Khan hiếm nhân lực ngành Thương mại điện tử

GD&TĐ - Ngày 24/10, Khoa Tài chính – Thương Mại, Trường ĐH Công nghệ TPHCM đã tổ chức diễn đàn 'Sinh viên trong nền kinh tế số'.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trao giấy chứng nhận thành viên VECOMNET cho PGS.TS Trần Văn Tùng, Trưởng Khoa Tài chính - Thương mại, HUTECH.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trao giấy chứng nhận thành viên VECOMNET cho PGS.TS Trần Văn Tùng, Trưởng Khoa Tài chính - Thương mại, HUTECH.

Diễn đàn do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam(VECOM) phối hợp với Khoa Tài chính – Thương Mại, Trường ĐH Công nghệ TPHCM(HUTECH), và Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử(VECOMNET) tổ chức thu hút hàng ngàn sinh viên, các nhà khoa học và diễn giả tham gia.

Nhu cầu nhân lực lớn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: hiện nay có 32 thành viên trong hệ thống VECOMNET, sự lớn mạnh của hệ thống cho thấy xu hướng và nhu cầu trong đào tạo và kết nối nhân lực trong lĩnh vực này.

“Ngành thương mại điện tử của Việt Nam đang ngày một lớn mạnh, minh chứng là các thương hiệu như Grap, Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop…. đã và đang rất thành công. Việc các em sinh viên quan tâm, yêu thích và theo đuổi các chuyên ngành đào tạo nhân lực phục vụ cho nền kinh tế số và xu hướng thương mại điện tử không chỉ mang lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, mà còn giúp các em sớm bắt nhịp với nền kinh tế số trong tương lai”, ông Dũng chia sẻ.

Được biết, theo kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, đối với phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, đề ra nhiệm vụ: Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo thương mại điện tử cho sinh viên gắn với chuyên ngành cụ thể, có sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước. Kết nối nhu cầu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử giữa nhà trường và doanh nghiệp, cộng đồng.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có “50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử….

Đây rõ ràng là định hướng vô cùng đúng đắn trong bối cảnh và cuộc CMCN 4.0 đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, sự bùng nổ của thương mại điện tử và kinh tế số. Tuy nhiên, thực tế để đạt mục tiêu trên thì cần sự nỗ lực rất lớn từ các đơn vị đào tạo.

Thống kê của VECOM về quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam.

Thống kê của VECOM về quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam.

Nguồn nhân lực TMĐT đào tạo chính quy vẫn thấp

Diễn đàn “Sinh viên trong nền Kinh tế số” là một hình thức diễn đàn tương tác mở, được thiết kế nhằm khuyến khích trao đổi và tranh luận giữa sinh viên, giảng viên và doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn đàn ngày 24/10 tại HUTECH, đại diện Cục thương mại điện tử và kinh tế số (IDEA) cho biết: Hiện cả nước có 36 trường đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học, 21 trường sẽ (dự kiến) đào tạo ngành TMĐT trình độ đại học vào năm 2025, 53 trường đào tạo học phần TMĐT. Trong đó tỉ lệ đào tạo chính quy chuyên ngành TMĐT tại các trường mới chỉ chiếm 30%, còn 70% còn lại được đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, CNTT và các ngành nghề khác.

Do đó, số lượng nhân lực nhiều nhưng đang làm các công việc không đúng với chuyên ngành đào tạo. Điều đó khiến các công ty, doanh nghiệp rất “ khát” nhân lực về TMĐT và Kinh tế số.

Nói về xu hướng mua sắm và tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay, ThS Lê Quyết Tâm, Trưởng ngành Thương mại điện tử, Khoa Tài chính - Thương mại, HUTECH cho biết: Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%. Quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ThS Tâm, đây rõ ràng là cơ hội và điều kiện để thúc đẩy kinh tế số và nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, cũng như đánh giá từ Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Th.S Lê Quyết Tâm cho rằng chất lượng nguồn nhân lực TMĐT vẫn cần phải cải thiện, nâng chất và gia tăng thêm ở số lượng.

Một chuyên gia đang trình bày tham luận tại diễn đàn

Một chuyên gia đang trình bày tham luận tại diễn đàn

Muốn làm được việc đó, ThS Tâm cho rằng: Hiệp hội Thương mại điện tử cần phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên tham gia giảng dạy các môn liên quan ngành Thương mại điện tử.

Tăng cường giao lưu và kết nối các trường trong mạng lưới VECOMNET và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nhằm trao đổi chuyên môn giảng dạy, chuyên môn đào tạo và cập nhật các kiến thức, công nghệ mới.

“Muốn có nguồn nhân lực TMĐT chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu thì các bên phải hỗ trợ các trường thường xuyên trong việc rà soát chương trình đào tạo và các chuẩn đầu ra để kịp thời cập nhật mới đề cương môn học, giáo trình và tài liệu học tập. Song song đó, tham gia đánh giá và biên soạn các giáo trình, tài liệu học tập cùng các trường nhằm đảm bảo tính ứng dụng cao và cập nhật các kiến thức mới” - ThS Tâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ