Lịch kết thúc năm học 2021 - 2022 dự kiến của cấp tiểu học theo đó cũng sẽ muộn hơn: TPHCM muộn nhất đến 30/6, Bạc Liêu kết thúc khoảng 20/6, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 20 - 24/6…
2021 - 2022 là năm học đặc biệt. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát nặng nề, kéo dài, kế hoạch dạy học trực tiếp của nhiều địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng. Do học sinh ở độ tuổi nhỏ, hầu hết chưa được tiêm vắc-xin nên cấp tiểu học đa số trở lại trường học trực tiếp muộn hơn. Đơn cử như TPHCM, học sinh lớp 1 - 6 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Tại Hà Nội, học sinh tiểu học cũng nghỉ hè, học trực tuyến trọn vẹn 11 tháng, vừa trở lại trường học từ 6/4…
Khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 của Bộ GD&ĐT quy định, các địa phương hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học vào cuối tháng. Thực tế cho thấy để “chạy” hết chương trình không khó vì học sinh không đến trường nhưng vẫn học trực tuyến, đảm bảo tiến độ. Bằng chứng là vào cuối tháng 2, một số địa phương xây dựng kế hoạch kết thúc năm học trên cơ sở tính số tuần, số tiết, buổi học theo nội dung cốt lõi và hình thức học tập đã có nên lịch khá khớp với kế hoạch chung.
Thế nhưng, nếu chỉ tính toán cơ học số tiết, số tuần mà không quan tâm đến việc cần bù đắp gì cho học sinh, nhất là trẻ lớp 1, 2 mới đi học lại, hay học sinh lớp 5 sắp tiếp cận Chương trình GDPT 2018 ở lớp 6, là không thỏa đáng. Bởi thực tế cho thấy, việc học trực tuyến kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học, đặc biệt là với học sinh lớp 1, lớp 2, do đây là độ tuổi cần hình thành những thói quen, kỹ năng cơ bản. Mặc dù, khi đi học trực tiếp trở lại đa số học sinh đều đọc tốt, đáp ứng chương trình nhưng thực tế cho thấy, chữ viết không được như những lứa trước, rất cần thời gian để các em rèn luyện, tiến bộ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số học sinh tiếp thu chậm, giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ…
Vì thế, cùng với xây dựng kế hoạch năm học chung, để bảo đảm chất lượng dạy học, Bộ GD&ĐT đã mở cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn địa phương. Theo đó, các địa phương có thể chủ động nới khung thời gian năm học rộng hơn. Quy định mở của Bộ GD&ĐT là cơ hội vàng để các trường tiểu học có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng cho học sinh do trước đó phải giảng dạy bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh.
Kiên trì mục tiêu chất lượng, đã có nhiều địa phương chủ động kết thúc năm học muộn hơn, đặc biệt là ở cấp tiểu học, nhằm tranh thủ thời gian được phép để bổ sung, củng cố kiến thức, kỹ năng cho trò. Thậm chí có địa phương như TPHCM, ngành GD-ĐT còn lưu ý, ngay cả khi đã kết thúc năm học theo thời gian quy định, với những trường hợp cần bổ sung kiến thức, nhà trường vẫn phải xây dựng kế hoạch để hỗ trợ, đảm bảo học sinh có thể bắt nhịp tốt với chương trình trong năm học tiếp theo.
Phòng dịch an toàn, về đích đúng kế hoạch năm học đề ra là mục tiêu quan trọng của năm học 2021 - 2022. Thế nhưng bảo đảm chất lượng giáo dục theo yêu cầu cần đạt của chương trình cũng là yêu cầu tối quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang lắng xuống. Sự nỗ lực của ngành Giáo dục và các địa phương trong hành trình kiên trì bảo đảm chất lượng đã và đang hướng đến một năm học vượt khó và thành công, mang lại niềm tin cho xã hội.