Chuyện ít biết về vị Thám hoa trẻ nhất Việt Nam

GD&TĐ - Đặng Ma La là vị Thám hoa trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, sử sách viết về ông không nhiều nên những câu chuyện càng trở nên bí hiểm.

Đền thờ Thám hoa Đặng Ma La.
Đền thờ Thám hoa Đặng Ma La.

Đặng Ma La, người xã Tụy Động (Tốt Động), huyện Mỹ Lương (nay là xóm Phúc Hòa, tức xóm Và, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông là vị Thám hoa thứ 2 trong lịch sử khoa bảng, và là Thám hoa trẻ tuổi nhất. Ông đỗ cùng khoa với Trạng nguyên Nguyễn Hiền và Bảng nhãn Lê Văn Hưu.

Huyền tích ma gò La

Tượng thờ Thám hoa Đặng Ma La tại văn chỉ ở Tốt Động.

Tượng thờ Thám hoa Đặng Ma La tại văn chỉ ở Tốt Động.

Theo cuốn “Đặng tộc đại tông phả”, do Đặng Tiến Thự viết năm 1683, cho biết: Đặng Ma La sinh năm Giáp Ngọ (1234). Cha của ông là Đặng Nghiêm, làm quan nhà Lý. Mẹ của ông là Lý Thị Tiêu, thuộc hoàng thất nhà Lý. Khi nhà Trần áp chế và bắt tôn thất nhà Lý phải đổi họ, hai mẹ con Đặng Ma La phải chạy lánh nạn tại làng Khúc Thủy.

Tuy nhiên, lại có một giai thoại kể rằng, vì nhà nghèo nên gia đình phải sinh sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Cô gái cứ mỗi lần ra ruộng, thò vào hang bắt cua, lại vừa cười vừa nói: “Vương là vua, thò tay vào hang bắt cua, rút ra chữ đắc là được”.

Ở cánh đồng làng có một gò đất có tên gò La, và đồn rằng ở đó có ma. Người làng thường thấy có ánh sáng phát ra, lại nghe cả tiếng người đọc sách, bình thơ. Cô gái tuy sợ nhưng vì mưu sinh nên thường đến đây bắt cua, mò cá.

Vào một buổi sáng sớm cô gái đi gánh nước, đến giếng làng thì thấy có phiến đá trắng bên trên in dấu chân người. Thấy lạ, cô gái ướm thử chân mình vào thì thấy vừa vặn, lại thấy có luồng hơi ấm truyền từ bàn chân lên đến bụng.

Kể từ đó, cô gái thấy trong người khang khác, bụng cô ngày một lớn lên và cũng từ đó, người làng đi ra đồng sớm đều không thấy có ánh đèn và tiếng người đọc sách, bình văn.

Chín tháng sau, cô gái hạ sinh một cậu con trai, dung nhan tuấn tú, diện mạo khác thường. Đến năm cậu bé được 3 tuổi, các cụ trong làng họp bàn và đặt tên cho cậu là Đặng Ma La với ý ma gò La đầu thai vào nhà họ Đặng.

Đặng Ma La lên 4 tuổi đã biểu lộ trí thông minh, sớm hiểu biết, cậu đòi mẹ phải cho đi học nhưng vì gia cảnh khó khăn nên lúc 6 tuổi cậu mới được đưa đến nhà thầy đồ học chữ.

Đặng Ma La tham gia thi tài từ rất sớm, và vượt qua cả hai kỳ thi hương, thi hội. Niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16, ông dự khoa thi Đinh Mùi (1247) đậu Thám hoa lúc mới 14 tuổi, cùng với Nguyễn Hiền 12 tuổi đậu Trạng nguyên và Lê Văn Hưu đậu Bảng nhãn.

Nhờ thầy nên thành tài

Đặng Ma La đỗ Thám hoa khi mới 14 tuổi. Ảnh minh họa: IT.

Đặng Ma La đỗ Thám hoa khi mới 14 tuổi. Ảnh minh họa: IT.

Hậu duệ của Thám hoa Đặng Ma La phục vụ cho triều nhà Trần, có những người oanh liệt làm trụ cột nhà Hậu Trần chống lại quân Minh như Đặng Tất, Đặng Dung. Khi đã sạch giặc Minh, Lê Lợi ban chiếu biển vàng tám chữ: “Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử”, truy phong Đặng Tất làm Đại quốc công, Khuông quốc đại vương Thượng đẳng tôn thần và cho lập đền thờ.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết về khoa thi này như sau: “Đinh Mùi, năm thứ 16. Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau”.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng viết: “Đinh Mùi, năm thứ 16 (1247) thi Thái học sinh. Trước đây, thi lấy học trò đỗ, chỉ chia ra hạng giáp, hạng ất để phân biệt người đỗ cao, đỗ thấp. Nay mới đặt ra tam khôi, lấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa”.

Sau này, nhà bác học thời Lê Quý Đôn trong sách “Kiến văn tiểu lục” có viết: “Khoa này Nguyễn Hiền 13 tuổi, người huyện Thượng Nguyên đỗ Trạng nguyên; Lê Văn Hưu 18 tuổi, người huyện Đông Sơn đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La 14 tuổi, người Mỹ Lương đỗ Thám hoa. Đó cũng là sự lạ”.

Sau khoa thi, vua Trần Thái Tông cho triệu ba vị Tam khôi vào triều bệ kiến. Nhà vua thấy Nguyễn Hiền, Đặng Ma La bé nhỏ, lúng túng trong bộ quần áo vua ban rộng thùng thình, liền hỏi: “Tân Trạng nguyên và tân Thám hoa nhờ đâu mà đang ít tuổi thế kia lại đỗ cao?”.

Nguyễn Hiền nhanh nhẩu đáp: Muôn tâu, sinh nhi dĩ tri - sinh ra đã biết. (Lời Khổng Tử “Sinh nhi tri chi giả thượng dã”: Sinh ra mà đã biết ấy là người ở bậc cao).

Đợi Nguyễn Hiền nói xong, Đặng Ma La thưa: Muôn tâu, đắc ư sư truyền - được như thế là nhờ có thầy truyền dạy.

Vua nghe xong, cho rằng Nguyễn Hiền tuy văn chương giỏi nhưng lễ còn thiếu, lại còn quá nhỏ tuổi (mới 13 tuổi) nên chưa bổ dụng ngay, bắt về học thêm lễ, đợi ba năm sau sẽ triệu vào triều phong quan chức. Đặng Ma La tuy chỉ hơn Nguyễn Hiền 1 tuổi nhưng tỏ ra vừa có tài lại có lễ nên ban cho được rước vinh quy về làng. Sau đó, ông được triệu ra kinh đô phong làm Thẩm hình viện.

Sau mấy năm làm quan ở Thẩm hình viện, Đặng Ma La được phong Nhập thị nội các Tu soạn Kinh Diên, rồi bổ nhiệm làm tướng võ về lập doanh trại, tuyển binh, luyện võ, tại vùng Chúc Sơn Chương Đức, chuẩn bị đánh quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất năm 1258.

Năm Nhâm Thân (1272), Đặng Ma La về trấn giữ tỉnh Đông (Kinh Dương – Hàng Kênh) luyện quân chuẩn bị lực lượng chống Nguyên Mông. Về sau lại phong làm Thị giảng Vũ Hiển đại học sĩ cáo thụ Vinh Lộc đại phu.

Đúng vào năm quân Nguyên Mông kéo quân vào xâm lược nước ta lần thứ hai thì ông mất vào ngày mồng 2 tháng 12 năm Ất Dậu 1285. Tại Khúc Thủy gần Tốt Động (Chương Mỹ), hiện vẫn còn đền thờ và lăng mộ thân mẫu ông là bà Từ Chi Lý Thị Tiêu.

Con cháu oanh liệt

Một số bia đá cổ còn lưu giữ tại đền thờ Đặng Ma La.

Một số bia đá cổ còn lưu giữ tại đền thờ Đặng Ma La.

Theo “Đặng tộc đại tông phả”, Đặng Ma La là em ruột của hai đại khoa là Đặng Tảo Sinh và Đặng Diễn. Đặng Tảo Sinh từng đậu Thái học sinh, làm quan lớn trong triều, khi mất được truy phong tước Cao Nghĩa thần.

Đặng Diễn sau về sinh sống tại làng An Đễ, huyện Thư Trì (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông học giỏi nổi tiếng, tham dự khoa thi Thái học sinh đầu tiên vào thời Trần Thái Tông – khoa Nhâm Thìn (1232), đậu đầu đệ nhị giáp, được bổ dụng làm quan, thăng tới chức Thừa hiến sứ, cuối đời được thăng Lại bộ Tả thị lang cáo thụ Gia Nghị đại phu.

Theo các nhà phả học họ Đặng, thì Đặng Tảo Sinh, Đặng Diễn và Đặng Ma La là con của Đặng Nghiêm. Đặng Nghiêm con trai thứ 5 của Đặng Phúc Mãn quê ở huyện Chương Đức, lộ Ứng Thiên, lớn lên di dời đến quê mới làng An Đễ, huyện Thư Trì, lộ Kiến Xương. Ông thông minh hiếu học, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, tài học uyên thâm nổi tiếng khắp nơi.

Năm Ất Tỵ (1185), ông thi đậu khoa thi chọn Hiền sĩ lúc mới 15 tuổi, được chọn vào hầu giảng sách cho vua nghe. Ông làm quan lên đến chức Thị lang bộ Công, tiếng tăm vang dội, vượt hẳn các sĩ phu đương thời.

Ông là người theo đường thi cử làm quan hiển đạt đầu tiên của hai lộ Kiến Xương, Thiên Trường (nay là hai tỉnh Thái Bình, Nam Định). Ngày nay, tại xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư (Thái Bình) còn có đền thờ Đặng Nghiêm.

“Đặng tộc đại tông phả” còn cho biết, Đặng Ma La có con là Đặng Hữu Điểm, cháu nội là Đặng Nhữ Lâm, chắt nội là Đặng Lộ, tất cả đều là những nhân vật nổi tiếng đương thời.

Năm 1281, nhà Nguyên một mặt sai Toa Đô đánh Chiêm Thành, mặt khác sai sứ sang nước ta mượn đường và đòi giúp quân, cấp lương. Vua Trần Nhân Tông cử Đặng Hữu Điểm và Lê Nổ sang nhà Nguyên, bề ngoài lấy danh nghĩa nạp cống nhưng thực chất là viện lý do để từ chối.

Trong thời gian ở kinh đô nhà Nguyên, Đặng Hữu Điểm dò xét ý đồ, mặt mạnh mặt yếu của quân Nguyên, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đại Việt trong việc chuẩn bị chống giặc.

Đặng Nhữ Lâm cháu đích tôn của Đặng Ma La, làm quan trải bốn triều vua. Năm 1299, ông được vua Trần Anh Tông cử Chánh sứ phái bộ đi sứ nhà Nguyên, bị vua Nguyên Thành Tông bắt ở lại suốt 2 năm.

Trong thời gian này, ông tìm hiểu dò hỏi nắm được một số kiến thức lịch pháp. Sau khi về nước đã truyền lại con trai là Đặng Lộ, đang làm Giám sinh Quốc tử giám ở Thăng Long.

Sau khi bổ nhiệm đứng đầu đài Thiên văn Hậu Nghi, Đặng Lộ nghiên cứu, sáng chế ra một loại công cụ hiệu năng. Đó là “Lung linh nghi” - thiết bị thiên văn dùng để đo đạc xác định vị trí các vì sao, độ lệch của quỹ đạo Mặt trời, Mặt trăng so với xích đạo qua từng thời gian trong năm.

“Lung linh nghi” gồm một quả cầu ở giữa bao quanh bởi nhiều vòng, đặt trên giá cao. “Đại Việt sử ký toàn thư” đánh giá “Lung linh nghi khảo nghiệm thiên tượng không việc gì là không đúng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.