Kiến tạo trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Trên hành trình giáo dục, nhà quản lý phải biết cách tạo động lực cho GV cũng như HS để góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, giàu tình thương.

Cô Nguyễn Thị Duyên (thứ 2 từ trái sang) – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu. Ảnh: TG
Cô Nguyễn Thị Duyên (thứ 2 từ trái sang) – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu. Ảnh: TG

Hạnh phúc từ tình yêu thương

Gắn bó với giáo dục hơn 30 năm, cô Cao Thị Phương Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ tâm huyết với nghề mà luôn dành tình yêu thương, nhân ái, sự kiên trì đối với học trò. Bằng sự cố gắng của mình, cô Mai cùng với tập thể nhà trường đưa toàn bộ học sinh điểm lẻ về trường chính khang trang, đầy đủ thiết bị học tập.

Trường đóng chân trên quê hương Đường Lâm – nơi được mệnh danh “đất 2 Vua” nổi tiếng xứ Kinh Kỳ. Trong chương trình giáo dục địa phương của Hà Nội có 4 bài được đưa vào giảng dạy liên quan đến Đường Lâm. Từ đó, cô Mai xác định, thầy cô phải đổi mới trong giảng dạy để học sinh hiểu và thêm tự hào về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên; giúp các em có thêm động lực học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho quê hương.

Năm học 2022 - 2023, nhà trường dạy thử nghiệm giáo dục địa phương lớp 3, bài “Làng cổ Đường Lâm”. Cô Mai đã chỉ đạo giáo viên tích cực nghiên cứu tài liệu, sưu tầm và tìm hiểu thực tế di tích để bài giảng nhẹ nhàng, gần gũi nhất với học sinh. Giảng dạy lịch sử địa phương gắn với hoạt động ngoại khóa làm tăng hiệu quả nên hằng năm vào dịp 26/3, nhà trường tổ chức học sinh trải nghiệm tại khu di tích Văn Miếu – Đường Lâm để giáo dục tình yêu quê hương đất nước.

Cũng theo cô Mai: “Kiến tạo trường học hạnh phúc, môi trường lớp học cần được trang trí đẹp mắt; tạo góc thư viện mở để phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Với khu sinh hoạt chung, tôi cùng giáo viên Mỹ thuật lên ý tưởng tạo dựng những góc thư viện đẹp, thân thiện để hằng ngày vào giờ giải lao, các em có thể tới đọc sách truyện giải trí, tạo niềm vui tiếng cười”.

Không chỉ quan tâm tới chuyên môn, cô Mai đặc biệt chú ý tới việc giúp đỡ học sinh vượt khó học tập. Trong số đó có em Kiều Phương Trang bị bệnh viêm tủy sống phải ghép tế bào gốc, kinh phí rất tốn kém, gia đình lại khó khăn do bố em cũng mắc bệnh về máu. Biết hoàn cảnh éo le đó, cô Mai cùng ban giám hiệu tuyên truyền tới học sinh, giáo viên toàn trường, kêu gọi nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương hỗ trợ em.

Và điều kỳ diệu đã đến sau gần 1 năm điều trị, khi bệnh viện tìm được nguồn tủy ghép thích hợp cho Kiều Phương Trang. Cùng số tiền thầy cô, bạn học, nhà hảo tâm và nhà trường ủng hộ đã giúp gia đình chi trả viện phí, chăm sóc em vượt qua bạo bệnh. Đến nay, Trang khỏe mạnh và đi học bình thường.

Cô Cao Thị Phương Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đường Lâm. Ảnh: TG

Cô Cao Thị Phương Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đường Lâm. Ảnh: TG

Nâng chất giáo dục bằng nhiều giải pháp

Vào nghề năm 2008, cô Nguyễn Thị Duyên – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) được đồng nghiệp, nhà trường ghi nhận, đánh giá cao trong chuyên môn và quản lý giáo dục. Là người nhiệt huyết với nghề, cô Duyên không ngừng suy nghĩ, tìm và đưa ra những cách làm hay, giải pháp sáng tạo... để cùng ban lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học trò.

Về phía giáo viên, để nâng chất cho chuyên môn, nhà trường triển khai mô hình mentor – mentee (thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm sẽ hướng dẫn giáo viên trẻ mới vào nghề). Trường mời chuyên gia cố vấn cập nhật các phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá mới; xây dựng khóa tập huấn chuyên môn dành cho giáo viên trên hệ thống học trực tuyến LMS để có thể tự học, nâng cao trình độ. Nhờ đó chất lượng đội ngũ ngày được khẳng định.

“Với bộ môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, chúng tôi dạy học phân hóa theo năng lực học sinh từ đầu năm lớp 10. Đến lớp 12, phân hóa theo nguyện vọng đăng ký tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT và tiếp tục phân hóa nhóm nhỏ theo năng lực học sinh gặp khó khăn môn học”, cô Duyên cho hay.

Ngoài dạy học phân hóa, việc xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh cuối cấp đóng vai trò quan trọng. Cô Duyên cùng tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên lớp 12 vạch ra chiến lược theo từng giai đoạn với thời lượng phù hợp, đảm bảo hiệu quả ôn tập; phân tích dữ liệu điểm và có điều chỉnh phù hợp với tiến độ dạy học. Nhờ đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 của trường lọt tốp 12 thành phố, cao nhất khối ngoài công lập.

Nhà trường cũng đa dạng hóa hình thức giáo dục STEM. Trong đó chú trọng xây dựng chủ đề/bài học STEM trong các môn học, đặc biệt môn Khoa học; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, Robotic, tạo sân chơi cho các em phát triển kỹ năng và biết vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

“Trong bối cảnh chuyển đổi số, tôi áp dụng công nghệ thông tin để quản lý, hướng tới xây dựng hệ sinh thái số trường học. Trong đó, số hóa hệ thống hồ sơ chuyên môn; quản lý, đánh giá học sinh trực tuyến; thiết lập nền tảng học tập và đào tạo trực tuyến Nguyen Sieu LMS. Thầy cô đã áp dụng các kỹ năng công nghệ vào giảng dạy, tạo ra trải nghiệm học tập hiệu quả hơn cho học sinh”, cô Duyên chia sẻ.

Có con học lớp 10AE4 Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu, chị Nguyễn Thị Thúy Hà đánh giá, cô Nguyễn Thị Duyên giỏi chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc. Làm công tác quản lý nhưng cô Duyên luôn cư xử với phụ huynh đúng mực, tận tình với học sinh. Đặc biệt, cô luôn cung cấp kịp thời cho học trò những thông tin du học, chương trình ngoại khóa bổ ích để cha mẹ cùng tham khảo, quyết định.

Cô Cao Thị Phương Mai và Nguyễn Thị Duyên là 2 trong số giáo viên vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VII năm 2023. Ngoài những đóng góp về chuyên môn, các cô còn hăng hái đi đầu trong phong trào của ngành Giáo dục Thủ đô và hoạt động tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ