Kiev nhận Jas-39 Gripen và sẽ tạo đột biến?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo giới chuyên gia, Jas-39 Gripen là tiêm kích phương Tây phù hợp nhất với Ukraine nhưng rất tiếc là số lượng cung cấp hạn chế.

Kiev nhận Jas-39 Gripen và sẽ tạo đột biến?

Vừa qua, đồng minh đã cam kết sẽ viện trợ cho chính quyền Kiev các chiến đấu cơ phương Tây. Hiện nay, các phi công Ukraine đang được huấn luyện lái tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Mỹ và máy bay chiến đấu Jas-39 Gripen của Thụy Điển. Ngoài ra, trong danh sách viện trợ có thể có một số loại máy bay khác.

Kiev tuyên bố rất cần chiến đấu cơ

Giới phân tích cho biết, trong ba tuần đầu của cuộc phản công, Ukraine đã không thể đạt được kết quả đáng kể, những phương tiện chiến đấu mặt đất do NATO sản xuất không thể tiến đến lớp phòng thủ thứ nhất của quân đội Nga, bị tiêu diệt ở những lớp phòng thủ đầu tiên là các bãi mìn.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Kiev lại giải thích rằng, nguyên nhân chính của những thất bại trong chiến dịch phản công là do Nga tận dụng ưu thế vượt trội của lực lượng không quân.

Các máy bay chiến đấu và trực thăng Nga đã tiêu diệt phần lớn xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của phương Tây, trong khi các máy bay Liên Xô kiểu cũ của Không quân Ukraine không thể đối phó hiệu quả với các máy bay hiện đại hơn của Lực lượng Hàng không - Vũ trụ (VKS) và Lực lượng Phòng không của Nga.

Không quân Ukraine đang cần thêm nhiều chiến đấu cơ để đối phó với Nga
Không quân Ukraine đang cần thêm nhiều chiến đấu cơ để đối phó với Nga

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraine là ông Alexei Reznikov thừa nhận rằng, tiêm kích MiG-29 của Ukraine được trang bị hệ thống radar chỉ có thể phát hiện mục tiêu từ 60 km, tầm bắn 30 km, trong khi những chiếc Su-35 Nga có hệ thống radar phát hiện mục tiêu từ hơn 200 km và tầm bắn hơn 100 km.

Và các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp không đủ khả năng theo dõi toàn bộ không gian chiến đấu dài gần một nghìn km, mà chúng chủ yếu chỉ được triển khai bảo vệ những cơ sở quan trọng ở hậu phương.

Tất cả các nỗ lực để đẩy một số hệ thống này đến gần tiền tuyến đều tiềm ẩn rủi ro lớn, vì nằm trong phạm vi hỏa lực của các phương tiện chiến đấu trên không và mặt đất của Nga.

Ví dụ như chỉ trong những ngày đầu tiên của cuộc phản công, quân đội Nga đã phá hủy trạm radar của hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T do Đức sản xuất ngay khi nó vừa được điều chuyển lên tuyến đầu của cuộc phản công.

Kiev loại trừ Mirage-2000 và Tornado

Với những nguyên nhân trên, chính quyền Kiev đang sốt ruột mong chờ những chiếc máy bay mà phương Tây đã cam kết cung cấp và hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của chúng, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ vô hiệu hóa được lực lượng phòng không của Nga, sau đó sẽ giành được ưu thế trên không, yểm trợ đắc lực cho lực lượng tiến công trên mặt đất.

Ukraine khẳng định không cần các loại máy bay Mirage-2000 và Tornado
Ukraine khẳng định không cần các loại máy bay Mirage-2000 và Tornado

Theo giới chính khách và chuyên gia quân sự phương Tây dự đoán, những loại máy bay mà các đồng minh trong và ngoài NATO có thể bàn giao cho quân đội Ukraine có F-16 Fighting Falcon của Mỹ, JAS-39 Gripen của Thụy Điển, Tornado và Typhoon của châu Âu, Mirage-2000 của Pháp.

Tuy nhiên, không phải tất cả các máy bay chiến đấu phương Tây hứa hẹn đều làm vừa lòng Kiev.

Trong đó, Jas-39 của Thụy Điển, F-16 Fighting Falcon của Mỹ và Typhoon của châu Âu được giới chức không quân Ukraine đánh giá cao, còn Mirage-2000 của Pháp và Tornado của châu Âu không được giới quân sự ở Kiev đánh giá cao.

Đại tá Yuri Ignat, phát ngôn viên của Không quân Ukraine hồi tháng 3 vừa qua đã thẳng thừng tuyên bố rằng, những máy bay này (Mirage-2000 và Tornado) sẽ không giúp ích gì trong cuộc đối đầu với Không quân Nga.

Theo ông Ignat, các chiến đấu cơ loại này không vượt trội, thậm chí còn kém hơn cả MiG-29 nên khó giúp Quân đội Ukraine trong việc đối phó với lực lượng không quân và phòng không mạnh mẽ, hiện đại của Nga. Do đó, chính quyền Kiev không có nhu cầu sử dụng những chiến đấu cơ thế hệ cũ này.

“Tôi yêu cầu các chuyên gia không nên viết những bình luận ngu ngốc như vậy. Hãy so sánh những chiếc Mirage với MiG-29 và mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng” - vị quan chức Ukraine nói và khẳng định rằng, cho đến nay, Ukraine chưa hề đưa ra những yêu cầu đối với các loại máy bay chiến đấu thế hệ cũ này.

Ukraine cho rằng Jas-39, F-16 và Typhoon có thể thay đổi cục diện chiến trường
Ukraine cho rằng Jas-39, F-16 và Typhoon có thể thay đổi cục diện chiến trường

Mặc dù các quan chức Kiev khẳng định những chiến đấu cơ như Jas-39, F-16 và Typhoon có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến nhưng giới chuyên gia quân sự khẳng định là điều đó là phi thực tế.

Jas-39 là phù hợp nhất nhưng số lượng hạn chế

Tiêm kích JAS 39 Gripen của Công ty chế tạo hàng không Saab Thụy Điển cũng là một loại chiến đấu cơ được giới chức không quân Ukraine yêu thích.

Ra đời sau F-16 hơn một thập niên, Jas-39 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988 và được đưa vào sử dụng vào năm 1997.

Các nhà sản xuất đảm bảo, Gripen có thể được tiếp nhiên liệu và trang bị lại trong mười phút với sự giúp đỡ của một kỹ thuật viên và năm tân binh. Các nhà chức trách Thụy Điển cũng thông báo rằng, không quân nước này đã bắt đầu huấn luyện các phi công Ukraine lái JAS 39 Gripen.

Tính năng kỹ chiến thuật của Gripen tương tự như F-16, nhưng tiêm kích của Thụy Điển kém một chút về khả năng mang tải vũ khí và bán kính chiến đấu. Nó đã được phát triển với ưu tiên là một máy bay tiêm kích đánh chặn và không thể được sử dụng như một tổ hợp máy bay tấn công.

Nhưng Jas-39 có những tính năng mà các chiến đấu cơ phương Tây khác không có. Những ưu điểm nổi bật chính của Gripen là nó dễ bảo trì, có khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn kiểu dã chiến và đường cao tốc, điều đó rất phù hợp với điều kiện chiến trường ác liệt, các sân bay quân sự bị Nga tập kích liên tục như ở Ukraine.

Eurofighter Typhoon được cho là không phù hợp với xung đột Nga-Ukraine
Eurofighter Typhoon được cho là không phù hợp với xung đột Nga-Ukraine

Trước đó, chính quyền Kiev cũng đã kêu gọi các đồng minh cung cấp máy bay Eurofighter Typhoon. Là máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất của châu Âu, “Cuồng phong châu Âu” “trẻ hơn” so với Mirage và Tornado, có tính năng kỹ chiến thuật tương đương với F-16 và tốt hơn một chút so với JAS 39.

Tuy nhiên, Typhoon đắt hơn nhiều so với các chiến đấu cơ đồng hạng và khó bảo trì hơn. Việc sử dụng chúng ở môi trường chiến đấu khốc liệt sẽ khó mà phù hợp như đối với chiến đấu cơ “dễ tính” như Jas-39 Gripen.

Ngoài ra, Jas-39 cũng đã chứng minh được ưu thế vượt trội của nó trước các chiến đấu cơ kiểu Liên Xô/Nga. Điều này thể hiện ở kết quả áp đảo trong các cuộc không chiến giả định của Không quân Thái Lan (sử dụng Gripen) với Không quân Trung Quốc (dùng các tiêm kích Su-27 và J-11).

Như vậy, có thể nói Jas-39 Gripen là loại chiến đấu cơ phù hợp nhất với không quân Ukraine trong điều kiện hiện nay, có thể giúp không quân nước này đối đầu được với các tiêm kích hiện đại như Su-30SM, Su-35, MiG-31…, của Không quân Nga.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là số lượng Jas-39 đã được sản xuất là tương đối ít (chưa đầy 250 chiếc), được sử dụng trong chủ yếu trong Lực lượng Không quân Thụy Điển (hơn 200 chiếc) và một số ít ở các nước như: Nam Phi, Thái Lan (40 chiếc), Anh có vài chiếc ở trường huấn luyện không quân; còn Cộng hoà Séc và Hungary thì chỉ thuê mỗi nước 14 chiếc.

Jas-39 Gripen phù hợp nhất với Ukraine nhưng số lượng sản xuất khá ít
Jas-39 Gripen phù hợp nhất với Ukraine nhưng số lượng sản xuất khá ít

Do đó, số lượng máy bay có thể được viện trợ cho Ukraine sẽ rất ít, bởi chúng còn khá mới nên vẫn đang được sử dụng. Hơn nữa, các nước đã mua cũng không đủ dùng chứ đừng nói có dư để chuyển cho Kiev.

F-16 cũng khó bảo vệ mình trước chiến đấu cơ và phòng không Nga

Theo dữ liệu của báo chí, các phi công Ukraine có thể được huấn luyện bay trên tiêm kích một động cơ F-16 Fighting Falcon (“Chim Cắt”) ở Anh, Đan Mạch và Romania.

Máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ tư F-16 cất cánh lần đầu tiên vào tháng 2/1974. Đây là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 chiếc đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976. “Chim Cắt” được Không quân Mỹ sử dụng phổ biến trong các chiến dịch quân sự trên khắp thế giới.

Hiện nay, vẫn có gần 3.000 chiếc F-16 gồm nhiều phiên bản vẫn đang phục vụ tại 25 quốc gia. Do đó, phần lớn số lượng máy bay chiến đấu mà không quân Ukraine nhận được có thể là những chiếc Fighting Falcon thế hệ cũ mà các nước này đã loại biên hoặc sắp ngừng sử dụng.

Về tính năng kỹ chiến thuật, F-16 với một động cơ có thể được so sánh với các đối thủ của chúng theo kiểu Liên Xô/Nga là MiG-29 và Su-27 hai động cơ.

F-16 cũng không vượt trội so với các chiến đấu cơ tiên tiến của Nga
F-16 cũng không vượt trội so với các chiến đấu cơ tiên tiến của Nga

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây dẫn lời các chuyên gia quân sự bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng của “Chim cắt” thay đổi được cục diện chiến trường Ukraine, bởi F-16 bị đánh giá là “tụt hậu” so với các phương tiện bay hiện đại hơn của Nga Su-30SM và Su-35, vì nó ra đời từ quá lâu và không còn khả năng nâng cấp mạnh.

Ngoài ra, thực tiễn cho thấy rằng, F-16 có thể bị bắn hạ ngay cả bởi các hệ thống phòng không S-125 Neva/Pechora (SAM-3) cũ của Liên Xô được phát triển từ năm 1961.

Tạp chí quân sự Military Watch của Mỹ vừa qua đã có bài phân tích chỉ ra những nguyên nhân để đưa ra kết luận rằng, có khả năng rất cao là F-16 sẽ khó sống sót nếu hoạt động trên chiến trường Ukraine.

Khả năng đối đầu của F-16 trước các loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga như Su-35, MiG-31 và Su-57 là rất hạn chế, chưa kể đến việc nó không có khả năng tàng hình đển có thể trốn tránh đòn tấn công của các hệ thống phòng không tiên tiến như S-300, S-350, S-400 của Nga.

Nhiều khả năng, những trận đấu trên không phận Ukraine sẽ có tính chất một chiều và việc tiêu diệt những chiếc F-16 sẽ làm tăng đáng kể uy tín của các chiến đấu cơ, hệ thống phòng không và tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

Bầu trời Ukraine sẽ là trường quyết đấu giữa hai trường phái chiến đấu cơ Nga-phương Tây
Bầu trời Ukraine sẽ là trường quyết đấu giữa hai trường phái chiến đấu cơ Nga-phương Tây

Lời kết: Theo các chuyên gia, quyết định cuối cùng về gói viện trợ cho Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ được đưa ra không phải ở Kiev. Nhiều khả năng, quân đội Ukraine sẽ nhận những loại máy bay khác nhau, mỗi loại mươi chiếc, thậm chí là vài chiếc và điều này sẽ tạo thêm những khó khăn cho Không quân Ukraine.

Điều đầu tiên là cần phải đào tạo không chỉ các phi công, mà cả các kỹ thuật viên người Ukraine vốn đã quen với các mẫu máy bay của Liên Xô, điều này sẽ mất hàng năm trời. Ngoài ra, các nước NATO cũng phải cung cấp các thiết bị phục vụ mặt đất.

Nhưng đến thời điểm đó, tình hình trên chiến trường có thể thay đổi đáng kể, thậm chí là Quân đội Ukraine đã có thể thất thế nhiều.

Ngay cả khi được cung cấp những chiến đấu cơ tốt nhất và chúng đến Ukraine khi cuộc chiến vấn còn tiếp diễn thì cũng chẳng thay đổi được điều gì.

Tất cả các máy bay này dù hiện đại tới đâu thì cũng đều thuộc thế hệ thứ 4 không thể chiếm ưu thế trước phòng không-không quân Nga. Điều đầu tiên mà chúng phải thực hiện là cố gắng để sinh tồn, thậm chí là không bị bắn hạ trong trận không chiến đầu tiên, nhiệm vụ giành ưu thế trên không và hỗ trợ mặt đất gần như bất khả thi đối với Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nhiều người bị thiếu ngủ kinh niên do thức quá khuya. (Ảnh: ITN)

Mắc bệnh tim vì thiếu ngủ?

GD&TĐ - Thường xuyên ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm có thể làm trầm trọng thêm huyết áp, lượng đường trong máu và các nguy cơ khác liên quan đến tim.
Bất kể mối quan hệ của bạn với người mà bạn yêu thương diễn ra như thế nào thì khi chia tay, bạn luôn cần có một khoảng thời gian để vượt qua. (Ảnh: ITN).

Cách vượt qua nỗi đau khi tình yêu tan vỡ

GD&TĐ - Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn đang đắm chìm trong tình yêu với một ai đó, nhưng khi mối quan hệ đó kết thúc, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn...