Sức làm việc phi thường
Khi viết lời đề dẫn về cuốn trường thiên thơ, nhà thơ Thanh Thảo đã nhấn mạnh ngay từ đầu, ông chỉ biết cúi đầu kính phục sức làm việc phi thường của một người cao tuổi. Với ông, “đây là một con người lao động đến kiệt lực để viết được hàng chục nghìn câu thơ về lao động sáng tạo, đấu tranh sáng tạo của con người ấy (Chủ tịch Hồ Chí Minh - PV)”.
Nhà văn Vũ Hạnh năm nay đã ở tuổi 95 thì bảo rằng, nghe người bạn văn của mình mới xuất bản tập thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong gần 10 năm), ông đã không thể nào nén được cảm xúc. Cũng bởi lẽ, đã có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật viết về Bác Hồ rất hay, rất ấn tượng.
Nhưng bao năm rồi nhà văn chưa từng gặp được tác giả nào dày công dành đến 10 năm và viết một tác phẩm dài đến hơn 12 nghìn câu thơ lục bát để viết về Bác Hồ như Nguyễn Thế Kỷ. Càng cảm động hơn nữa khi trường thiên thơ “Một người – Thơ – Tên gọi” được hình thành và thực hiện trong những tháng năm tác giả ở tuổi xế chiều.
NSND Lê Tiến Thọ vốn rất “quen” với một nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ nổi danh cùng “Đốm lửa núi Hồng”, “Núi rừng năm ấy”, “Tìm đường Đồng Lộc”... Ông cũng rất biết đến tài văn của Nguyễn Thế Kỷ qua các tác phẩm văn xuôi như “Vị thượng khách đến Paris về Hà Nội”, “Gian lao nghìn dặm”, “Anh hùng Dương Chí Uyển”... hay qua các tập thơ như “Đàn của gió”, “Con đường cơn người”, “Về tổ”, “Ngoảnh lại”...
Thế nhưng, ông cũng không khỏi kinh ngạc trước trường thiên thơ “Một người – Thơ – Tên gọi” vì dường như sức sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Thế Kỷ ngày càng dồi dào, chưa bao giờ vơi bớt dẫu tuổi ngày một cao.
PGS.NGƯT Trần Chút cũng dành lời chúc mừng tới người đồng môn, người anh mà ông rất quý mến – Nguyễn Thế Kỷ đã hoàn thành thiên trường ca ngay dịp kỷ niệm 50 năm Bác Hồ đi xa. Nhớ lại giây phút được tác giả tặng sách, ông Trần Chút kể, lúc đó ông có 3 điều ngạc nhiên lớn.
Điều đầu tiên là ông không hiểu người anh này đã lấy sức đâu vì đã ở tuổi gần 90 để viết cuốn sách đồ sộ ấy. “Theo hồ sơ, lý lịch thì anh Kỷ sinh năm 1935, tức là đang 85 tuổi nhưng tuổi thực của anh ấy đã là 90. Với tuổi thực ấy mà anh Kỷ vẫn có sức làm việc như vậy là quá hiếm. Tôi tự nghĩ có lẽ linh khí của núi Ấn, sông Trà đã truyền cho anh Kỷ sức mạnh thể chất, trí tuệ để hoàn thành cuốn trường thiên có một không hai này” – PGS.NGƯT Trần Chút bày tỏ.
Cùng với đó, ông Trần Chút còn ngạc nhiên vì tác giả đã chọn một đề tài khó – viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, giữa biết bao tác phẩm thơ ca viết về Bác Hồ như tượng đài sừng sững thì người đi sau có thể viết ngang bằng hoặc vượt lên là cực kỳ khó. Thêm nữa, Bác Hồ đi xa tròn 50 năm, những cảm xúc có tính thời sự, nhất thời không còn nữa, đòi hỏi người cầm bút hôm nay phải thiên về suy tưởng.
Trong khi đó, thể thơ thuận lợi nhất cho những dòng suy tưởng thường là thể thơ song thất lục bát. Vậy nhưng, tác giả lại chọn thể thơ lục bát – một thể thơ dễ làm nhưng khó hay. Ngạc nhiên là vậy song ông Trần Chút vui mừng nhận ra, những điều khó ấy đều được Nguyễn Thế Kỷ khắc phục để cho ra đời một thiên trường ca đọng lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng sâu sắc về Bác Hồ như bốn câu kết:
Bảy chín năm – Cuộc vĩnh hằng
An dân phục quốc hoa đăng cờ hồng
Thăng Long – Văn hiến – Tiên rồng
Bốn ngàn năm hóa núi sông một Người!
Trầm hương của sự sáng tạo
Lý giải về một Nguyễn Thế Kỷ của cuốn trường thiên thơ “Một người – Thơ – Tên gọi”, NSND Lê Tiến Thọ dẫn dụ về một chàng Thế Kỷ được đào tạo bài bản tại khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp.
Cũng bởi thế, khi ở tuổi 90, Thế Kỷ vẫn có thể dồn toàn bộ trí lực, sự thông tuệ cũng như kinh nghiệm chắt lọc từ đời sống hiện thực và tình yêu của riêng ông với vị Cha già dân tộc – Hồ Chí Minh để thăng hoa. Khi đó, tính trữ tình của người nghệ sĩ luôn bay bổng nhưng giàu hiện thực, tao nhã, giàu nhạc điệu mà khúc chiết trong cả trường thiên.
Nhà thơ Hữu Thỉnh thì nhắc nhớ lại ký ức đã đọc nhiều bài báo với những tư liệu “độc quyền” của Nguyễn Thế Kỷ viết về Hồ Chí Minh đăng trên báo Văn nghệ. Đấy là những bài báo không chỉ thể hiện tình cảm của riêng tác giả mà còn thể hiện tình cảm của nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân miền Nam với Bác Hồ.
Vì thế, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, ông không khó để lý giải vì sao giờ đây Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục viết trường thiên thơ “Một người – Thơ – Tên gọi”. Với ông, trường thiên thơ này luôn có sức sống lâu bền và cũng vẫn là tiếng lòng, là tình cảm của cả nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ...
Trong khi đó, nhà văn Vũ Hạnh cặn kẽ, viết về những năm tháng bôn ba của Bác Hồ, tác giả phải nhờ vào sự giao tiếp rộng rãi cùng những quan hệ sâu xa để có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý.
Đồng thời, để viết được 12.668 câu lục bát đó, tác giả đợi chờ một sự rèn luyện qua các chặng đường bút lực trên nửa thế kỷ để có được niềm tự tin nét bút hóa rồng viết về một con người có một không hai – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Bác Hồ dành trọn đời mình để cứu nguy cho dân tộc, anh Nguyễn Thế Kỷ dành trọn đời mình để nói lên sự biết ơn tới vị lãnh tụ cao cả này. Thế nên, làm thơ để viết về Người là một thứ trầm hương được kết tinh lại trong những nỗ lực sáng tạo của anh.
Tôi đủ niềm tin vào sự sáng tạo chất lượng cao nhất trong hơn 12 nghìn câu thơ của “Một người – Thơ – Tên gọi”. Từ đó, những văn nhân Quảng Ngãi có quyền tự hào về tác phẩm đặc biệt của người con đất Quảng này.” – nhà văn Vũ Hạnh nhấn mạnh.
Có thể thấy, cuốn trường thiên thơ và lịch sử “Một người – Thơ – Tên gọi” dày gần 600 trang của Nguyễn Thế Kỷ là một bài ca dài được viết theo thể thơ lục bát rất hiếm lạ. Nhà thơ Thanh Thảo đã ví von đây là một tác phẩm thơ nhưng hành trình như một đoàn tàu chạy qua rất nhiều ga lịch sử có ga dừng lâu, có ga chỉ dừng dăm ba phút đoàn tàu lại nổi còi lên đường.
Theo ông, việc viết một tác phẩm thơ dài hơn 12 nghìn câu thơ, tác giả luôn phải suy nghĩ rất nhiều về cấu trúc, về tư liệu nhưng lại phải vận hành “con tàu” này bằng tất cả tâm hồn mình.
Bạn bè chúc mừng tác giả Nguyễn Thế Kỷ (thứ 2 từ phải qua) khi ra mắt cuốn trường thiên thơ và lịch sử “Một người – Thơ – Tên gọi” tại Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh |
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Vũ Huy Luận cho rằng, trường thiên thơ đã được Nguyễn Thế Kỷ cấu trúc công phu, bài bản, khoa học, chặt chẽ, theo tiến trình từ khởi nghiệp cho đến thành công của một con người gần gũi mà vĩ đại – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều khó khăn hơn cả ở trường thiên thơ này là sự kết hợp sao cho hài hòa nhuần nhuyễn, sinh động giữa tiến trình sống và hành động cống hiến hết mình của một người thơ như Hồ Chí Minh.
Điều này đòi hỏi tác giả phải có được sự đan cài lồng ghép khéo léo giữa lịch sử với con người, song hành cùng mấy ngàn năm của lịch sử cả một dân tộc. Nếu không là người có kiến văn sâu rộng, không vững tay chèo lái trong nghệ thuật kể và tả thì sẽ dễ dẫn đến sự lặp lại chồng chéo, nhàm chán. Khó khăn này đã được tác giả khắc phục khá hoàn hảo khi ngòi bút của ông luôn thể hiện là một trí thức thông tuệ, đáng nể.
Cùng với đó, bằng vốn hiểu biết về lịch sử, nghệ thuật phong phú, tác giả đã thành công trong việc vận dụng ngôn ngữ phương đông và phương tây. Ông đã điều khiển, biến tấu một cách linh hoạt, tài tình, tên địa danh các nước, tên người và cả phương ngữ ở Việt Nam cũng được đưa vào thơ lục bát như một sự hòa âm mượt mà, khéo léo.
Đây là cả kỳ công, đưa người đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác. “Điểm độc đáo nhất của trường thiên thơ này là tác giả viết những câu thơ tả cảnh, tả tâm trạng trữ tình rất đặc sắc. Để viết câu thơ tả tâm cảnh, Nguyễn Thế Kỷ đã sử dụng từ cổ “lợt đợt” một cách nhuần nhuyễn: “Vẫn nghe lợt đợt sương sa/ Trống canh đầu xóm, tiếng gà cuối sông”. Hay khi tả tâm trạng vân vi: “Tất Thành, đứng trước hoàng hôn/ Nửa đau hồn nước, nửa hồn thương cha...” – ông Luận dẫn chứng.
Được biết, từ lời động viên của vợ - nhà thơ Trần Thị Hà Thanh, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ đã khởi bút viết “Một người – Thơ – Tên gọi” từ ngày 19/5/2010. Bản thảo được hoàn thành vào cuối năm 2018, song rất tiếc vợ ông đã đi xa được ba năm. Cứ in rồi sửa, bản thảo của cuốn trường thiên thơ phải cao đến 2 mét thì ông mới đồng ý để NXB Hội Nhà văn ấn hành vào cuối năm 2019.
Với nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ, tác phẩm được hoàn thành là nhờ sự động viên, bỏ cả công của ra giúp đỡ mọi mặt và gợi ý của người vợ hiền Thanh Hà cũng như những người con của ông. “Mãi sau 9 năm sắp hoàn thành, tôi mới sáng tạo được một câu lục bát: “Thăng Long Văn hiến tiên rồng/ Bốn nghìn năm hóa: Núi sông MỘT NGƯỜI”, bổ sung vào trong phần mở đầu của tác phẩm.
Phải khẳng định, không có một gia đình như gia đình tôi thì tôi không thể nào sống mà hoàn thành tốt và sớm trường ca 12.668 câu thơ lục bát viết về Hồ Chí Minh kịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ truyền lại Di chúc cho cháu con (1969 - 2019) cũng như tiến tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác (1890 - 2020)” – nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.