Những giai thoại kỳ bí "Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa" duy nhất trong sử Việt

GD&TĐ - Năm ấy, triều Lê không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn nên Phan Kính được vua phê chuẩn Đình nguyên Thám hoa. Mến tài, vua Càn Long nhà Thanh phong ông là “Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa”.

Tượng thờ Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa Phan Kính.
Tượng thờ Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa Phan Kính.

Cuộc đời Đình nguyên Thám hoa Phan Kính đã để lại nhiều giai thoại đẹp và hết sức kỳ bí. Tài năng của ông được người đời thán phục và ca ngợi hết lời.

Đặng Trần Côn - tác giả “Chinh phụ ngâm” viết về ông rằng: “Học sâu như biển, kình nghê vùng vẫy trận văn, lời sắc hơn dao, phù dung tơi bời ngọn bút”.

Thần đồng Lai Thạch

Phan Kính (1715 - 1761) tự là Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 6/12/1715, quê làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phan Quán làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ.

Sắc phong mỹ tự của vua Cảnh Hưng năm 1783 viết: “...Tướng công văn tài đứng hàng đầu nho sĩ, võ lược xếp vào loại tướng giỏi, được trong triều ngoài quận kính trọng, là người có danh vọng cao như sao Bắc Đẩu trong số các bậc sĩ phu ở trời Nam. Chốn miếu đường cũng như nơi chiến địa đều lẫy lừng tiếng thơm, một miền biên thùy phía Bắc đều khen tài lạ. Từng được ban khen vinh hiển. Sống vẻ vang chết cũng vẻ vang..…”. 

Phan Kính vốn thông minh, sáng dạ, tuổi nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, năm Nhâm Dần (1722) trong kỳ sát hạch, bài văn của Phan Kính khi đó mới 8 tuổi được xếp thứ nhất. Người cậu ruột là Nguyễn Quỳnh (Giám sinh Quốc Tử Giám) biết chuyện, tìm đến huấn đạo xem bài thi của cháu, thấy bài thơ thất ngôn ca ngợi thời Đường ngu có câu: “Đệ nhất hoa huân thâm hoán tưởng/Khả tam sự nghiệp đốc tư duy…” - Nghĩa là: Nhất lập huân công lòng nổi dậy/Ba kỳ sự nghiệp chí vươn lên. Người cậu rất ngạc nhiên và tự hào, cảm ơn vị huấn đạo rồi nói: “Rất xứng đáng”.

Năm Giáp Thìn (1724), Phan Kính mới 10 tuổi đi dự kỳ thi hương trường huyện La Giang. Quan giám khảo là người Đức Quang (Đức Thọ) thấy Phan Kính bé nhỏ, nhưng bài vở lại đạt loại ưu nên ra thêm một vế câu đối: “La Sơn, Lai Thạch thằng bé lách chách vào hạch trường hương”.

Sau hồi suy nghĩ, Phan Kính đối đáp: “Nghệ An, Đức Quang, võng lọng nghênh ngang làm quan giám khảo”. Thấy Phan Kính nhỏ tuổi mà thông minh, có khẩu khí tốt, đối đáp chặt chẽ nên quan giám khảo lấy đỗ hàng đầu.

Năm Phan Kính 14 tuổi, người bố đưa con đến học với một vị Thám hoa ở Nghệ An. Thấy cậu bé thông minh, vị Thám hoa này viết thư giới thiệu ra Thăng Long học với Bảng nhãn Hà Tông Huân đang giữ chức Hựu thị lang Công bộ. Từ đó, sức học của Phan Kính ngày càng tăng tiến.

Năm 1730 có đến 400 sĩ tử trình văn ở Quốc Tử Giám, Phan Kính đỗ đầu. Dù khi ấy mới chỉ 15 tuổi, ông đã được suy tôn là đứng đầu trong nhóm “Nghệ An ngũ tuyệt” (5 người văn chương tuyệt tác của xứ Nghệ ở Thăng Long). Lúc này, Phan Kính đã đàm đạo với những danh sĩ lớn như Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn.

Sau 5 năm học ở Thăng Long, năm 1735, Phan Kính trở về Nghệ An, được cụ Nguyễn Danh Nho vì yêu mến tài đức mà gả người con gái cho, người vợ này cũng là chị gái của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Hiện vật vua Càn Long nhà Thanh ban tặng cho Phan Kính.

Hiện vật vua Càn Long nhà Thanh ban tặng cho Phan Kính.

Đình nguyên Thám hoa

Cho mãi đến năm Quý Hợi (1743), Phan Kính mới trở lại Thăng Long tham dự kỳ thi hội với hơn 3.000 sĩ tử. Sau nhiều phen lận đận nơi trường ốc, khi qua bến đò Phù Trạch ra đến giữa sông Lam, Phan Kính ném một con dao xuống sông mà thề rằng: “Thi hội, thi đình lần này không đỗ, ta quyết không trở về qua đây nữa”.

Trên đường đi gặp một ông phú hộ, biết tiếng Phan Kính là người hay chữ nên xin giúp làm một bài văn tế. Phan Kính giúp ngay nên đến trường thi bị trễ, không kịp làm thủ tục, cổng trường đã đóng chặt. Phan Kính buồn chán tính đợi khoa sau.

Bất ngờ thay, đêm ấy trời đổ mưa to gió lớn, lều chõng của các sĩ tử bị đổ hết, ban giám khảo phải xin phép hoãn lại hôm sau. Nhà vua phê chuẩn lệnh hoãn và cho xem xét các trường hợp đến chậm được vào trường thi. Khi xét đến Phan Kính, chúa Trịnh nói: “Anh này thế nào cũng đỗ”.

Quyển thi của Phan Kính được nhà vua ngự phê “Cho đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh” (Đỗ đầu khoa thi với danh vị Thám hoa) - là học vị cao nhất của khoa thi năm Quý Hợi do khoa thi này triều đình không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn.

Sau lễ xướng danh, dự yến tiệc trong cung vua, Đình nguyên Thám hoa Phan Kính được vua Cảnh Hưng ban cho áo mũ khôi nguyên, cành hoa bằng vàng, đai lưng bằng bạc khảm đồi mồi, hốt ngà bọc gấm. Tết Nguyên đán năm Giáp Tý (1744), tân Thám hoa được triều đình cấp ngựa và tiền về quê vinh quy bái tổ.

Các văn thân người huyện La Sơn đang tại chức ở triều đến tiễn chân, bản huyện (La Sơn) thì có bức trướng bằng lụa mừng do Xuân Quân công Nguyễn Nghiễm, người làng Tiên Điền (thân sinh Đại thi hào Nguyễn Du) soạn văn và Lễ bộ tư vụ Hải thượng thạch trai Lê Tán viết. Nội dung ca ngợi, chúc mừng và hi vọng “Ngày nay hầu là vị tân khoa đứng hàng thứ nhất ở sân triều, ngày sau hầu sẽ là đại thần có công bậc nhất, hầu hãy gắng lên”.

Sau vài tháng nghỉ ngơi, tháng 6/1744 Thám hoa Phan Kính ra kinh đô Thăng Long và được vua Cảnh Hưng sắc phong giữ chức Hàn lâm viện đãi chế chuyên việc cung phụng từ lệnh ở bên vua. Năm sau, ông được cử làm Tuyên úy phó sứ đi kinh lý trấn Nghệ An.

Năm 1747, ông vâng lệnh đi Kinh Bắc làm giám khảo kỳ thi hương. Đầu năm 1748, triều đình bổ dụng chức Hiệp đồng trấn Sơn Tây giúp việc ổn định, trấn an bản xứ. Năm 1749, ông nhận phụng chỉ của Lê triều làm Tham mưu Sơn Tây đạo, đồng thời chỉ huy cánh quân phía tả kiêm Nhung vụ sự ở xứ Thái Nguyên.

Ông đã hiến kế cho Nguyên soái phủ lấy lại trấn Sơn Tây. Với công đức tạo dựng, Phan Kính được dân chúng trong vùng suy tôn là phúc thần. Chúa Trịnh Doanh xin vua giáng chiếu thăng cho Phan Kính hàm “Đông các Đại học sĩ” và điều đi nhậm chức Đốc đồng trấn thủ sự vụ xứ Thanh Hóa.

Sắc phong của vua Cảnh Hưng vào năm 1743 khi Phan Kính đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh.
Sắc phong của vua Cảnh Hưng vào năm 1743 khi Phan Kính đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh.

Bắc Đẩu phương Nam

Năm 1759, triều đình tiếp tục cử ông làm Đốc đồng Tuyên Quang kiêm thừa Chánh sứ. Thời gian này có xảy ra lộn xộn ở hai bên biên giới Việt – Trung, triều Lê cử Phan Kính làm Kinh lược sứ, đem theo 500 quân hộ tống lên biên giới hội khám cùng Thống đốc Vân Nam là Kinh lược sứ của nhà Thanh để lập lại kỷ cương, ổn định tình hình biên giới giữa hai nước.

Sau khi đã ổn định tình hình, triều đình cử Phan Kính sang sứ triều Thanh ký văn kiện chính thức về biên giới. Vua Càn Long rất mến phục tài trí của Phan Kính nên đã gia phong cho ông danh vị “Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa”. Vua Càn Long cũng ban tặng một chiếc áo cẩm bào và hai bức trướng, có ghi hai dòng chữ “Thiên triều đặc tứ Bắc Đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ” (về phía Nam sao Bắc Đẩu chỉ có một người mà thôi) và bức “khả cần khả phong”.

Theo một số chuyện kể, thì sau khi hoàn thành việc diệt giặc cỏ, xác định đường biên giới, năm 1761 nhà Thanh tổ chức liên hoan bên hồ Động Đình, triều đình nhà Lê cử Phan Kính đi dự. Sau khi dự tiệc, Phan Kính về nhà nghỉ ở hồ Động Đình thì bị đột tử, khi ấy ông mới 47 tuổi. Nghe tin, vua nhà Thanh bày tỏ thương tiếc, cho đóng 18 cỗ quan tài, khâm liệm rồi đưa về nước.

Tuy nhiên, nguồn sử liệu khác lại khẳng định Thám hoa Phan Kính bị nhiễm chướng khí nơi biên ải, qua đời tại quân doanh Hưng Hóa ngày 7/7/1761, thọ 47 tuổi.

Thi thể ông được rước về kinh đô Thăng Long. Vua Lê Hiển Tông và Minh đô vương Trịnh Doanh đã cấp lễ vật, tử tuất rất trọng hậu và tự tay đề bức trướng phúng viếng: “Lưỡng đồ văn hữu vũ/Vạn lý hiểm vi di” - Hai đường kiêm văn, võ/Vạn dặm hiểm lại bình.

Nhà vua lấy làm thương tiếc đã ban sắc truy phong ông chức Hữu thị lang Bộ hình, tước Quỳ dương bá, giao cho Bộ Lễ cùng binh lính hộ tống linh cữu Phan Kính về mai táng tại quê nhà. 23 năm sau, vua Lê phong sắc tôn Phan Kính là Thành hoàng. Vua chu cấp tiền, cử thợ giỏi về địa phương xây dựng đền thờ, lăng tẩm tại thôn Vĩnh Gia và giao cho ba tổng Lai Thạch, Hòa Lâm, Bình Hồ thuộc huyện La Sơn thờ phụng.

Năm 1992, nhà thờ Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa Phan Kính được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Tên ông được chọn đặt cho đường phố ở Vinh (Nghệ An) và Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Tên của ông cũng được chọn đặt cho một trường tiểu học tại xã Song Lộc (Can Lộc).

Không chỉ nổi tiếng trong mưu lược nhà binh, Phan Kính còn là nho thần vang danh văn nghiệp. Danh sĩ Đặng Trần Côn, người cùng thời từng viết về ông: “Học sâu như biển, kình nghê vùng vẫy trận văn, lời sắc hơn dao, phù dung tơi bời ngọn bút. Nhọc chi đế trụ, họ tên Tư Mã cả thành hay. Đâu phải đập đàn, Tử Ngang ai cũng quý. Tình vừa đằm thắm, vật vốn thanh cao, người với văn chương cùng tài lỗi lạc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ