'Kiev cần chấp nhận thực tế mới'

GD&TĐ - Một quan chức Nga cho biết, Kiev sẽ phải chấp nhận “thực tế mới” trước khi bất kỳ cuộc đàm phán mới nào với Moscow có thể thực sự bắt đầu.

Binh sĩ quân đội Nga
Binh sĩ quân đội Nga

“Chính quyền Ukraine phải chấp nhận các điều kiện mới cho dù điều đó có ‘đau đớn’ đến mức nào đối với họ”, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Nga nổi tiếng Pavel Zarubin hôm 11/2/2024 khi ông đang trả lời câu hỏi về triển vọng của các cuộc đàm phán mới giữa hai nước.

Ông Peskov gợi ý rằng, nếu Nga và Ukraine thực sự quay trở lại bàn đàm phán, các cuộc đàm phán tiềm năng sẽ không giống như những cuộc đàm phán được tổ chức ban đầu trong cuộc xung đột đang diễn ra.

“Nếu chúng ta bắt đầu các cuộc đàm phán tương tự thì hiện tại sẽ có một thực tế hoàn toàn khác.

Và thực tế mới này, dù chế độ Kiev có đau đớn đến đâu, họ cũng vẫn phải thừa nhận”, ông Peskov nhấn mạnh.

Mặc dù Người phát ngôn Điện Kremlin không nói rõ hơn “thực tế mới” ở đây là gì, nhưng có lẽ ông đề cập đến những thay đổi về lãnh thổ, cụ thể là việc sáp nhập bốn khu vực trước đây của Ukraine là Zaporozhye và Kherson, cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, Kiev đã nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại tất cả các vùng lãnh thổ cũ của mình từ Moscow, bao gồm cả Crimea vốn đã tách khỏi Ukraine sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014 và sau đó gia nhập Nga.

Cuộc đàm phán vào tháng 3/2022 giữa Moscow và Kiev đã lên đến đỉnh điểm với việc ký kết thỏa thuận sơ bộ giữa hai quốc gia, được ký kết tại Istanbul.

Thỏa thuận này buộc Nga phải rút quân khỏi xung quanh thủ đô Ukraine, nhưng Kiev đã vi phạm thỏa thuận gần như ngay lập tức sau khi nó được ký kết.

Theo những tiết lộ gần đây của David Arakhamia - lãnh đạo đảng của Tổng thống Vladimir Zelensky trong quốc hội Ukraine, đồng thời là nhà đàm phán chủ chốt tại các cuộc đàm phán thất bại, Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã đóng vai trò then chốt trong việc dàn xếp sự thất bại của các cuộc đàm phán.

Theo lời của ông Arakhamia đã nói, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson vào thời điểm đó chỉ nói với người Ukraine “hãy tiếp tục chiến đấu” và kêu gọi họ đừng ký bất cứ điều gì với Nga.

Moscow nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán và đổ lỗi cho Kiev thiếu nỗ lực ngoại giao về vấn đề này. Lập trường này được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại trong cuộc trò chuyện với nhà báo Mỹ Tucker Carlson vào tuần trước.

“Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã ra luật cấm đàm phán với Nga. Ông ấy đã ký sắc lệnh cấm mọi người đàm phán với Nga. Nhưng chúng ta sẽ đàm phán thế nào nếu ông ấy cấm mình và mọi người làm điều này?

Chúng tôi biết rằng, ông ấy đang đưa ra một số ý tưởng về thỏa thuận này. Nhưng để thống nhất về điều gì đó, chúng ta cần có đối thoại”, Tổng thống Putin nói.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ