Kiên trì lều chõng suốt 30 năm để đỗ Thám hoa

GD&TĐ - Đỗ tiến sĩ khi bước sang tuổi 53, Thám hoa Nguyễn Minh Triết là điển hình cho lòng kiên trì học tập và chí tiến thủ bằng con đường khoa cử.

Di tích đền Cao tại xã An Lạc - quê hương Thám hoa Nguyễn Minh Triết.
Di tích đền Cao tại xã An Lạc - quê hương Thám hoa Nguyễn Minh Triết.

Thám hoa Nguyễn Minh Triết làm quan đến chức Thượng thư Công bộ, hàm thiếu bảo, tước Cẩn quận công, ngự bút của vua cho ông đổi tên là Thọ Quyến. Khi đã ngoài 80 tuổi, mỗi lúc triều đình có lễ lớn đều mời ông vào triều bởi tài học rộng biết nhiều.

Lận đận vẫn đỗ Thám hoa

Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673), người xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh, nay là thôn Lạc Sơn, xã An Lạc (Chí Linh - Hải Dương). Ông là cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Minh Thiện đời nhà Mạc.

Từ nhỏ, Nguyễn Minh Triết đã nổi tiếng thông minh, học một biết mười, văn thơ phú lục đều giỏi, nhưng đường khoa danh hết sức lận đận, chỉ qua được kỳ thi hương, còn khi đi thi hội thì nhiều lần không đỗ.

Một số tư liệu khẳng định Nguyễn Minh Triết bắt đầu tham gia lều chõng từ khi 18 tuổi. Tuy nhiên cũng có tư liệu cho biết, khi đến tuổi 20 ông mới bắt đầu dự thi. Cho dù là khoảng thời gian nào, thì con đường thi cử của Nguyễn Minh Triết cũng thuộc hàng lận đận nhất trong số các vị Thám hoa nước Nam.

Mãi đến khi đã 53 tuổi, Nguyễn Minh Triết mới đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, được ban Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long 3 (1631) đời vua Lê Thần Tông.

Khoa thi này, triều đình không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn nên Nguyễn Minh Triết đỗ đầu – gọi là Đình nguyên Thám hoa. Sau khi đỗ đạt, triều đình bổ ông làm Huyện doãn huyện An Lão. Sau này, ông làm quan trải đến chức Thượng thư Công bộ, hàm Thiếu bảo, tước Cẩn quận công.

Một số sử liệu chép rằng, khoa thi năm Tân Mùi (1631) khác với trước đây, vì giờ thi thường bắt đầu từ giờ Thìn (7 giờ đến 9 giờ sáng) hoặc muộn nhất cũng là giờ Tỵ (9 giờ đến 11 giờ). Thế nhưng lần này đến đầu giờ Ngọ mới bắt đầu thi.

Nguyên nhân sự chậm trễ này theo “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Vua coi thi, thấy Mặt trời có quầng, mống đỏ vây bọc xung quanh, lại có mống trắng xuyên vào giữa mặt, mọi người cho là ứng vào điềm ấy”, vì thế mà chậm giờ. Còn các sĩ tử bảo nhau rằng, do chúa sinh năm Ngọ nên phải đến giờ Ngọ mới bắt đầu.

Thi đã muộn giờ, nhưng khi bóc đề ra các sĩ tử đều hoang mang bởi có đến 12 đề mục, trong khi thời gian lại rất ít. Nghĩ tới việc phải làm đủ 12 mục trong khi thời gian hạn hẹp, nên nhiều sĩ tử làm từng mục chỉ lược thảo chứ không dám đi sâu vì sợ không kịp giờ.

Nguyễn Minh Triết bao năm miệt mài đèn sách, trải bao kỳ thi, đã dưỡng thành sự trầm tĩnh. Vậy nên ông cứ thong thả làm từng mục một, đi sâu có dẫn giải, biện luận đầy đủ rõ ràng rồi mới qua mục khác, hết giờ ông mới chỉ làm được 4 mục. Ra khỏi trường thi, nhiều người cảm thấy ngao ngán.

Nghĩ lần này khó đậu, Nguyễn Minh Triết không ở trọ tại Kinh thành xem kết quả mà về luôn quê nhà. Trước khi đi ông dặn chủ nhà trọ rằng nếu thấy tên ông trong danh sách đậu thì nhờ báo cho ông biết.

Lận đận suốt 30 năm thi mới đỗ tiến sĩ.

Lận đận suốt 30 năm thi mới đỗ tiến sĩ.

Càng không đỗ càng học

Tên của Thám hoa Nguyễn Minh Triết đứng đầu trên bia tiến sĩ khoa Tân Mùi (1631).

Tên của Thám hoa Nguyễn Minh Triết đứng đầu trên bia tiến sĩ khoa Tân Mùi (1631).
Những năm trí sĩ ở quê nhà Lạc Sơn, Thám hoa Nguyễn Minh Triết có nhiều công lao trong việc uốn nắn kỷ cương, lập lại phong hóa và rèn cặp nhiều học trò đỗ đạt thành danh.
Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ Thám hoa Nguyễn Minh Triết toạ giữa làng - như gương soi về lòng kiên trì chí tiến thủ.

Tương truyền, một đêm Nguyễn Minh Triết đến cầu mộng ở chùa Hương Hải trong vùng. Khi thiếp ngủ thì được thần nhân tới báo rằng: “Độc thư đáo lão vị thành danh”. Ông lẩm nhẩm dịch thành tiếng: “Có học đến già cũng không đỗ”, rồi giật mình tỉnh giấc, quát to lên rằng: “Thần dẫu thiêng cũng chẳng kìm hãm được ta. Ta vẫn cứ học, xem thần làm gì được?”. Ý của ông là noi theo gương của Hàn Du ngày trước: “Càng không đỗ càng học”.

Thi xong, từ Kinh thành về quê. Vừa vào đến sân, bà vợ trông thấy đã hỏi ngay: Thế nào, ở trường thi ông làm bài ra sao? Ông thật thà: Đề thi ra 12 mục, tôi làm đủ 4 mục, còn để sót lại 8 mục.

Bà vợ chu chéo: Ngoài 50 tuổi đầu rồi mà 12 mục lại để sót những 8 mục, thì thử hỏi còn đỗ làm sao được? Ông chống chế: Bà không biết đấy thôi, chứ 4 mục mà làm đủ có khi còn hơn cả 12 mục làm thiếu.

Thế rồi như để tạ lỗi với vợ, ông vác cào cùng ra đồng làm cỏ lúa. Những ngày sau, ông vẫn đi ra đồng làm như thế. Mặc dù ngoài mặt thì cười nói như không có chuyện gì, nhưng trong bụng luôn lo âu, phấp phỏng.

Khoảng nửa tháng sau, khi ấy hai vợ chồng ông đang làm cỏ lúa, thì ở phía làng có người hớt hải chạy tới. Khi gần đến nơi, ông nhận ra đó là người chủ trọ ở Kinh thành đến báo tin ông đỗ đầu khoa thi.

Lúc này nhớ lại chuyện được thần báo mộng khi xưa, Nguyễn Minh Triết mới hiểu ra “độc thư đáo lão vị thành danh” mang ý nghĩa đọc sách đến già, năm “mùi” thì mới thành danh. Chữ “vị” còn có nghĩa là năm Mùi. Trong tất cả khoa thi, không năm nào trúng năm Mùi cả, chỉ đến khoa thi đó mới là năm Tân Mùi.

Dẫu vậy, nếu ông không kiên trì, mà thoái chí nản lòng, thì chắc chắn năm Tân Mùi 1631 ấy, ông cũng không thể trở thành Thám hoa. Câu chuyện của vị Thám hoa 53 tuổi trở thành tấm gương cho các sĩ tử thời ấy.

Chuyện chấm thi năm Tân Mùi (1631) có một số tư liệu chép lại rằng, khi chấm bài các quan thấy có bài thi làm rất tốt, nhưng lại chỉ hoàn thành có 4 đề mục, về lý thì không đỗ. Nhưng vì bài làm quá hay nên các quan quyết định để riêng ra rồi xét sau.

Sau khi trình chúa các quyển đậu, chúa hỏi: “Những quyển định lưu xét kỳ này, có quyển nào hay không?”. Các quan mới bẩm có một bài làm 4 đầu mục rất tốt, nhưng lại sót 8 đầu mục. Chúa nói rằng: “Thơ một câu, phú một liễn. Một câu hay còn có thể lấy, huống hồ là 4 mục”.

Đức nghiệp nhà nho

Dù chỉ làm 4/12 câu trong đề thi, Nguyễn Minh Triết vẫn đỗ đầu.

Dù chỉ làm 4/12 câu trong đề thi, Nguyễn Minh Triết vẫn đỗ đầu.

Quyển thi được trình lên chúa đọc thấy hay và tâm đắc, nhưng còn băn khoăn vì một số chỗ không hiểu. Chúa liền truyền đưa cho Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ xem.

Bà Nguyễn Thị Duệ giải nghĩa theo điển tích cùng hàm ý sâu xa khiến chúa cùng các quan rất khâm phục. Tuy nhiên, biết mọi người còn băn khoăn vì bài này chỉ làm có 4 đầu mục, nữ Trạng nguyên nói: “Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ”.

Giai thoại kể rằng, thời trẻ do đường công danh lận đận, nên ngoài 20 tuổi Nguyễn Minh Triết vẫn chưa lấy vợ. Một đêm, ông ngồi đọc sách chợt thiếp ngủ, thì Thần nhân đến báo mộng rằng: “Vợ nhà ngươi đã sinh ra rồi, sau này hãy tìm đến mà dạm hỏi”.

Sáng hôm sau, hỏi ra thì biết đêm qua trong làng có một người sinh con gái. Ông tin như thế và vẫn cố chờ, đến khi đứa trẻ lớn lên thành người con gái mặt hoa da phấn, thì tiếc thay lại bị một Thổ hào ở xã Lạc Đạo đến tranh mất.

Mấy năm sau, khi người con gái đã sinh con và vị Thổ hào cũng ốm chết, thì ông mới đem trầu cau đến dạm hỏi, để cưới về làm vợ.

Lại một chuyện khác kể rằng, có một người bạn học từ thời tóc còn để chỏm bị mắc bệnh, lâu ngày không khỏi. Mọi người cho rằng ông ta đã bị ma ám. Nguyễn Minh Triết tới thăm, dán đôi câu đối ở ngoài cửa: Phùng khứ tật, hoắc khứ bệnh, bệnh tật khử trừ/ Hàn diên thọ, đỗ diên niên, thọ niên diên vĩnh.

Dán xong, ông về thẳng nhà. Liền sau đó, người bệnh đang thiêm thiếp ngủ, bỗng toát mồ hôi giật mình tỉnh giấc đòi uống nước, ăn cháo. Mấy hôm sau thì bệnh tật khỏi hẳn.

Mấy câu giai thoại dẫn trên, là dân gian muốn giải thích về tài văn học của Thám hoa Nguyễn Minh Triết, chứ kỳ thực khó có chuyện thần kỳ.

Bình sinh, Thám hoa Nguyễn Minh Triết sáng tác thơ văn khá nhiều, nhưng đến nay đã thất lạc, chỉ còn lại một bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”.

Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo – một vị khoa bảng văn chương nổi tiếng cùng thời rất bái phục văn thơ của của Nguyễn Minh Triết. Ông từng đánh giá: “Riêng một mình ông đã là cao lực hùng văn vượt lên một thời”. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú xếp Nguyễn Minh Triết vào hàng những “Nhà nho có đức nghiệp”.

Ngoài 80 tuổi Nguyễn Minh Triết về trí sĩ với tước Cẩn quận công. Tuy thế những dịp lễ tết hay việc đại sự, ông vẫn được mời vào triều bởi tài học rộng hiểu nhiều.

Thám hoa Nguyễn Minh Triết mất năm 1673, thọ 95 tuổi. Triều đình ban tên thụy là Văn Đẩu với hàm ý là tài năng, phẩm hạnh sáng như sao trên trời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ