Hãy đến với nghề bằng tình yêu của một người cha, người mẹ

GD&TĐ - “Hơn 10 năm công tác, không ngày nào tôi cho phép mình dạy cho xong việc khi đứng trước học trò. Được tiếp cận, giao lưu với nhiều giáo viên ở các quốc gia khác nhau, tôi phải không ngừng thay đổi để mỗi giờ học là một hành trình khám phá dành cho học sinh”.

Thầy giáo Ngô Thành Nam tại lễ trao giải
Thầy giáo Ngô Thành Nam tại lễ trao giải

Đó là chia sẻ của thầy giáo Ngô Thành Nam - Phó phòng Tiểu học Ban chuyên môn K-12, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng - vừa đạt danh hiệu Giáo viên xuất sắc của năm tại Lễ trao giải Chuỗi tọa đàm và triển lãm giáo dục quốc tế International School Awards 2019 (ISA) tại Đại học Chikara (Ấn Độ).

Mỗi tiết học là một hành trình khám phá

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM và ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Ngoại ngữ và Tin học TPHCM, thầy Nam về công tác ở nhiều môi trường khác nhau như Trường Quốc tế Singapore, Trường Quốc tế Việt Úc, Vinschool. Hiện nay, thầy công tác tại Phòng Tiểu học thuộc Ban Chuyên môn của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng.

Với công việc quản lý chung chương trình tiểu học cho tất cả các nhãn trường iSchool, Học viện Anh Quốc (UK Academy) và Trường Quốc tế Bắc Mỹ, thầy luôn nỗ lực đổi mới như xây dựng nội dung và trực tiếp đào tạo; dự giờ, tư vấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên của trường. Với tâm niệm luôn mong muốn được hỗ trợ để cùng các thầy cô của tập đoàn tạo ra môi trường học tập năng động, khơi gợi được hứng thú học tập của học sinh để mỗi ngày đến trường luôn là một ngày vui.

Thầy tâm sự: Công nghệ có thể đóng một vai trò tích cực trong việc mang lại một trường học hạnh phúc. Bằng cách áp dụng công nghệ vào dạy học, người giáo viên có thể biến việc học thành một hành trình khám phá. Các em có cơ hội được tương tác với thế giới bên ngoài, được “tai nghe mắt thấy” thay vì chỉ ngồi nghe thuyết giảng những lý thuyết khô khan”.

Tại hệ thống các trường học của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, giáo viên đã đưa các công nghệ hiện đại như VR, 3D, 4D, Skype… vào lớp học để việc học tập của học sinh trở nên trực quan, gắn liền với thế giới bên ngoài. Bản thân người thầy cũng được giải thoát khỏi cảm giác bởi những bài giảng khô khan. Với công nghệ, người thầy có thể giúp học sinh biến mỗi tiết học là một hành trình khám phá để từ đó việc học đối với học sinh, việc dạy với giáo viên là một công việc thú vị và nhiều niềm vui.

Trái tim của người thầy

Chia sẻ về danh hiệu Giáo viên xuất sắc của năm, thầy Nam trải lòng: “Tôi rất vinh dự được nhận giải Giáo viên xuất sắc của năm (Best teacher of the year award) tại Chuỗi tọa đàm và triển lãm giáo dục quốc tế

International School tại Ấn Độ dành cho mình. Đây là giải thưởng dành cho giáo viên có sự đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục. Hơn 10 năm đứng lớp, không ngày nào tôi cho phép mình dạy qua loa khi đứng trước học trò của mình.

Muốn học sinh thay đổi cách học thì chính bản thân tôi cần thay đổi cách dạy. Mọi thứ xung quanh chúng ta đang thay đổi không ngừng thì việc giáo dục cũng không thể giữ mãi cách giáo dục cũ. Hãy đặt mình vào vị trí của học trò để hiểu các em cần gì ở thầy. Hãy hướng học sinh đến một cách sống đẹp, sống thiện, sống có ích”.

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được triển khai từ năm học 2020 – 2021, bắt đầu với lớp 1 ở cấp tiểu học, để thích ứng, thầy Nam cho biết, người giáo viên sẽ không tránh gặp phải những lúng túng, khó khăn khi bắt tay vào áp dụng. Người thầy – nhân tố quyết định sự thành bại của chương trình - đã quen với những cái vốn có từ nhiều năm nên đây thật sự là một thách thức.

Áp dụng Chương trình GDPT mới đồng nghĩa với việc vai trò người giáo viên cũng có nhiều thay đổi. Giáo viên không còn đơn thuần là người truyền thụ kiến thức như một chiếc “máy nói” mà cần là người tổ chức cho học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm. Giáo viên cần nhận ra rằng việc phát triển năng lực người học chính là một trong những điểm mấu chốt của Chương trình (GDPT) mới.

“Hãy đến với nghề bằng tình yêu của một người cha, người mẹ, người anh chị, người bạn lớn. Có như thế thì chúng ta mới chạm đến được một lớp học, một ngôi trường hạnh phúc”, .
Thầy Ngô Thành Nam

Muốn vậy, người thầy phải không ngừng thay đổi cách thức truyền đạt kiến thức, tích cực vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tiên tiến, đổi mới hình thức đánh giá cần trở thành một phần quan trọng trong suốt quá trình giáo dục. Việc dạy học không chỉ giải quyết các vấn đề được đặt ra trong sách giáo khoa mà cần hướng đến giải quyết các tình huống trong cuộc sống thực tế. Chỉ có như thế việc học mới trở nên có ý nghĩa và trở thành nhu cầu của học sinh. Muốn thế, bên cạnh việc được nhà trường bồi dưỡng, bản thân mỗi người giáo viên cần hình thành cho mình thói quen học tập suốt đời bởi sự học là một hành trình không có điểm dừng.

Chia sẻ quan điểm về nghề dạy học, thầy Nam cho biết: Dạy học không phải là một công việc dễ dàng nhưng cũng không kém phần thú vị. Nó đòi hỏi người giáo viên cần có vốn sống phong phú, kiến thức rộng về các chủ đề trong chương trình giảng dạy; kiến thức về kỷ luật và kỹ thuật quản lí lớp học.

Bên cạnh các kiến thức, kỹ năng… cần trang bị và rèn luyện cho học sinh, có một yêu cầu tuy không được đặt ra trong các văn bản nhưng nó lại chi phối tất cả, đó chính là cái “tâm” của người giáo viên. Không có một tấm lòng, mọi công việc sẽ chỉ là hình thức. Và như vậy, yêu thương chăm sóc các em không chỉ là mệnh lệnh mà còn là một nhu cầu không thể thiếu của trái tim người thầy cô giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ