Mong sớm có Luật Nhà giáo
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô Hoàng Thị Thanh Bình – Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của nghề dạy học. Lương thấp, trách nhiệm nặng nề và đòi hỏi chất lượng cao, đó là điều mà cô Bình thấy bất cập và còn nhiều trăn trở.
Ngoài ra, theo cô Bình hiện có quá nhiều văn bản của cơ quan có thẩm quyền các cấp quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo dẫn đến chồng chéo. Nhiều lúc, giáo viên hoang mang không biết áp dụng văn bản nào mới đúng. “Tôi mong sớm ban hành Luật Nhà giáo nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến đội ngũ giáo viên” – cô Bình bày tỏ.
Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo đã được GS.TSKH Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất từ lâu. Nay Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật này. Đây là động thái tích cực cho thấy, Bộ luôn quan tâm, đồng hành với nhà giáo.
Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, hiện giáo viên phải đối diện với nhiều áp lực từ công việc đến cuộc sống. Lương thấp khiến nhiều thầy, cô giáo phải làm thêm nghề phụ để “nuôi nghề chính”. Thậm chí, nhiều giáo viên không chịu nổi áp lực, cộng với thu nhập thấp nên đã quyết định “dứt áo ra đi” bỏ nghề, chuyển nghề để tìm đến công việc khác.
Trước thực trạng cả nước đang thiếu giáo viên để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2028, thì việc giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề khiến áp lực càng gia tăng cho ngành Giáo dục.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhấn mạnh, nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Nghề dạy học là nghề dạy người, với nhiệm vụ cao cả là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước - một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay.
Để nhà giáo yên tâm công tác
Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho hay, tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở công lập và ngoài công lập, từ mầm non, phổ thông, đại học và hệ thống dạy nghề.
Ngoài ra, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.
Số lượng đội ngũ nhà giáo đang ngày càng phát triển, đặc biệt là nhóm nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục ở Việt Nam.
Cô Hoàng Thị Thanh Bình – Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, hiện chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức.
Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, nếu không có Luật Nhà giáo thì việc quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo sẽ không đồng bộ, thiếu công bằng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập.
Việc giao thoa giữa quản lý ngành và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ đã tạo ra những bất cập nhất định trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với các cấp học mầm non, phổ thông.
Do đó, cần có những quy định riêng về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo để đảm bảo phù hợp với đặc thù lao động, để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.
Về vị thế, vai trò của đội ngũ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, do chưa được Luật hóa nên thiếu cơ sở để thực hiện.
Trong bối cảnh đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, vị thế của nhà giáo, sự tự chủ của nhà giáo trong thực hiện chương trình, trong quản lý và giáo dục học sinh, trong thực hiện các hoạt động chuyên môn cần tiếp tục được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ.
Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội và đặc thù của giáo viên, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Qua đó, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.