rèn luyện kỹ năng phân tích qua bài luyện viết.

Phương pháp so sánh

Giáo viên dựa vào những nét tương đồng và khác biệt của các hiện tượng, yếu tố văn học có liên quan giữa văn học dân gian – văn học trung đại và văn học cận - hiện đại với nhau để giúp học sinh nhận rõ hơn đối tượng đang phân tích, mở rộng về phạm vi hiểu biết. Đồng thời, tìm hiểu một cách sâu sắc hơn về một nội dung kiến thức cụ thể.

Chẳng hạn, giáo viên có thể so sánh những yếu tố về ngôn ngữ, nghệ thuật, đề tài, chủ đề, nhân vât,... của những tác phẩm có cùng chủ đề, đề tài với nhau để khẳng định giá trị, đóp góp riêng của từng tác phẩm;

Hoặc giáo viên có thể so sánh trên cùng những yếu tố đó với tác phẩm văn học hiện đại nhằm tạo ra tính liên tục và kế thừa trong văn học Việt Nam.

Phương pháp phân tích, giảng bình

Đây là phương pháp quen thuộc đối với việc dạy học tác phẩm văn học ở nhà trường, góp phần mang lại hứng thú, cảm xúc trong quá trình dạy và học văn.

Tuy nhiên, đối với học sinh giỏi, để phát huy hiệu quả, giáo viên cần đua ra những chuyên đề, những bài tập có tính chuyên đề, từ đó dùng tác phẩm hay nhiều tác phẩm trong cùng một giai đoạn hay nhiều giai đoạn khác nhau để phân tích và chứng minh.

Kết hợp giữa các vấn đề về lịch sử xã hội, hoàn cảnh ra đời, cuộc đời, con người cũng như những quan điểm, tư tưởng của tác giả để phân tích vấn đề một cách sâu sắc.

Phương pháp tích hợp

Các nội dung tích hợp cụ thê như sau: Tích hợp văn bản đọc thêm hoặc tham khảo, đối chiếu với tác phẩm văn học hiện đại;

Tích hợp những vấn đề liên quan đến Tiếng Việt và Làm văn; tích hợp những tri thức về lịch sử, địa lý, về văn hóa, triết học, về ngôn ngữ,...

Tăng cường thực hành và bài tập luyện tập

Về kiến thức, lưu ý đến kiến thức văn học trung đại Việt Nam như: Hoàn cảnh lịch sử - xã hội, thi pháp văn học, đặc trưng thể loại, tác giả, tác phẩm...

Giáo viên cung cấp và yêu cầu tham khảo kiến thức về ngôn ngữ, triết học, sử học.. đặc biệt là những hiểu biết về lịch sử và văn chương Trung Quốc để so sánh đối chiếu.

Đồng thời, đặt văn học trung đại Việt Nam trong mối quan hệ với văn học dân gian và văn học hiện đại để tìm ra sự kế thừa, phát triển của các tác giả thể hiện qua một số tác phẩm về các mặt như thể loại, đề tài, ngôn ngữ, hình ảnh…

Cũng cần đề xuất những phương pháp nghiên cứu và học văn học trung đại Việt Nam của giáo viên và học sinh để việc tiếp cận và phân tích một cách sâu sắc và đầy đủ nhằm đạt hiệu quả cao trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi.

Giáo viên có thể cùng cảm nhận, cùng viết, cùng học với học sinh thông qua chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ được mời về dạy ở các chuyên đề.

Cùng với đó, rèn luyện kỹ năng bình giảng, phân tích và chứng minh một số bài tập luyện tập chuyên đề qua việc cảm thụ tác phẩm văn học trung đại; ra bài tập luyện tập để học sinh viết, sửa chữa, rèn luyện kỹ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ