Thương mại điện tử là mũi nhọn của nền kinh tế số

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, thương mại điện tử là mũi nhọn của nền kinh tế số.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 25/10, Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế số bền vững”.

Hội thảo thu hút gần 200 nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế - công nghệ trên cả nước, các doanh nghiệp và gần 100 học viên, sinh viên Khoa Kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến các hoạt động kinh tế phát triển mạnh trên nền tảng công nghệ số.

Kinh tế số là động lực và trụ cột chính trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Phát triển kinh tế số sử dụng công nghệ số cùng dữ liệu số để tạo ra mô hình hợp tác, kinh doanh kiểu mới, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ hiện đại.

Kinh tế số mang đến nhiều cơ hội to lớn cho nền kinh tế như giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tăng khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại cho khách hàng; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh…

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, bên cạnh những yếu tố thuận lợi và cơ hội, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững, bao gồm phát triển đồng đều cả về kinh tế, xã hội và đảm bảo về môi trường.

Vì vậy, Hội thảo này không chỉ là diễn đàn trao đổi về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ giữa các giảng viên nhà khoa học mà còn là hành lang thúc đẩy gắn kết, hợp tác trong các hoạt động chuyên môn sắp tới. Đây còn là nơi lan tỏa tri thức, kiến thức mới, tạo động lực học tập, nghiên cứu khoa học cho học viên, sinh viên của Trường ĐH Mở Hà Nội và các cơ sở giáo dục đại học khác.

Tham luận tại Hội thảo, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ kinh tế số và chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, có nhiều mô hình kinh tế xuất hiện trên môi trường mạng, chẳng hạn như ứng dụng Grap. Tuy nhiên, chuyển đổi số xuất hiện 2 không gian: thực và ảo kết hợp với nhau.

Chuyển đổi số và kinh tế số dựa trên tư liệu sản xuất mới, làm cho thiết bị trở nên thông minh và trợ giúp con người rất nhiều; chẳng hạn như: Chat GPT.

Để phát triển kinh tế số, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, phải có quản trị số, sử dụng các công cụ đo lường online theo ngày, giờ tháng, không cần chờ báo cáo của các bộ, ngành.

Chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Chuyên gia thảo luận tại hội thảo.

Nhấn mạnh thương mại điện tử là tiên phong của kinh tế số, ông Nguyễn Bình Minh đến từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhìn nhận, gần đây chuyển dịch sang phát triển thương mại điện tử bền vững. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh số cũng khó lường. Do đó, cần có phương pháp, quy trình, kinh doanh và kênh bán hàng mới.

Đề cập một số giải pháp kinh doanh thương mại điện tử bền vững, ông Nguyễn Bình Minh trao đổi, kinh doanh thương mại điện tử cần có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, cần đào tạo thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp; đồng thời phối hợp nhiều công cụ số và phát triển các nền tảng kinh doanh số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ